Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

HỌC PHẬT VẤN ĐÁP - TẬP HAI - A

PHẬT HỌC VẤN ĐÁP

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP HAI - A
 

Chư vị Pháp Sư, chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm nay có ba mươi hai câu hỏi, chúng ta cứ theo thứ tự để giải đáp. Trước hết là các câu hỏi của các đồng tu Trung Quốc, tổng cộng có mười bốn câu hỏi.

Câu hỏi thứ nhất: Chúng con y theo giáo huấn của lão Pháp Sư, lấy bộ Kinh Vô Lượng Thọ, một câu Phật hiệu, mỗi ngày nghe giảng Kinh bốn giờ, dùng phương pháp như vậy để học tập.

Nhưng chúng con tự tu ở trong nhà, thiếu ngoại duyên đến Chùa cộng tu, liệu có thể tự tại vãng sanh không?

Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì ngoại duyên quan trọng nhất chính là không bị hoàn cảnh bên ngoài quấy nhiễu, điều này quan trọng hơn bất cứ điều gì. Có khi tu hành trong nhà còn thù thắng hơn ở Chùa. Nếu trong Chùa không có trợ duyên tốt, không có niệm Phật đường thật sự tốt, không có sự hộ trì như lý như pháp, người ở ngoài nhiều.

Lời người xưa nói vẫn là có đạo lý, biết quá nhiều việc thêm phiền não, quen quá nhiều người lắm thị phi, nhiều người thì có thị phi, ngược lại không thể thành tựu. Từ xưa đến nay, người thật sự thành tựu, quá nửa là bế quan, họ hoàn toàn đoạn tuyệt với ngoại duyên. Từ chỗ này thì bạn sẽ biết người hộ quan rất tận tâm, rất có trách nhiệm, có thể ngăn mọi ngoại duyên cho bạn, để hoàn cảnh tu hành của bạn thanh tịnh.

Một ngày có thể nghe giảng Kinh bốn giờ, niệm Phật hai mươi giờ, đây là thông thường nói tối thiểu. Tốt nhất là niệm Phật không được gián đoạn, vậy mới chân thật đạt được tự tại vãng sanh.

Gần đây, trường hợp của cư sĩ Hoàng Trung Xương ở Thâm Quyến rất đáng để tham khảo. Ông ấy bế quan, tịnh khẩu ba năm, mỗi ngày ít nhất đọc hai bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Ông không nghe giảng Kinh, chỉ đọc Kinh, sáng đọc một bộ, tối đọc một bộ, niệm Phật hiệu không gián đoạn, mệt thì nghỉ, nghỉ khoẻ rồi lại niệm tiếp.

Ông không nói chuyện với người khác, người khác cũng không nói chuyện với ông, cho nên tâm của ông là định. Bế quan ba năm, ông là hai năm mười tháng, còn có hai tháng nữa là viên mãn, ông đã biết trước giờ đi, đã vãng sanh rồi.

Ông đã làm thí nghiệm cho chúng ta, pháp môn Tịnh Tông niệm Phật cầu vãng sanh, ba năm rốt cục có phải là thật không?

Ông đã làm rất nghiêm túc, quả nhiên sau ba năm thì thành công. Chính mình phải có quyết tâm, quan trọng nhất chính là bạn phải buông được xuống. Bạn còn có chuyện bận tâm không thể buông xuống, vậy thì không được, bạn tu ba mươi năm cũng không có cách gì vãng sanh. Chân thật buông xuống, triệt để buông xuống. Người thân quyến thuộc của bạn phải hiểu bạn thì sẽ không làm phiền bạn, đây mới là quan trọng.

Nếu người thân quyến thuộc thường hay đến quấy nhiễu bạn thì bạn sẽ gặp phiền phức. Cho nên, ở Chùa hay trong nhà đều không nhất định, chủ yếu chính là hoàn cảnh, hoàn cảnh ở nhà tốt thì ở nhà có thể vãng sanh. Hoàn cảnh ở Chùa tốt thì cũng là trợ duyên rất tốt.

Câu hỏi thứ hai: Có đồng tu tu hành tại gia chỉ nắm một câu Phật hiệu, không đọc Kinh cũng không nghe giảng Kinh. Ba tháng sau, cảm thấy hằng ngày khi nhiễu Phật thì có hoa sen đi cùng, khi lễ Phật thì Tây Phương Tam Thánh đang ở trước mặt. Vì vậy rất nhiều đồng tu đã noi gương học tập theo, không nghe giảng Kinh, không đọc Kinh, chỉ niệm một câu Phật hiệu.

Xin hỏi chúng sanh thời mạt pháp phải nên tu hành như thế nào mới có thể thật sự được tự tại vãng sanh?

Lời họ nói là đúng, cũng giống như cư sĩ Hoàng Trung Xương. Vấn đề chính là họ chân thật có thể buông được xuống, thật sự không muốn sanh tử trong lục đạo luân hồi nữa, chân thật muốn xuất ly, buông được sạch sẽ, vậy thì được.

Khi xưa, đồ đệ của lão Pháp Sư Đế Nhàn chính là một câu Phật hiệu mà vãng sanh, Ngài ấy không biết chữ, Ngài cũng không tụng Kinh, chính là một câu A Di Đà Phật, cũng là ba năm, biết trước giờ đi, đứng mà vãng sanh, đây là tấm gương rất tốt.

Cho nên mấu chốt là ở chỗ bạn có chân thật buông xuống hay không?

Quan trọng nhất chính là câu nói này, chân thật buông xuống thì không ai chẳng thành tựu. Nếu không phải là chân thật buông xuống, còn có việc bận tâm, còn có vọng tưởng phân biệt chấp trước, vậy thì không đi được, nhất định phải biết đạo lý này.

Chúng ta biết đồ đệ của lão Hoà Thượng Đế Nhàn là ông thợ vá nồi, cả một đời nghèo cùng khốn khổ, không muốn đến nhân gian nữa. Lão Hoà Thượng dạy ông một câu A Di Đà Phật, niệm mệt thì nghỉ, nghỉ khoẻ rồi lại tiếp tục niệm.

Trong tâm của ông không có tạp niệm, ý niệm gì cũng không có. Nói cách khác, chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài câu A Di Đà Phật ra, không có tạp niệm nào cả. Đây chính là tịnh niệm tương kế tịnh niệm tiếp nối mà trong Kinh Điển đã nói, ông làm được rồi.

Ý niệm của ông chính là A Di Đà Phật, không có ý niệm thứ hai, vậy thì được, tuyệt đối không có vấn đề gì. Cho nên, có người muốn học, chân thật có thể học được thì là việc tốt. Giống việc vãng sanh của cư sĩ Hoàng Trung Xương, làm ra sự thị hiện cho mọi người xem, bạn làm giống như ông ấy thì nhất định cũng vãng sanh.

Từ tấm gương vãng sanh này mà xem, pháp môn Tịnh Tông xác thật là đạo dễ hành, đơn giản, dễ dàng, ổn định, trong thời gian ngắn thành tựu thù thắng khôn sánh.

Vấn đề chính là bạn có thể tin tưởng không?

Bạn có thể buông xuống không?

Bạn hoài nghi pháp môn này, đối với hết thảy việc vụn vặt trên thế gian này bạn có một việc không buông xuống nổi thì không được. Thật sự phải không có mảy may chướng ngại, không có mảy may lưu luyến, vậy mới được.

Câu hỏi thứ ba: Mạt học là chúng xuất gia ở Hà Nam, xuất gia với một vị tự xưng là Pháp Sư xuất gia là đệ tử của Ngài. Vị Pháp Sư này lợi dụng danh nghĩa của Nhà Tưởng Niệm Vạn Tánh Tổ Tiên để thu gom tiền ở trong ngoài nước. Hiện nay vị này dính vào nợ nần, trách nhiệm đổ hết lên đầu của mạt học.

Xin hỏi phải làm sao?

Điều này tôi không biết làm sao cho tốt, bạn phải đi hỏi vị sư phụ đó phải làm như thế nào thì mới được. Tôi cũng không biết có sự việc này. Tôi nhân trường hợp này để báo cáo với mọi người một lần nữa, cả đời của tôi không thu nhận đồ đề xuất gia. Những Pháp Sư chữ Ngộ, có hai mươi mấy người đi cùng tôi, đây là do Quán Trưởng Hàn Anh ở Thư Viện Hoa Tạng thu nhận trước đây.

Bà ấy muốn xây dựng Đạo tràng, cả đời tôi không có Đạo tràng. Người ta muốn xuất gia với tôi, tôi không có Đạo tràng, không nơi nào cho bạn ở. Cả đời tôi đều là ở trong nhà do các vị cư sĩ cúng dường, cúng dường không phải là cho tôi, quyền sở hữu là của họ, tức là nói tôi đi ở nhờ.

Tôi ở Hong Kong, nhà cửa ở nơi này là của lão cư sĩ Trần, Tinh Xá của chúng tôi ở đây có ba tầng, một tầng là do lão cư sĩ Trần quyên tặng. Chúng tôi ở đây có tổ chức, có ban quản lý, không phải là tài sản của riêng tôi, không phải là bà ấy tặng cho cá nhân tôi.

Bà ấy cho tôi mượn nhà của bà ấy để ở, cho tôi một chiếc chìa khóa là được rồi. Hết thảy chi tiêu đều nhờ bà ấy trả, tiền điện thoại, tiền nước, toàn bộ đều do bà ấy trả, tôi đều không biết.

Mấy chục năm trong tay tôi không đụng đến tiền. Cho nên tôi không có cách gì nhận đồ đệ, nhận đồ đệ thì không có chỗ ở. Bà ấy cúng dường cho một mình tôi thì dễ, nếu tôi dẫn theo vài người thì bà ấy không dám cúng dường tôi nữa, quá nhiều người, gánh nặng quá lớn. Mọi người phải hiểu rõ.

Vị Pháp Sư đó tự xưng là đệ tử xuất gia của tôi, tôi không biết thầy ấy. Loại tình hình này, ở trong nước, tôi nghe nói rất nhiều, do Cục Trưởng Cục Tôn Giáo nói với tôi. Cục Trưởng Cục Tôn Giáo quốc gia nói với tôi rằng, họ lấy danh nghĩa của tôi, đến khắp nơi phô trương lừa dối.

Cục Tôn Giáo cũng đã hiểu rõ, họ nói: Thưa Pháp Sư, nếu Ngài không biết việc này thì chúng tôi sẽ xử lý.

Nếu gặp phải vấn đề này, các vị phải tìm Cục Trưởng Diệp của Cục Tôn Giáo quốc gia, hỏi ông ấy xem cách xử lý như thế nào?

Đây là việc vi phạm pháp luật, nhất định phải xử phạt theo pháp luật. Người mà cả đời chúng tôi học tập chính là Thích Ca Mâu Ni Phật, học tập với Bổn Sư. Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời không có Đạo tràng, mặc dù Ngài nhận không ít đệ tử, nhưng những đệ tử đó đều giống như Ngài.

Đời sống của họ đều là ôm bình bát, nơi ở đều là ngồi dưới cây, gọi là ngủ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa, trải qua đời sống thanh khổ như vậy. Học trò của Ngài, gọi là chúng thường tùy, có một ngàn hai trăm năm mươi người.

Ngài không sợ, Ngài không cần nhà ở. Cho nên, cả đời Phật không xây dựng Đạo tràng, điều này chúng ta phải biết. Có nơi nào thỉnh mời, Phật rất từ bi, Ngài đều nhận lời đến đó để giảng Kinh, dạy học. Giảng một thời gian, giảng xong rồi thì Ngài rời khỏi, không phải là ở lâu dài ở một nơi. Cả đời Phật trải qua chính là đời sống du hóa.

Câu hỏi thứ tư: Cư sĩ vãng sanh rồi thì người nhà có cần phải cúng thí thực không?

Nghi thức này nếu quen thuộc rồi thì có thể làm. Quỷ thần, chúng sanh ở cõi u minh, họ cũng là một trong những chúng sanh trong lục đạo. Phật Pháp vô cùng từ bi, Phật không những dạy người mà còn dạy cho tất cả chúng sanh ở trong chín pháp giới.

Phật ở trong Kinh Điển dạy khi có những việc này, chúng ta cũng nên giúp đỡ họ. Việc cúng thí thực này, bất luận là ở Am Đường, Chùa Chiền, hoặc là ở gia đình mình, ngay cả khi chúng ta đi du lịch bên ngoài, thì giống như Thế Tôn thời đó, có thể làm ở dưới cây trong rừng, ở nơi đồng ruộng.

Câu hỏi thứ năm: Xin hỏi việc lấy tiền kiếm được do các hành vi không như pháp như trộm cắp, lừa gạt, sát sanh... để bố thí cúng dường thì phải chịu quả báo gì?

Phàm là những thứ này thì gọi là tiền tài bất nghĩa, không phải là có được bằng phương thức bình thường, một người tốt trên thế gian đều không muốn tiếp nhận.

Người xưa nói kẻ sĩ, người quân tử, một người hiểu biết, rõ lý cũng chẳng chịu tiếp nhận, huống chi là Phật Bồ Tát?

Về sau bạn sẽ hiểu được bạn dùng thứ này để bố thí cúng dường thì không đạt được quả bảo, quả báo bạn có được là tiêu cực, tuyệt đối không phải là quả thiện, phải hiểu điều này.

Do đạo lý này mà Phật dạy chúng ta giữ tâm tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, làm người tốt, có người tốt nào lại làm những việc trộm cắp, lừa dối, sát sanh chứ?

Không thể dùng thủ đoạn này, đây không phải là người tốt.

Đạo tràng của chúng tôi, những năm đầu ở Đài Loan, Đạo tràng đầu tiên là Thư Viện Phật Giáo Hoa Tạng do Hàn Quán Trưởng chủ trì được mười mấy năm.

Thư Viện tiếp nhận cúng dường của tứ chúng, nhưng Hàn Quán Trưởng là một người rất hiểu lý lẽ, tiền cúng dường của người ta mang tới, bà nhất định sẽ hỏi họ tiền từ đâu ra?

Số tiền ít thì không hỏi, nếu số tiền quá lớn thì bà nhất định sẽ hỏi. Nếu tiền cúng dường có được bắng cách bất minh thì bà sẽ trả lại, đây là chính xác. Tôi nhớ có một năm, hình như là vào dịp Tết, có một vị cư sĩ cầm đến 500.000 đài tệ để cúng dường thường trụ. Tôi đã thấy Hàn Quán Trưởng đã hỏi ông ấy, kết quả tiền của ông ấy là tiền cho vay nặng lãi.

Quán trưởng nghe xong liền hỏi ông ấy xem người trong nhà có biết không?

Người trong nhà không biết. Quán trưởng đã trả lại toàn bộ, một xu cũng không nhận. Bà nói với ông ấy, cách làm của ông là sai rồi, trong Kinh Điển của Thích Ca Mâu Ni Phật, Tam Tạng mười hai bộ Kinh Điển, không tìm thấy bộ Kinh nào dạy bạn cho vay nợ để có tiền cúng dường, không có đạo lý này.

Phật dạy người cúng dường, khuyên người tu cúng dường là tùy phận tùy lực, nhất định tăng thêm áp lực cho bạn, nhất định không được miễn cưỡng, vậy thì sai rồi.

Việc cúng dường của bạn nhất định là sanh tâm hoan hỷ chứ không phải là chồng thêm gánh nặng, đây là sai lầm, đạo lý này chúng ta phải biết. Người phụ trách Đạo tràng, khi người khác quyên góp tặng tiền, nếu là số tiền lớn thì phải nên học theo Hàn Quán Trưởng, thái độ như vậy là chính xác. Cho nên nghe giảng Kinh, hiểu rõ lý quan trọng hơn bất cứ điều gì.

Thường thì hiện nay thấy tiền là mắt sáng ra, miễn có tiền là được rồi, càng nhiều càng tốt, không hỏi lai lịch, vậy thì không được, điều này nhất định là sai lầm. Số tiền càng nhiều thì càng phải làm cho rõ ràng, phải tra xét cho rõ ràng.

Câu hỏi thứ sáu: Thỉnh thoảng con nghe có người bàn luận Đạo tràng nào đó, cư sĩ nào đó không như pháp. Mà những cư sĩ, Đạo tràng đó thường là trong lúc lão Pháp Sư giảng Kinh có tán thán là Đạo tràng thù thắng, là Đại Đức Bồ Tát.

Xin hỏi con nên lựa chọn Đạo tràng như pháp như thế nào?

Lựa chọn Đạo tràng không phải là chọn ở bên ngoài, nếu chọn ở bên ngoài thì chẳng tìm được Đạo tràng nào.

Lựa chọn ở đâu?

Là từ trong tâm thanh tịnh của mình mà chọn, nơi nào cũng là Đạo tràng như pháp, không có Đạo tràng không như pháp.

Bạn thấy có người bàn luận, bạn có tham gia bàn luận không?

Đạo tràng những năm Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, nói lời thành thật, cũng không phải là Đạo tràng thập toàn thập mỹ.

Vì sao vậy?

Tín chúng của Ngài rất nhiều, rất nhiều thì rất tạp, cho nên rồng rắn hỗn tạp, trong đó có rất nhiều người làm việc không như pháp là Tỳ Kheo xuất gia, họ thực sự là đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật. Bạn xem Lục Quần Tỳ Kheo mà trong Kinh nói.

Những người này đều là Tỳ Kheo không nghe lời, nghe giảng Kinh Giáo của Thích Ca Mâu Ni Phật rồi mà còn cố tình làm trái, cố tình không tuân thủ, tác oai tác quái khắp nơi, dẫn đầu chính là Đề Bà Đạt Đa. Mà Đề Bà Đạt Đa là anh họ của Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng chung ông nội. Những người đó cũng là Bồ Tát mà chúng ta không biết.

Cho nên chúng ta tiếp nhận giáo dục, có hai dạng người dạy dỗ chúng ta, hai dạng này đều là thầy ta. Khổng Tử nói ba người cùng đi ắt có thầy ta, ba người này có một người thiện, một người ác, một người là chính mình, đây gọi là ba người cùng đi. Người thiện là thầy ta, những chỗ tốt của họ chúng ta phải học theo họ.

Người bất thiện cũng là thầy ta, họ cố tình làm ra những điều bất thiện đó để chúng ta phản tỉnh, nhìn xem ta có hành vi bất thiện này không?

Nếu ta có thì nhanh chóng sửa lại, nếu không có thì khích lệ, đừng phạm lỗi lầm đó giống như họ, họ cũng là thầy ta. Cho nên, nếu bạn là người thiện thì bạn thấy người trong thiên hạ đều là người thiện. Nếu bạn thấy người này bất thiện, người kia bất thiện, quay đầu nghĩ lại đó là chính mình bất thiện chứ không phải họ bất thiện, phải hiểu đạo lý này.

Bạn xem Kinh Hoa Nghiêm mà chúng ta hiện nay đang giảng, mấy ngày gần đây vừa đúng lúc giảng đến.

Đại Sư Thanh Lương nói: Thuận nghịch đều là thuận, chính là đạo lý này. Thuận chính là thiện, nghịch chính là bất thiện, nghĩa là thiện và bất thiện cũng là thiện, không có bất thiện, hoàn toàn xem ở chính mình.

Trong Kinh Lăng nghiêm, Phật nói: Nếu có thể chuyển cảnh, ắt đồng với Như Lai, chính là bạn có thể chuyển được cảnh giới hay không?

Bạn có thể chuyển được thì gọi là biết tu hành, gọi là khéo học, khéo tu. Bạn không chuyển được thì bạn bị đào thải mất rồi. Hết thảy cảnh duyên đều là tăng thượng duyên tu học của chúng ta.

Phật ở trong Kinh nói rằng, chúng ta tu hành một ngày ở nơi này bằng tu học một trăm năm ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.

Chính là tu hành ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc một trăm năm không bằng ở đây tu một ngày, bạn nói xem hoàn cảnh ở nơi này có tốt không?

Vì sao vậy?

Thế Giới Tây Phương Cực Lạc vô cùng ổn định, mặc dù ở đó không thoái chuyển nhưng ở đó tiến rất chậm. Thế Giới này là tiến nhanh thoái nhanh, biến động rất lớn, nếu có tiến thì vượt rất nhiều so với Thế Giới Cực Lạc.

Nếu không vượt qua được thì rơi xuống rất sâu, sẽ rơi xuống A tỳ địa ngục. Đây là lên nhanh xuống nhanh, có chỗ tốt của nó. Nếu bạn có thể không sợ thì ở nơi này thật sự thù thắng hơn Thế Giới Cực Lạc, nhất định phải biết đạo lý này.

Thế giới này có lên nhanh, nhưng rơi xuống nhanh thì rất nhiều. Rơi xuống đến tam đồ, rơi xuống đến địa ngục, vẫn là tu hành.

Ở trong tam đồ thì tu cái gì?

Tu sám hối, bạn phải sửa lại cho đúng tư tưởng sai lầm, quan niệm sai lầm, hành vi sai lầm, vừa sửa đúng thì liền xuất ly. Phật cho chúng ta một ví dụ, nghiệp nhân vô cùng phức tạp, Phật đưa ra ví dụ rất đơn giản để cho chúng ta dễ nhớ.

Nhân đọa địa ngục là sân khuể, bạn ở trong địa ngục chịu khổ, biết địa ngục là do tâm sân khuể của ta biến hiện ra, ta từ nay về sau không nổi giận nữa, không sân khuể nữa thì địa ngục không còn nữa, bạn liền thoát khỏi địa ngục.

Cõi ngạ quỷ là tâm tham, tâm keo kiệt, bạn ở trong đó chịu thống khổ đó, suy nghĩ mình từ nay về sau không khởi tâm tham nữa. Hễ buông xuống tâm tham thì cõi ngạ quỷ không còn nữa, liền thoát khỏi cõi ngạ quỷ.

Cõi Súc Sanh là ngu si.

Bạn nói xem nơi đó có phải nơi tốt không?

Nếu không có những nơi này, tham sân si của bạn đến đâu để đoạn?

Ác đạo là giúp bạn đoạn phiền não, thiện đạo là giúp bạn nâng thiện căn.

Chúng ta đến lục đạo, biết ở trong lục đạo đều là đang học tập. Học tập, ở trong Phật Pháp nói chính là tu hành, sửa cho đúng những hành vi sai lầm của chúng ta.

Sau đó bạn liền hiểu, Phật ở trong Kinh nói làm thế nào chúng ta có được thân người?

Là do trong đời quá khứ mình tu được ngũ giới thập thiện.

Vậy bạn sẽ biết bạn đến cõi người để học cái gì?

Chính là học ngũ giới, thập thiện. Tu viên mãn ngũ giới, thập thiện thì bạn sẽ được thăng cấp. Giống như đi học vậy, nếu năm học này ta học tốt thì hết năm sẽ được lên lớp, chính là đạo lý này.

Nếu trong đời này tu không tốt ngũ giới, thập thiện thì sẽ ở lại lớp. Ở lại lớp, đời sau bạn vẫn là đầu thai đến cõi người, vẫn đi học, là sự việc như vậy. Nếu học kém quá, tạo rất nhiều tội nghiệp thì bạn lại đến tam đồ, ở tam đồ là tu sám hối, phải thấu rõ đạo lý này.

Sanh lên Trời, đến cõi Trời Dục Giới, trong cõi Trời Dục Giới là tu cái gì?

Phải đoạn dục. Phải tu thượng phẩm Thập Thiện, phải tu tứ vô lượng tâm, từ bi hỷ xả, dần dần, Trời có hai tám tầng Trời, lại từng tầng từng tầng một mà nâng lên.

Hiện nay ngay cả rất nhiều học giả phương Tây đều hiểu, đều biết rằng con người đến thế gian này là có mục đích.

Là mục đích gì?

Đến để học tập. Họ nói có hai dạng người đến thế giới này, một dạng là đến để học tập, một dạng là đến để công tác, cách nói này không khác so với Phật Pháp nói. Phật Pháp nói, một dạng người là Phật Bồ Tát ứng hóa đến để độ chúng sanh, đó là họ đến để công tác. Một dạng người khác, chân thật là đến để tu hành, đến tu hành để nâng cao chính mình, đây chính là đến để học tập.

Cho nên, học tập không ngừng nghỉ, đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn vẫn đang học tập, trong cõi nào cũng là đang học tập, đạo lý này với chân tướng sự thật không thể không hiểu. Nếu bạn biết thì mọi lúc mọi nơi đều là cảnh giới để chuyển đổi chính mình, giúp chính mình nâng cao lên trên.

Nếu chúng ta nghe lời người khác nói thì sẽ hoài nghi. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, việc đặt điều gây rối rất nhiều, cũng có rất nhiều người nghe rồi thì thoái tâm, không học Phật nữa.

Huống chi thế gian hiện nay!

Làm việc tốt khó, khó không gì bằng, làm người tốt khó. Cho nên, chúng ta hiểu rõ thiện hay bất thiện thật sự là ở chính mình, chẳng liên quan gì đến người bên ngoài, cũng chẳng dính dáng gì đến cảnh giới bên ngoài. Miễn là bạn có thể như như bất động, tuân thủ giáo huấn của Phật Bồ Tát, y giáo phụng hành thì chính mình chắc chắn có thành tựu.

Câu hỏi số bảy: Không làm được Đệ Tử Quy, chỉ một câu Phật hiệu niệm đến cùng, như Vua A Xà Thế, xin hỏi như vậy có thể vãng sanh không?

Vua A Xà Thế làm được Đệ Tử Quy chưa?

Vua A Xà Thế chưa làm được Đệ Tử Quy.

Nhưng bạn không phải là vua A Xà Thế, vì sao vậy?

Bạn không làm quốc vương. Ngày nay bạn làm quốc vương, cũng giết cha, giết mẹ, tạo đủ loại nghiệp ác, đến sau cùng bạn quay đầu hướng thiện, có một chút giống vua A Xà Thế.

Nhưng bạn không phải!

Vua A Xà Thế vừa quay đầu, không những viên mãn Đệ Tử Quy mà ngay cả Đại Thừa Bồ Tát giới trong phẩm Tịnh Hạnh của Kinh Hoa Nghiêm cũng viên mãn. Có thể làm được quốc vương là đại phước báo, đời đời kiếp kiếp tu hành, chỉ là nhất thời hồ đồ, Ngài cũng là đến để thị hiện.

Khi học Phật, tôi cảm thấy Ngài là Bồ Tát thị hiện, thị hiện để dạy chúng ta việc gì?

Là thầy giáo lên lớp dạy chúng ta đừng xem thường kẻ làm ác. Họ chẳng việc ác nào không làm, nhưng khi họ vừa quay đầu thì như ngạn ngữ xưa có nói, lãng tử quay đầu, vàng không đổi. Sự quay đầu đó của họ thật sự là quay đầu, dũng mãnh tinh tấn, người thường không cách gì so với họ được.

Làm sao bạn có thể so với vua A Xà Thế chứ?

Cho nên, hãy học Đệ Tử Quy cho thật tốt, không học không được.

Học Đệ Tử Quy không được, không việc gì, vì sao vậy?

Đời sau bạn vẫn phải học, đời sau học không tốt, đời sau nữa vẫn phải học. Đến đời nào đó bạn học tốt rồi, từ đó mới dần nâng cao lên. Khi học không tốt thì cứ ở lại lớp. Nếu làm nhiều việc ác thì đời sau bạn vẫn phải đi vào tam đồ, đi học cách đoạn tham sân si. Chân tướng sự thật chính là như vậy, dạy chúng ta vĩnh viễn học tập, đời đời kiếp kiếp không ngừng học tập.

Vì sao trong đời này không làm cho tốt bài tập của chính mình?

Làm tốt là việc nên làm.

Câu hỏi thứ chín: Ấn Tổ khuyên người niệm Thánh hiệu Di Đà, lại niệm thêm Quán Thế Âm Bồ Tát, xin hỏi như vậy có phù hợp với chuyên tu không?

Những gì Ấn Tổ nói, bạn phải hiểu cho rõ ràng.

Vì sao Ấn Tổ nói vậy?

Ấn Tổ dạy người chuyên tu Tịnh Độ, chuyên niệm Di Đà, hoặc là thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ, hoặc là thọ trì Kinh A Di Đà, thâm nhập một môn. Dạy người niệm thêm Quán Thế Âm Bồ Tát, một ngày là một ngàn tiếng, ở thời khóa sáng tối, niệm một ngàn tiếng Thánh Hiệu Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát để hồi hướng cho chúng sanh khổ nạn trên toàn thế giới, đây không phải là vì chính mình.

Đây là tâm đại từ bi, cứu khổ cứu nạn, cầu Quán Thế Âm Bồ Tát giúp đỡ chúng sanh khổ nạn ở Thế Giới này, là ý nghĩa này. Không phải kêu bạn niệm A Di Đà Phật, lại niệm Quán Thế Âm, không phải vậy. Một ngàn tiếng Phật hiệu là vì chúng sanh toàn Thế Giới mà niệm, không phải là vì chính mình. Đây vẫn là thuộc về chuyên tu, không thuộc về tạp tu.

Câu hỏi thứ mười: Niệm Phật thế nào để có được công phu thành phiến?

Điều kiện quan trọng số một chính là buông xuống vạn duyên, bạn có một chút không buông xuống được thì công phu của bạn sẽ không thành phiến được.

Thành phiến nghĩa là gì?

Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn thì thành phiến. Chúng ta có thể từ sáng đến tối, từ đầu năm đến cuối năm, ở đây thường nói, khởi tâm động niệm ở trong tâm đều là A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, không có tạp niệm, đây gọi là công phu thành phiến. Cho nên, nếu bạn có một việc không buông xuống dược, có một việc còn vướng bận trong tâm thì bạn sẽ không thành phiến được.

Nó sẽ đến để cản đường, nó sẽ đến để làm chướng ngại, phá hoại công phu thành phiến của bạn, phải biết điều này. Những việc này hơn phân nửa không phải ở bên ngoài, quan trọng nhất là sự kiên trì trong nội tâm của bạn, chủ yếu nhất chính là triệt để buông xuống.

Lời này nói ra thì dễ nhưng làm thì không dễ lắm. Đặc biệt là phụ tử tình thâm, không dễ buông xuống, đó là tình chấp. Trong xã hội hiện nay, có người đến cả cha mẹ mình cũng chẳng đoái hoài, trong tâm trí của họ không có cha mẹ.

Trong tâm họ có gì vậy?

Có tiền tài, thấy tiền thì mắt sáng ra. Bạn có thứ này không buông xuống được, cũng không thể thành phiến. Cho nên, danh văn lợi dưỡng, tự tư tự lợi, tôi thường hay nói, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn, những thứ này không buông xuống được thì rất khó được công phu thành phiến.

Buông xuống có hai loại, nhà Phật nói đoạn phiền não, một loại là thật đoạn, một loại là phục đoạn. Bạn có thể khống chế được phiền não, cho dù không đoạn được, nó cũng không khởi tác dụng, đó gọi là công phu thành phiến.

Nếu là thật đoạn thì đó gọi là nhất tâm bất loạn, cao hơn công phu thành phiến. Nhất tâm có sự nhất tâm, có lý nhất tâm, ít nhất là sự nhất tâm. Sự nhất tâm thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc đã hoàn toàn tự tại rồi, muốn đi lúc nào thì đi lúc đó, muốn ở lại thế giới này thêm mấy năm cũng không trở ngại gì.

Chân thật có thể làm được điều này, đây gọi là được đại tự tại. Hơn nữa sự nhất tâm khi sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, không phải là sanh trong cõi Phàm Thánh đồng cư mà là sanh vào Cõi Phương tiện hữu dư, địa vị đó rất cao.

Nếu phục được phiền não, đây gọi là phục đoạn, không phải là thật đoạn. Niệm Phật hiệu được công phu đắc lực, tuy còn những phiền não nhưng chúng không khởi tác dụng, loại này được gọi là phục đoạn. Giống như lấy đá đè cỏ, đè xuống rồi, nó cũng hiệu quả, nhất định có thể đới nghiệp vãng sanh, công phu như vậy thì sanh vào Cõi Phàm Thánh đồng cư.

Thường chúng ta niệm Phật ba năm thì có thể làm được công phu này. Nếu nói đoạn diệt được phiền não như Đại Đức xưa nói thì người thời nay chúng ta không có ai có thể làm được, đây là thật, không phải giả.

Việc ngày nay chúng ta có thể làm được là đè, ép xuống, dùng một câu Phật hiệu để đè nén tất cả phiền não tập khí xuống. Ví dụ như khi bạn khởi tâm động niệm, khởi lên tâm tham, khởi lên tâm sân khuể, ý niệm vừa mới khởi lên thì A Di Đà Phật, đè cái ý niệm này xuống, đây gọi là niệm Phật, đây gọi là công phu.

Tuyệt đối không phải là một mặt niệm Phật, một mặt khởi vọng tưởng, vậy thì một chút công phu cũng chẳng có, niệm câu Phật hiệu đó không có chỗ dùng.

Người xưa gọi là miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công, cái đó không có chỗ dùng, một ngày niệm mười vạn tiếng, hai mươi vạn tiếng cũng không có chỗ dùng, trong tâm vẫn là một mớ hỗn độn, vẫn là rất nhiều vọng tưởng. Khi niệm Phật, quan trọng nhất chính là đánh bay vọng tưởng, nhất định không cho phép trong tâm của mình khởi lên vọng niệm.

Bất kể là thiện niệm hay là ác niệm cũng đừng quan tâm đến nó, thảy đều dùng một câu Phật hiệu để thay cho nó, đây gọi là niệm Phật, công phu như vậy mới có thể thành phiến. Thành phiến cũng có chín phẩm, thượng tam phẩm thì thật sự là tự tại vãng sanh, biết trước giờ đi.

Câu hỏi thứ mười một: Người niệm Phật có Phật Bồ Tát, long thiên thiện thần phù hộ, vì sao khi lâm chung còn bị oan gia trái chủ làm chướng ngại sự vãng sanh của họ?

Có người niệm Phật có công phu đắc lực, có người niệm Phật không có công phu đắc lực. Nếu thật sự đạt niệm Phật thành phiến thì người niệm Phật này có công phu đắc lực, khi lâm chung, oan gia trái chủ sẽ không làm chướng ngại họ. Nếu công lực của bạn không đạt, hay nói cách khác, bạn không vãng sanh nổi thì oan gia trái chủ sẽ đến đòi nợ bạn.

Thiếu nợ mạng thì tìm bạn để đòi mạng. Thiếu nợ tiền thì tìm bạn để đòi tiền, bạn vẫn là không thoát nổi. Những việc này đều là thật. Nếu thật sự thấu rõ những chân tướng sự thật này thì nhất định không được hại mạng chúng sanh.

Ngàn vạn lần đừng cho rằng những động vật nhỏ không đáng gì. Bạn giết muỗi kiến sâu bọ, đến lúc bạn mạng chung, chúng sẽ đến đòi mạng, chúng cũng là một sinh mạng. Tiền tài bất nghĩa, bạn lấy được rồi, bạn vẫn phải trả nợ. Ngạn ngữ gọi là giết người đền mạng, thiếu nợ trả tiền, đời đời kiếp kiếp, nhân quả ba đời.

Vì sao lại đến thế gian này?

Nói thật ra, chính là vì đòi nợ, trả nợ mà đến. Nếu việc nợ nần của một người đều sạch sẽ, không còn nữa, không thiếu nợ mạng, cũng chẳng thiếu nợ tiền, oan gia trái chủ nào cũng chẳng có nữa.

Oan gia trái chủ là tự mình tìm đến. Công phu của bạn đắc lực thì oan gia trái chủ cũng hoan hỷ. Việc này mấy năm trước ở Singapore, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy. Vị trưởng tràng của Cư Sĩ Lâm Singapore lúc đó là lão cư sĩ Trần Quang Biệt.

Trước khi ông vãng sanh một ngày, tôi quy y cho ông, truyền Tam quy Ngũ giới cho ông, ông biết trước giờ đi. Khi ông vãng sanh, các đồng học ở Cư Sĩ Lâm là chúng xuất gia của lớp bồi dưỡng chia nhau mỗi nhóm bốn người để trợ niệm cho ông suốt hai tư giờ không gián đoạn.

Một ngày nọ, sau khi trợ niệm cho ông ấy, các đồng học trở về, dẫn theo rất nhiều oan gia trái chủ của lão cư sĩ Trần đến Cư Sĩ Lâm. Ở Cư Sĩ Lâm có niệm Phật đường, họ dựa vào thân một bé gái ở niệm Phật đường, cô bé cũng đã gặp tôi, tên là Đỗ Mỹ Tuyền.

Khi họ dựa thân thì cô ấy bất tỉnh, miệng sùi bọt mép, một lúc sau mới nói chuyện được. Họ nói lão cư sĩ thật tốt, đã niệm Phật vãng sanh rồi, họ rất tôn trọng ông ấy, không gây phiền phức cho ông ấy. Họ nói họ được sự đồng ý của Thần hộ pháp của Cư Sĩ Lâm để cho họ vào. Họ đến có hai mục đích, thứ nhất là đến cầu quy y.

Lúc đó đúng lúc tôi đang giảng Kinh ở Hong Kong, có người gọi điện thoại qua nói với tôi việc này. Tôi nói các vị hãy nhanh chóng quy y cho những oan gia trái chủ của lão cư sĩ Trần. Yêu cầu thứ hai, họ yêu cầu được nghe giảng Kinh Địa Tạng. Tôi nói ở lầu năm của chúng tôi là giảng đường, mỗi ngày đều có Pháp Sư giảng Kinh.

Họ nói ánh sáng ở giảng đường quá lớn, quỷ không chịu được. Sau đó tôi nghĩ đến trai đường, nhà ăn, trong đó có ti vi, phát băng giảng Kinh Địa Tạng. Họ rất hoan hỷ, liền đồng ý ngay. Chúng tôi ngày đêm phát băng không ngừng, phát được hơn một tháng thì họ đạt được lợi ích, đều đi rồi.

Đây chính là công phu đắc lực chân thật của người niệm Phật, chân thật là niệm Phật vãng sanh, những oan gia trái chủ cũng hoan hỷ. Sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì thành Phật. Họ có quan hệ với Phật, tương lai cũng có duyên được độ, nói chung là có duyên với Phật, cho nên họ không gây phiền phức. Bạn xem họ đến cầu quy y, đến cầu siêu độ, yêu cầu được nghe giảng Kinh, đây là việc tốt.

Phàm là lúc lâm chung còn có oan gia trái chủ đến gây phiền phức, làm chướng ngại việc vãng sanh thì trong tâm bạn hiểu rõ đời này của người đó không thể vãng sanh. Người chân thật vãng sanh thì oan gia trái chủ nhất định không dám đụng đến, đúng thật có Phật Bồ Tát hộ niệm, có Long Thiên Thiện Thần phù hộ.

Câu hỏi thứ mười hai: Người khác vì con mà hủy báng Phật Pháp, xin hỏi tội lỗi này thuộc về bên nào?

Thuộc về bạn. Vì bạn mà họ hủy báng Phật Pháp, bạn làm không đủ tốt cho nên chính bạn phải gánh lấy trách nhiệm.

Nhưng người bịa đặt hủy báng cũng có lỗi, vì sao vậy?

Họ ngu si, nếu họ không ngu si thì sẽ không vì chúng ta làm không đúng mà đi hủy báng. Chúng ta đã học Phật nhiều năm, hiểu rõ hơn, không ngu si nữa, nhìn thấy người trong Đạo tràng làm không như pháp, chúng ta không hoan hỷ tán thán, cũng không hủy báng họ. Trước đây thì không được, trước đây chắc chắn là đã hủy báng rồi.

Đây chính là chỗ không giống nhau của chúng ta, chúng ta hoàn toàn tích cực, xem thấy người khác làm không như pháp, quay đầu nghĩ xem chính mình làm có như pháp không?

Nếu mình không như pháp thì phải nhanh chóng sửa đổi. Bởi vì con người rất khó nhìn thấy khuyết điểm của mình, dễ nhất là nhìn thấy khuyết điểm của người khác, người khác là tấm gương soi của chúng ta, bạn lấy họ làm gương soi thì chúng ta sẽ có lợi ích.

Nhìn thấy họ làm không tốt thì phải nhanh chóng quay đầu lại nghĩ xem mình có hay không?

Người đó là thầy của ta, họ là thiện tri thức của ta, sao ta lại hủy báng họ chứ?

Chúng ta quay đầu trở lại, biết sám hối, biết sửa lỗi, chúng ta phải đem công đức tu học để hồi hướng cho họ.

Vì sao vậy?

Chúng ta biết nghiệp mà họ tạo ra rất nặng, ắt sẽ đọa vào ác đạo, chúng ta đem công đức hồi hướng cho họ, hi vọng nghiệp chướng của họ giảm nhẹ, hi vọng thời gian chịu khổ của họ rút ngắn.

Đây là một dạng báo đáp của chúng ta, phải nên vậy, phải hiểu nhân tình sự lý thông thường. Tu hành thì trước hết phải học Chư Phật Bồ Tát, chúng ta đối với hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới, không có một oan gia nào, không có một ai đối lập cả.

Nếu người nào đó chống lại chúng ta, chúng ta lập tức phải phản tỉnh, họ chống lại ta, ta không chống lại họ. Họ hủy báng ta, ta tán thán họ. Họ nhục mạ ta, ta cung kính họ, vậy thì hóa giải rồi.

Vì sao phải làm như vậy?

Chư Phật Bồ Tát đối với hết thảy chúng sinh đều là làm như vậy, chúng ta học Phật thì phải học tâm trạng căn bản làm người của Phật Bồ Tát, vậy chúng ta mới chân thật học được, nhất định không được ghi nhớ oán hận.

Trong lúc giảng Kinh, tôi thường khuyên đồng học, quan trọng nhất là ở sâu thẳm trong nội tâm của chính mình, hóa giải hết thảy ý niệm đối lập với người việc vật, tuyệt đối không đối lập với người, tuyệt đối không đối lập với hết thảy chúng sanh, phải biết khiêm nhường, phải biết tôn trọng.

Chúng ta xem thấy một con muỗi, chúng ta liền chắp tay, chào Bồ Tát muỗi, nhìn thấy một con kiến, chúng ta chắp tay, chào Bồ Tát kiến. Nhất định không dám coi thường, xem chúng giống như là Phật Bồ Tát, chúng cũng hoan hỷ.

Không phải là chúng không hiểu, chúng hiểu, hơn nữa, lại cùng chung sống với chúng ta, vô cùng hợp tác, tuyệt đối sẽ không gây phiền phức. Đây là thí nghiệm của chúng tôi trong nhiều năm nay, rất có hiệu quả.

Gần đây, bên cạnh nhà cũ của tôi ở An Huy có hai thanh niên đã gọi điện cho tôi, nói với tôi một sự việc, tôi nói các bạn hãy viết việc đó ra.

Là việc gì vậy?

Ruồi nhặng, chuột bọ, vốn dĩ gia đình họ rất ghét, hiện nay nghe thấy chúng ta phải cung kính đối với chúng, hai chị em họ đã gọi là Bồ Tát ruồi, Bồ Tát chuột.

Kết quả các Bồ Tát ấy cùng tu hành với họ, cùng niệm Phật, đã vãng sanh rồi, ba chú ruồi vãng sanh, một chú chuột vãng sanh. Tôi nói các bạn hãy viết việc đó ra để mọi người làm tham khảo, để cúng dường đại chúng. Đây đều là việc tốt, là thật, không phải giả.

Những động vật nhỏ này đều có linh tính, vì sao họ bị đọa lạc ở đó?

Họ ở đó học tập, tội nghiệp đã tạo trong quá khứ, cõi súc sanh là ngu si, họ phải đi đoạn tham sân si. Họ buông xuống tham sân si thì họ thoát ra, liền được giải thoát.

***