Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

HỌC PHẬT VẤN ĐÁP - TẬP SÁU - A

PHẬT HỌC VẤN ĐÁP

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP SÁU - A
 

Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, xin chào mọi người.

A Di Đà Phật!

Hôm nay có bảy mươi câu hỏi, rất nhiều vấn đề, chúng ta vẫn phải theo thứ tự. Trước hết là năm câu hỏi của các đồng tu Hong Kong.

Câu hỏi thứ nhất: Đệ tử thích trang điểm, rất chú trọng đến việc phối hợp quần áo, đây có phải là tâm tham không?

Con phải nên làm thế nào mới tốt?

Vấn đề là ở chỗ bạn có tâm tham hay không, nếu không có tâm tham thì rất tốt, thế thì giống như Bồ Tát. Bạn xem Bồ Tát trang điểm cũng rất xinh đẹp nhưng các Ngài không có tâm tham.

Vì sao Bồ Tát phải trang điểm đẹp như vậy?

Là vì để tiếp dẫn chúng sanh, là phương tiện tiếp dẫn chúng sanh. Trong Kinh Phật nói với chúng ta, Bồ Tát trước khi thành Phật thì phải dùng thời gian một trăm kiếp để tu tướng hảo, tu ba hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp.

Ba mươi hai tướng là quả báo, có quả thì ắt có nhân. Ví dụ như trong Kinh nói với chúng ta tướng lưỡi rộng dài của Phật, đầu lưỡi của chúng ta thè ra không liếm đến mũi, đầu lưỡi của Phật thè ra có thể trùm được cả mặt.

Tướng hảo này là do tu gì mà thành?

Đời đời kiếp kiếp không vọng ngữ, Phật nói với chúng ta, ba đời không vọng ngữ thì đầu lưỡi của bạn có thể liếm được đến mũi. Nếu ba đời của bạn có vọng ngữ thì tướng này sẽ không có.

Các Ngài dùng thời gian một trăm kiếp để tu tướng hảo, vì sao vậy?

Con người thích tướng hảo, nhìn thấy hảo tướng thì họ sẽ đi theo các Ngài, cho nên Phật dùng tướng hảo để tiếp dẫn chúng sanh.

Tướng hảo không khác nhiều với trang điểm, đúng không?

Cho nên phải hiểu đạo lý này, không phải là vì chính mình, mà là vì để tiếp dẫn chúng sanh. Vì để cho hết thảy chúng sanh thấy được thì sanh tâm hoan hỉ, đây là phương tiện độ chúng sanh.

Sau khi bạn hiểu đạo lý này rồi thì đây là bạn tiếp dẫn chúng sanh, do đó đệ tử Phật chúng ta nhất định phải chú trọng oai nghi. Nếu học Phật mà học thành luộm thuộm, người ta vừa nhìn thấy đều không hoan hỉ, vậy thì người ta không thể học Phật, bạn xem học Phật rồi đều giống như thế.

Người ta đều sợ rồi, đó là sai lầm. Có rất nhiều người tu khổ hạnh, Phật đều không tán thành, ở trong Kinh Phật nói không tu khổ hạnh vô ích, sự khổ hạnh đó không có lợi ích. Hết thảy đều là suy nghĩ vì làm lợi ích cho chúng sanh, đây là chính xác.

Câu hỏi thứ hai: Trong Cảm Ứng Thiên nói không được vô cớ cắt xén, nhưng trong mười năm nay đệ tử vẫn huấn luyện một thợ may nhỏ sống ở Trung Quốc đại lục chuyên môn may quần áo cho đệ tử và bạn bè của đệ tử.

Nếu không làm như vậy thì thu nhập của thợ may nhỏ này sẽ bị giảm xuống, có thể ảnh hưởng đến sinh kế của họ.

Phải nên làm sao cho tốt?

Phạm vi của cắt xén rất lớn, không nhất định là chuyên nói về quần áo, ngay cả cắt tỉa hoa cỏ cây cối đều là ở trong cắt xén, cho nên phạm vi này rất lớn. Không nên vô cớ, vô cớ là nói quá dư thừa, không phải thứ thật cần thiết, ví dụ như trong xã hội hiện nay, lúc giao tiếp ở trong xã hội thượng lưu đều phải mặc lễ phục, đó chính là điều tất yếu.

Đồng thời, ví dụ như lễ phục, hiện nay tôi cũng không rõ lắm, đại khái là những thứ theo trào lưu, dường như một, hai năm sau thì không phổ biến nữa, bạn cũng phải làm lại. Nếu chân thật hiểu được Phật Pháp, hiểu rõ đạo lý này, chính mình có loại năng lực này thì lễ phục của chúng ta đã làm và dùng được một lần rồi thì có thể tặng cho người khác.

Bởi vì rất nhiều người có nhu cầu, họ không nhất định phải lãng phí, đây đều là thuộc về bố thí. Khi mình cần dùng thì có thể tự mình may lại. Nếu năng lực kinh tế kém một chút, lễ phục này của ta có thể giữ lại, có thể sử dụng được rất lâu. Đây đều là từ trên hoàn cảnh của mình, năng lực kinh tế của mình mà xem xét.

Cho nên, Phật Pháp là viên dung, không phải là chấp trước ở ngôn từ. Phật dạy chúng ta không nên chấp trước lời nói, không nên chấp trước danh tự, không nên chấp trước tâm duyên, nhất định phải hiểu ý của Ngài. Hiện nay gọi là khéo học khéo dùng, ở trong Phật Pháp có thể được pháp hỉ sung mãn.

Hiện nay quần áo cũng vô cùng quan trọng, chúng ta xem thấy rất nhiều lãnh đạo của chúng ta ở nước ngoài đều mặc đồ tây, tôi xem thấy rất không thoải mái.

Vì sao vậy?

Đồ tây rất khó chịu, rất nhỏ, trói chặt cả thân, đâu có như trang phục truyền thống xưa của chúng ta rất thoải mái!

Cho nên tôi khuyến khích trang phục truyền thống, mọi người đều mặc trang phục truyền thống. Lần đầu khi tôi đến Paris dự hội nghị, tôi cũng mặc trang phục truyền thống, cái này phải nên đề xướng.

Chúng ta chú trọng nhất là sự thoải mái, lấy cái này làm đệ nhất, những thứ đẹp đẽ khác làm thứ yếu, thoải mái là ưu tiên số một. Mặc vào không thoải mái, bó buộc tù túng thì cái này chắc chắn có hại đối với cơ thể.

Câu hỏi thứ ba: Đệ tử có thù hận với mẹ và cha dượng không thể buông xuống, họ hại cả đời này của con, hại chết con cái của con. Xin Sư phụ giới thiệu cho con một pháp môn hoặc một bộ Kinh, giúp con có thể buông xuống thù hận.

Tụng Kinh Vô Lượng Thọ là được, tụng Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Thập Thiện Nghiệp, hoặc là Kinh Địa Tạng đều tốt, phải tụng trong thời gian dài. Hơn nữa phải nghe nhiều, mấy bộ Kinh này đều có kèm theo đĩa giảng.

Phải nghe nhiều, không được ghi nhớ oán hận, phải biết người ta đối đãi với chúng ta không tốt, hoặc là sỉ nhục, hoặc là làm tổn hại, chúng ta là người chân thật hiểu rõ khi gặp phải việc này, trong tâm tuyệt đối không có oán hận. Biết là họ do một niệm bất giác, đành cười trừ cho qua.

Vì sao vậy?

Hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật. Họ vốn dĩ là Phật.

Vì sao lại làm ra sự việc này?

Là do ý niệm bất giác. Nếu họ một niệm giác ngộ rồi thì sẽ không làm việc bất thiện, sẽ không có ý niệm bất thiện. Phàm là có ý niệm bất thiện, làm việc bất thiện đều là do một niệm bất giác, một niệm mê hoặc. Nhưng sự bất giác, mê hoặc đó, tạo nghiệp rồi sẽ có quả báo, cho nên sau khi bạn thấy rõ ràng rồi thì sẽ không tính toán với họ nữa.

Câu hỏi thứ tư: Xin hỏi ăn đồ ăn, trái cây đã cúng cho Phật Bồ Tát thì có thể giúp thân thể mãi mãi khoẻ mạnh, tướng mạo mãi mãi đoan chánh, mọi việc thường được phù hộ như ý không ạ?

Việc này mà dễ làm thì khi Phật độ chúng sanh đều để cho họ cúng một chút đồ ăn, mọi người ăn vào tất cả đều có được thành tựu, vậy thì hà tất phải dùng thời gian một trăm kiếp để tu tướng hảo?

Bạn liền hiểu được điều này chẳng liên quan gì đến sức khoẻ, đến tướng mạo đoan chánh, đến mọi sự như ý, hoàn toàn không liên quan. Phải hiểu được điều này. Nếu học Phật như vậy thì đã mê tín rồi.

Bạn muốn thân thể khoẻ mạnh, Phật nói rồi, phải tu bố thí vô uý, muốn tướng mạo đoan chánh thì niệm niệm của bạn là thiện tâm, vì sao vậy?

Tướng tùy tâm chuyển. Tâm thiện thì tướng mạo sẽ thiện, tâm tốt thì tướng mạo sẽ tốt, tướng tùy tâm chuyển, thể chất cũng tùy tâm chuyển, chính là cơ thể bạn mạnh khoẻ cũng theo ý niệm mà chuyển.

Chiều nay Tiến sĩ Chung nói với tôi một việc, ông nói có một người bạn, tuổi tác kém hơn ông ấy một chút, đang sống ở Sán Đầu, đã bị bệnh. Ông ấy nghe tôi giảng Kinh không ít năm, vô cùng tin tưởng Phật Bồ Tát.

Ông bị bệnh ung thư, là khối u ác tính, khối u này bao lớn?

Lớn cỡ như quả trứng gà vậy. Phát hiện rất lâu rồi, nhưng ông không đi khám bác sĩ, ông ở nhà niệm Phật. Ông đã nghĩ rằng, bệnh này cũng là oan gia trái chủ, đối với oan gia trái chủ thì không được khai đao, không được dùng dao kéo để giết họ nữa, hi vọng dùng Phật Pháp để hóa giải. Đến sau cùng khi rất nghiêm trọng, không có cách gì, ông bị bất tỉnh, người nhà đưa ông đến bệnh viện.

Bệnh viện cũng kiểm tra thấy nó lớn như vậy, bác sĩ đều rất kinh ngạc, lớn đến như vậy, con người không thể nào sống được, đáng lẽ ông đã chết từ lâu rồi, phải nhanh chóng phẫu thuật. Nhưng ông vẫn kiên trì, vẫn cố kéo dài, lại kéo dài thêm được mấy ngày.

Ông đã nói với oan gia trái chủ: Nếu oan gia trái chủ các bạn thật sự muốn mạng của tôi thì tôi chết là xong, nếu hai bên chúng ta có thể hóa giải thì bạn hãy nhanh chóng để cho tôi hồi phục lại.

Đại khái oan gia trái chủ đã đồng ý, cho nên sự đau khổ của ông ấy đã giảm nhẹ đi, ông vẫn kiên trì không muốn phẫu thuật nên đã về nhà. Về nhà dưỡng được một, hai tuần, dường như tình hình sức khoẻ thân thể càng ngày càng tốt, khi đi tái khám thì không còn nữa. Bác sĩ thấy rất kỳ lạ, họ nói họ không thể nào sai sót được, lại đem ảnh chụp trước đây ra xem lại, khối u đang lớn như vậy mà.

Lần này chụp không còn nữa. Đây là ví dụ rất hay, chính là dùng thiện niệm của chính mình để hóa giải oan gia trái chủ. Tôi đã nói với ông ấy, ông phải viết ra, viết sự việc này ra để cung cấp cho mọi người làm tham khảo, để mọi người sinh khởi tín tâm.

Khi xưa chúng tôi ở nơi này giới thiệu cho các vị Sơn Tây Tiểu Viện, có bốn mươi người, đại đa số đều là tình trạng này. Bác Sĩ đã buông xuôi điều trị, nói với họ thọ mạng nhiều lắm chỉ ba tháng. Họ cũng buông xuôi trị liệu, về nhà tụng Kinh Địa Tạng, niệm Phật.

Niệm suốt ba tháng thì không việc gì, càng niệm càng tốt, bốn, năm tháng sau đi kiểm tra thì không còn nữa, đều cảm thấy là kỳ tích. Đây không phải là kỳ tích, mà là tín tâm, tín tâm quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Nếu bạn tin tưởng bạn vốn dĩ là Phật thì một đời này của bạn rất có thể sẽ đi làm Phật, bạn không tin thì không có cách gì.

Pháp thế gian hay xuất thế gian đều do tâm hiện, Kinh Hoa Nghiêm nói tâm hiện thức biến, vạn pháp duy tâm, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến, cho nên cảnh chuyển theo tâm. Thân thể của chúng ta là cảnh giới, là chuyển theo tâm. Tâm của bạn khoẻ mạnh thì thân thể của bạn nhất định khoẻ mạnh. Thân thể của bạn có bệnh thì trong tâm nhất định đã xuất hiện vấn đề.

Vì sao vậy?

Trong tâm có tam độc tham sân si mạn, cái này sẽ gây ra bệnh.

Nếu đoạn tham sân si mạn trong tâm rồi, vọng tưởng phân biệt chấp trước giảm nhẹ rồi, thì đâu có đạo lý không khoẻ mạnh. Phải hiểu đạo lý này thì mới được. Đây là điều Phật dạy chúng ta, cho nên không được mê tín.

Thức ăn cúng dường cho Phật Bồ Tát phải đơn giản, sạch sẽ, trên sự thật thì Phật Bồ Tát không ăn chúng, lẽ nào các Ngài ăn đồ của chúng ta. Đây là biểu thị một chút tâm cung kính, cúng dường của chính chúng ta đối với các Ngài. Cúng dường là ý nghĩa này, không phải là các Ngài thật sự muốn ăn.

Câu hỏi thứ năm: Đệ tử ở Đạo tràng làm công quả, thấy người phụ trách Đạo tràng thường đem những đồ đã cúng Phật Bồ Tát chỉ phát cho những người làm công quả mà họ thích, khiến cho những người làm công quả khác, gồm cả bản thân con, đều cảm thấy rất khó chịu. Xin lão Pháp Sư khai thị.

Điều này tôi đã chuyển lời thay cho bạn, hi vọng tương lai họ phân phối bình đẳng cho mọi người, không có tâm phân biệt thì mới được.

Tiếp theo là bốn câu hỏi của các đồng tu ở nước Anh.

Câu hỏi thứ nhất: Đệ tử cảm thấy kết hôn sanh con sẽ làm chướng ngại việc tu hành, nhưng người nhà phản đối quyết liệt cách nghĩ không kết hôn.

Xin hỏi, nếu đệ tử kiên trì độc thân tu hành cho tốt thì liệu có trái với lệnh của cha mẹ, thuộc về hành vi bất hiếu không?

Sự việc này rất khó nói, từ xưa đến nay thanh quan khó đoạn việc nhà, điều này phải xem hoàn cảnh gia đình bạn. Nếu nhiều anh em thì không vấn đề gì, nếu bạn là con một thì việc này rất khó nói.

Con một thì phải làm thế nào?

Tốt nhất là sau khi kết hôn sinh con rồi, bạn hãy xuất gia tu hành, đây là cách hay. Nói chung, đã có thế hệ sau ở trong nhà rồi thì việc này dễ ăn nói hơn. Nếu không, thì người thế gian nhìn thấy rất nặng nề.

Nếu bạn có anh em, anh em của bạn có con cái, vậy thì có thể nói được thông, bạn chuyên tâm tu đạo, dần dần người nhà đều có thể hiểu rõ, đều sẽ thay đổi quan niệm, sẽ ủng hộ, tán thành bạn. Khi họ không hiểu rõ thì nhất định phải nhẫn nại, phải có trí huệ, dùng phương tiện thiện xảo để dẫn dụ.

Biết được điều quan trọng nhất là hiểu rõ chân thật tướng của con người ở trong thế gian. Con người ở thế gian trở thành người một nhà, như Phật đã nói, đều là duyên phận trong đời trước, báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu rõ ràng rồi thì tâm của bạn liền bình lặng, sẽ không có chấp trước, đều là loại quan hệ này.

Dân tộc chúng ta xem trọng thế hệ sau, đặc biệt là nhà Nho nói bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất, đã xem sự việc này rất nặng nề. Nhưng tôi có cách giải thích mới cho câu nói này, giải thích của tôi không giống với người xưa, tôi nói vô hậu vi đại không phải là nói con cháu của bạn thật nhiều, đây là việc lớn quan trọng nhất, không phải vậy.

Trong số con cháu của bạn có truyền nhân không?

Gia đình, bạn xem có gia đạo, có gia nghiệp, có người kế thừa hay không?

Có con cháu nhiều đi nữa mà không có người có thể kế thừa thì không thể gọi là vô hậu vi đại, quan trọng nhất chính là người kế thừa. Kế thừa đạo của ta, kế thừa gia nghiệp, không nhất định là con cái của chính mình, người thân bạn bè của bạn đều có thể.

Ví dụ như hiện nay bạn mở công ty kinh doanh, người kế thừa công ty không nhất định là con cháu của mình, bồi dưỡng một nhân viên ưu tú để họ có thể kế thừa, trong bạn bè cũng có thể kế thừa, không nhất định phải là con cái. Công ty đời đời truyền xuống, việc này tốt, vậy mới gọi là sự nghiệp.

Chính mình cả đời làm được huy hoàng đi nữa, sau khi chết rồi con cháu không thể kế thừa, sau khi chết rồi công ty lập tức bị con cháu bán đi, tài sản đều chia ra hết. Chia ra rồi còn kiện tụng, anh chị em đều biến thành thù địch, vậy thì không được, thật sự là rất không tốt. Cho nên phải hiểu rõ đạo lý này, lời người xưa nói ý nghĩa rất sâu xa, xem chúng ta giải thích như thế nào.

Câu hỏi thứ hai: Làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng?

Tiêu trừ nghiệp chướng quan trọng nhất là sám hối, biết chính mình làm sai rồi, sám hối quan trọng nhất chính là sau không tạo lại nữa. Sám hối rồi, mai lại tạo tội nữa, vậy thì không được, như vậy vĩnh viễn không tiêu được. Người hỏi vấn đề này rất cũng rất nhiều, sau không tạo lại nữa.

Giống như học trò của Khổng Tử là Nhan Hồi, Khổng Tử chỉ tán thán vị học trò này, vị học trò này tốt ở chỗ nào?

Không phạm lỗi hai lần, lỗi lầm chỉ có một lần, ông sẽ không tái phạm lại lỗi cũ. Đó chính là chân thật cầu sám hối, biết được lỗi lầm thì ông sẽ không tạo lại nữa.

Ngoài ra, tu định có thể tiêu nghiệp chướng, định có thể tiêu nghiệp, định là tâm thanh tịnh. Nếu là tiểu định thì chế phục được nghiệp chướng không khởi tác dụng.

Đại định thì mới có thể tiêu, đại định là định đến mức nào?

Là định ở tầng thứ chín mà A La Hán chứng đắc. Các Ngài đã tiêu trừ được nghiệp chướng trong lục đạo rồi, cho nên các Ngài không đến lục đạo nữa, nhân trong lục đạo không còn nữa.

Thiền định thế gian, tứ thiền bát định, bạn có thể sinh đến Cõi Trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cái định đó chỉ là chế phục, chưa thật sự tiêu trừ nghiệp chướng. Đến khi định công mất rồi thì không phục nổi nữa, nghiệp chướng lại hiện tiền, chính là phiền não tập khí lại hiện tiền.

Cho nên, tu định tiêu nghiệp chướng có phục đoạn, có chân thật đoạn diệt. Sau khi trí huệ khai rồi thì đó là chân thật tiêu trừ. Cho nên trí huệ là từ trong thiền định mà khai trí huệ, thiền định đến công phu nhất định thì trí huệ hiện tiền.

Trí huệ hiện tiền thì nghiệp chướng thảy đều chuyển biến thành Bồ Đề, phiền não tức Bồ Đề, đó là thật. Cho nên học Phật, mục tiêu sau cùng là phải khai trí huệ, không thể không khai trí huệ, không khai trí huệ thì không thể giải quyết được vấn đề.

Câu hỏi thứ ba: Chưa làm được Ngũ giới thập thiện hoàn toàn, có phải là không thể vãng sanh không?

Có phải vừa mới đầu phát tâm niệm Phật thì phải làm được Ngũ giới thập thiện không?

Ngũ giới thập thiện là căn bản của làm người, làm người còn chưa tốt, bạn nghĩ xem làm sao có thể đến Tây Phương Cực Lạc làm Phật?

Sinh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc là đi làm Phật, nhất định phải biết điều này. Nhưng cũng không thể nói ta vẫn chưa tu tốt Ngũ giới thập thiện thì không thể vãng sanh được.

Vì sao vậy?

Chúng ta thấy có người lâm chung niệm Phật, cả đời chưa từng tiếp xúc Phật Pháp, không nghe đến Phật Pháp, lúc lâm chung mới nghe thấy người ta dạy họ niệm Phật, họ niệm mấy tiếng Phật hiệu thì thật sự đã vãng sanh rồi.

Đó là nguyên nhân gì?

Trong chừng một khắc lúc lâm chung đó, bản thân họ đã buông xuống hết tất cả những ác nghiệp họ đã tạo, gọi là buông xuống đao đồ tể, lập tức thành Phật. Họ chỉ nương vào một câu Phật hiệu này, đó gọi là chân thật sám hối, đây là sám hối vãng sanh, thảy đều sám hối ác nghiệp cả đời đã làm, biết sai rồi, quay đầu là bờ.

Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, trong Vãng Sanh Truyện có rất nhiều, chính tôi từng chính mắt nhìn thấy. Tiên sanh Chu Quảng Đại, sống ở thủ đô Washington DC nước Mỹ, mở một tiệm làm bánh mì. Ông là người tốt, cả đời chưa tiếp xúc Phật Pháp, ông không tin Tôn giáo.

Đến lúc mạng chung, cũng là bị ung thư, cũng rất khổ sở, người nhà không có cách gì, mới tìm đến Phật Giáo. Ở nơi đó chúng tôi có một Hội Phật Giáo, họ đã tìm đến Đạo tràng của chúng tôi. Đồng tu trong Đạo tràng chúng tôi đã đi thăm ông ấy, đã khuyên ông niệm Phật, nói với ông có Thế Giới Cực Lạc tốt hơn nhiều so với Thế Giới của chúng ta ở đây, chúng ta đều phải nên cầu sanh Cực Lạc Thế Giới.

Ông nghe thấy rồi thì liền tin tưởng, điều này khó có được, liền niệm Phật. Kết quả khi niệm Phật, sự đau đớn của đã ông giảm bớt, ông đã rất hoan hỉ, nói với người nhà, không cần tìm bác sĩ cho ông nữa, không cần tìm gì nữa, các vị thảy đều hãy giúp tôi niệm Phật. Ba ngày thì ông vãng sanh, ông còn chưa quy y, đây chính là thiện căn trong đời quá khứ. Trong đời này chưa tiếp xúc Phật Pháp, lâm chung vừa tiếp xúc thì ông đã tin tưởng.

Có một số người tiếp xúc nhưng không tin tưởng nên không có cách gì. Hơn nữa ông đã thật làm, thật nghe lời, cho nên thoại tướng vô cùng đẹp, khi đi thân thể mềm mại, không có mảy may sợ hãi. Đây là trường hợp mà chúng tôi đích thân nhìn thấy.

Câu hỏi thứ tư: Vì sao hiện nay rất nhiều người Ấn Độ không tin Phật Pháp mà tin vào Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo?

Đây là duyên phận. Bạn phải biết rằng bạn hiện nay tin Phật, trong đời quá khứ bạn có thể cũng đã tin Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo rồi, đây là thật. Mỗi người chúng ta ở trong lục đạo không biết luân hồi bao nhiêu lần, cũng đã từng làm người trong các chủng tộc, chúng ta cũng đã từng tin các Tôn giáo. Cho nên đây là duyên không đồng, nói chung là gặp duyên không như nhau.

Tiếp theo, các đồng tu Malaysia có tám câu hỏi.

Câu hỏi thứ nhất: Chúng con phát tâm y theo tư tưởng của lão Pháp Sư xây dựng thôn Di Đà ở Penang, ở niệm Phật đường niệm Phật tinh tấn.

Xin hỏi, niệm Phật đường này phải nên đặt tên thế nào?

Việc đặt tên, thông thường lấy địa danh là được, có thể đại biểu cho khu vực này của các bạn, là dùng Thôn Di Đà Penang, niệm Phật đường Penang là được.

Câu hỏi thứ hai: Nên có bao nhiêu vị công đức chủ thì phù hợp nhất?

Công đức chủ phải nên là người bỏ tiền ra xây Đạo tràng, cái này tùy duyên. Nếu bạn gặp được đại công đức chủ thì một mình họ xây dựng cho bạn là được rồi. Nếu không gặp được người như vậy thì phải lập quỹ, đó là tập hợp sức mạnh của mọi người, điều này phải xem duyên, không được miễn cưỡng.

Câu hỏi thứ ba: Thành viên hội đồng phải nên có những điều kiện gì?

Thành viên hội đồng chính là quản lý Đạo tràng, có người nói nhất định phải là Phật Tử, nhất định đã từng thọ Tam quy Ngũ giới, Bồ Tát giới. Tôi không nghĩ như vậy, tôi ở Đài Loan, khoảng ba mươi năm trước, tôi xây dựng một Quỹ Giáo Dục Phật Đà, đăng ký với nhà nước. Chủ tịch ở đó là do tôi tìm, khóa đầu tiên là tôi tìm.

Tôi tìm những người nào?

Tôi tìm người tin tưởng nhân quả báo ứng, bất kể họ có tin Phật Giáo hay không, nhưng họ phải tin nhân quả báo ứng.

Vì sao vậy?

Họ ở trong đó sẽ không làm chuyện tự tư tự lợi, họ sợ báo ứng. Người thọ Tam quy Ngũ giới, thọ Bồ Tát giới rồi mà còn làm việc cá nhân danh văn lợi dưỡng, tôi đã thấy rất nhiều. Cho nên phương pháp tuyển chọn của tôi là người chân thật tin tưởng nhân quả báo ứng.

Trong thời đại hiện nay, người chân thật tin tưởng nhân quả báo ứng cũng không nhiều. Cho nên đây là một phương hướng đáng để chúng ta suy nghĩ, chính là người chân thật nhiệt tâm hộ trì Phật Pháp, không vì danh lợi của mình mà suy nghĩ, như vậy Đạo tràng này sẽ như pháp.

Câu hỏi thứ tư: Soạn quy tắc cộng tu như thế nào?

Quy tắc cộng tu, đã là niệm Phật đường Tịnh Độ Tông, khi chúng tôi thành lập Tịnh Tông Học Hội có một bản duyên khởi. Trong bản duyên khởi đó có nói phương pháp tu hành, có thể làm tham khảo, tài liệu này rất nhiều Tịnh Tông Học Hội đều có. Trong Kinh sách chúng tôi ấn tống, có một số cũng có kèm theo, có thể tìm để làm tham khảo.

Ngoài ra, mỗi khu vực không như nhau, còn có quy định pháp luật không giống nhau, phải nên tôn trọng chế độ quốc gia, tôn trọng phong tục tập quán của địa phương, như vậy mới có thể chung sống hòa mục với mọi người.

Câu hỏi thứ năm: Thời gian niệm Phật, nghe giảng Kinh phải nên phân chia như thế nào?

Nhất định lấy niệm Phật làm chính. Theo kinh nghiệm nhiều năm của chúng tôi, mỗi ngày nghe giảng Kinh không thể ít hơn hai tiếng đồng hồ. Hiện nay dùng phương pháp nghe giảng Kinh để xây dựng hiểu biết chung, kiến hòa đồng giải, không nghe giảng Kinh thì sẽ tùy thuận phiền não tập khí của chính mình, giữa người với người sẽ rất khó chung sống.

Cho nên nghe giảng Kinh chính là giúp cho chúng ta hóa giải mâu thuẫn xung đột giữa đôi bên chúng ta. Đây là dùng phương pháp nghe giảng Kinh, đều nghe giáo huấn của Phật, vậy tương đối tốt rồi.

Câu hỏi thứ sáu: Nghe bộ Kinh nào mới tốt?

Việc này phải xem duyên phận, đừng miễn cưỡng. Đã là Tịnh Độ Tông, đương nhiên là lấy Kinh Điển Tịnh Độ làm chính. Ngoài ra thì là những Kinh Điển liên quan đến Tịnh Độ, có sự giúp đỡ đối với chúng ta.

Nếu chân thật nói đến tinh tấn niệm Phật, tinh tấn niệm Phật chính là nhất môn thâm nhập, thông thường chúng tôi nói, nghe giảng Kinh Di Đà, nghe giảng Kinh Vô Lượng Thọ, đây là thích hợp nhất. Phải nghe giảng giải, nghe từng biến từng biến, nghe đi nghe lại, có chỗ tốt, có thể có chỗ ngộ.

Câu hỏi thứ bảy: Nếu niệm Phật biết trước ngày giờ vãng sanh, có thể ghi chép, quay phim để làm chứng chuyển được không?

Có thể lưu thông không?

Khi nào thì lưu thông?

Điều này cũng không nhất định. Thật sự biết trước ngày giờ thì có thể ghi chép, nếu có thiết bị quay phim thì có thể làm. Còn việc lưu thông, phải xem nhân duyên, bạn đang ở Malaysia. Pháp luật quốc gia của Malaysia, đây là đất nước Hồi Giáo, chúng ta biết Hồi Giáo Malaysia rất nghiêm khắc, đối với hoạt động tôn khác khác đều hạn chế rất nghiêm.

Phật Tử chỉ có thể hạn chế ở trong chùa chiền Phật Giáo, ở nơi khác đều không thể được, điều này nhất định phải tuân thủ, bạn lưu thông có hạn chế. Đến việc khi nào lưu thông, thì phải xem thời tiết nhân duyên, điều này không thể định cho nó được, vẫn là biết linh hoạt thì tốt hơn.

Câu hỏi thứ tám: Trụ trì, hộ pháp cần có điều kiện nào?

Trụ trì nhất định phải hiểu những quy củ của Đạo tràng, điều này nhất định phải đi học tập. Tịnh Tông Học Hội Malaysia rất nhiều, niệm Phật đường cũng rất nhiều, có thể đi xem thử, học tập nhiều, ở Kuala Lumpur có một số.

Nếu đến Trung Quốc, Chùa Bách Quốc Hưng Long ở Trường Xuân là một Đạo tràng niệm Phật, cũng có thể nói là Đạo tràng tinh tấn niệm Phật. Nếu có thể đến nơi đó xem, tham gia Phật Thất của họ, Phật Thất của họ thông thường là mười Phật Thất liên tục với nhau, chính là bảy mươi ngày, rất có thọ dụng. Đến nơi đó học rồi, đem phương pháp đó về Malaysia, vậy sẽ vô cùng thù thắng.

Tiếp theo là hai câu hỏi của các đồng tu ở nước Mỹ.

Câu hỏi đầu tiên: Trước khi đệ tử bị ung thư đã từng phát nguyện ăn chay trường, hiện tại vì người nhà phản đối nên chỉ ăn mười ngày trai.

Xin hỏi có được không ạ?

Tốt nhất vẫn là kiên trì, vì sao vậy?

Khi thân thể không tốt, có đau bệnh thì ăn chay là khoẻ mạnh nhất. Thức ăn thịt có rất nhiều virus gây bệnh, rất đáng sợ. Tôi đã xem những báo cáo, ở nước Mỹ tôi không biết rõ lắm, chúng tôi xem thấy là báo cáo ở Đài Loan. Ở Đài Loan hiện nay nuôi gà được sáu tuần thì gà đã phát triển rất lớn, thì bán sạch rồi. Trước đây nuôi gà ít nhất cũng phải nuôi nửa năm, khoảng mười tháng, nuôi heo thì từ nửa năm trở lên.

Hiện nay, gà là sáu tuần, heo là hai tháng, bạn nói thịt đó làm sao có thể ăn?

Thảy đều là thức ăn chăn nuôi, là hormon, chất hóa học, để cho chúng lớn thật nhanh. Không thể ăn, ăn rồi đều bị bệnh, thật rất đáng sợ. Hiện nay bán những thứ này, thật đúng như người xưa đã nói là mưu tài hại mạng vì muốn có tiền mà hại mạng người, một chút tâm đạo đức cũng không có.

Hiện nay bị bệnh không được vào viện, không được uống thuốc, vì sao vậy?

Đồ giả quá nhiều rồi, thuốc chẳng phải thật, là giả, uống rồi không có chỗ tốt, sẽ khởi tác dụng phụ, bạn nói xem đáng sợ biết bao!

Hiện nay chúng ta gặp phải sự việc này, chỉ có niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, những ý niệm khác đều không có. Nếu thọ mạng vẫn chưa hết thì niệm Phật tự nhiên sẽ tốt, sẽ khôi phục lại khoẻ mạnh. Nếu thọ mạng hết rồi thì đi đến Thế Giới Cực Lạc, không có mảy may tham luyến, thế giới này quá đáng sợ rồi.

Câu hỏi thứ hai: Trên đường lái xe gặp động vật nhỏ chết rồi, phải nên làm thế nào mới tốt?

Việc này phải xem tình hình, nếu điều kiện giao thông tốt, trước sau đều không có xe, cả đoạn đường rất dài không có xe, bạn có thể dừng xe ở bên cạnh, chôn con vật ở gần đó, niệm Phật hồi hướng cho nó, vậy thì rất tốt. Nếu điều kiện giao thông không cho phép, trước sau đều có xe, vậy bạn chỉ ở trên xe niệm Phật hồi hướng cho nó, bạn không thể xử lý nó được. Cho nên việc này phải xem tình hình.

Tiếp theo là các câu hỏi của các đồng tu Trung Quốc.

Câu đầu tiên, Chùa Cực Lạc nhận được Đại Tạng Kinh do hiệp hội tặng, đã xuất hiện kỳ tích. Đại Tạng Kinh nhiều lần phát ra ánh sáng êm dịu đẹp đẽ màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Tượng Tây Phương Tam Thánh khắc gỗ ở niệm Phật đường đột nhiên ở trước Đại Tạng Kinh phát ra dung mạo tím vàng.

Có hai câu hỏi, xin hỏi đây là Đại Tạng Kinh khải thị điều gì cho đệ tử Phật?

Đúng thật là có khải thị, khải thị cho mỗi người mỗi khác, thiện căn phước đức nhân duyên của mỗi người không giống nhau. Nói chung đây là thoại tướng rất tốt.

Đệ tử đã đem cảnh tượng kỳ tích này chụp lại làm thành CD và ảnh, liệu có thể sao chép ra nhiều để cho Phật Tử có duyên xem không?

Có thể. Tôi còn chưa xem thấy, hi vọng bạn gửi cho tôi xem thử.

Câu hỏi thứ hai: Đối với Tổ Tiên hoặc thần chủ đất, táo thần, cho đến hết thảy thần linh trong đền chùa, đều lấy lễ đầu sát đất như lễ Phật để lễ bái, xin hỏi như vậy có như pháp không?

Không như pháp, bởi vì họ không dám gánh, không phải là bạn không thể làm, mà là họ không dám nhận lấy. Chúng ta đối với việc hành lễ, cung kính là hoàn toàn bình đẳng, nhưng ở trên hình tượng thì có sai khác. Hiện nay hành lễ tôn kính nhất là hành lễ cúi sâu ba lần, hành lễ phổ biến thông thường là cúi sâu một cái, điều này có thứ bậc.

Lễ tiết, tiết là có tiết độ, không được quá đáng, cũng không được bất cập. Chúng ta lễ đầu sát đất là đối với Phật, đối với Bồ Tát, đối với Lão Sư. Thông thường người bằng vai phải lứa cũng có thể, nhưng người bằng vai phải lứa thì đa phần đều là xá chào.

Chúng ta đối quỷ thần là cung kính như nhau, chúng ta lễ bái một lễ là đủ rồi, thông thường là xá ba xá, giống như thông thường chúng ta đều là xá ba xá. Đối với Phật là đảnh lễ ba lễ, đối với những quỷ thần thì đều là xá ba xá, tâm cung kính là như nhau, khác biệt ở chỗ này.

Câu hỏi thứ ba: Trước đây đệ tử làm Phật Sự một thời gian dài, hiện nay không đi nữa, thân thể bắt đầu có bệnh, thường xuyên mất ngủ cả đêm, hơn nữa mắt vừa mở ra thì nhìn thấy những thứ trong hư không pháp giới.

Hiện nay tụng Kinh, dập đầu cũng không khởi được tác dụng, xin hỏi làm thế nào mới tốt?

Nhìn thấy những thứ trong hư không pháp giới, chắc là nhìn thấy một loại linh quỷ, bạn tụng Kinh, dập đầu cũng không khởi tác dụng. Tụng Kinh, dập đầu là hình thức, chân thật khởi tác dụng là phát nguyện sám hối.

Bạn làm Phật sự một thời gian dài, nếu không phải là tâm chân thành vì vong linh mà cầu phước hồi hướng thì bạn chỉ là đến lấy cúng dường của trai chủ, có khác gì mua bán đâu, những quỷ thần này sẽ không tha thứ cho bạn. Đây chính là trong cửa Phật thường nói, trước cửa địa ngục Tăng đạo nhiều, đạo lý là ở chỗ này, điều này chúng ta không thể không biết.

Siêu độ cho người chết thì nhất định không đem chuyện kinh doanh ra để làm, một Phật sự hết bao nhiêu tiền, đâu có loại đạo lý này!

Đây là tâm từ bi, bạn gặp được rồi thì phải nên y theo như vậy mà làm, tiễn họ vãng sanh. Nếu tội nghiệp của họ nặng, bị đọa ở trong ác đạo thì giảm nhẹ đau khổ của họ, nhất định phải dùng tâm chân thành từ bi mà làm. Cho đến sau khi làm xong việc, sự cúng dường của trai chủ cũng nhất định không được tính toán, nếu tính toán, đó chính là kinh doanh buôn bán.

Kinh doanh buôn bán là buôn bán Như Lai, bạn đem Phật Pháp để làm thương nghiệp, dùng hình thức mua bán để làm, tội nghiệp này rất nặng, cho nên bạn tụng Kinh lễ bái đều không có hiệu quả. Phải sám hối, chỉ có sám hối phát nguyện sau này không tái phạm nữa, thành tâm thành ý niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, như vậy mới tốt.

Câu hỏi thứ tư: Có một lần đệ tử đang trợ niệm cho người vãng sanh thì một cư sĩ khác mời một Đại Đức Mật Tông đến thả cát kim cang trên đầu người vãng sanh.

Do đó đệ tử chỉ có cách rời khỏi, xin hỏi có như pháp không?

Xin hỏi Cát Kim Cang chân thật có thể siêu độ lục đạo không?

Cát kim cang giống như nước đại bi vậy, người chân thật có đạo hạnh, người có tu hành thì được họ gia trì, cái đó mới có tác dụng. Nếu không phải thật là công lực gia trì của họ ở trong đó thì hiệu quả không lớn. Nếu người niệm mà hữu khẩu vô tâm thì cũng không có chút tác dụng, phải biết điều này.

Lời của tổ tiên xưa giáo huấn chúng ta vẫn là chính xác, hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ làm mà không thành thì hãy xét lại chính mình, đừng nương vào sức mạnh bên ngoài, sức mạnh bên ngoài phần nhiều đều không thể nương vào, nương vào sức mạnh của chính mình là đáng tin nhất, chính mình có tín tâm kiên định. Giống như người bị ung thư ở Sán Đầu vậy, là vô cùng nghiêm trọng, tín tâm của ông có thể làm tiêu ung thư, thật là không dễ.

Hiện nay ông vẫn còn hai bức hình lưu lại làm kỷ niệm, thường hay cho mọi người xem, một bức là tấm phim chụp ở bệnh viện, một bức là chính ông dùng ý niệm để hóa giải, chụp xong tấm thứ hai thì bệnh không còn nữa. Cho nên phải tin tưởng vào chính mình, tin tưởng vào người khác thì sai rồi.

Nếu ông tin vào bác sĩ giải phẫu thì tính mạng của ông không giữ nổi, là ông dùng ý niệm của mình để chuyển trở lại. Dùng sám hối, sám hối phát nguyện có thể chuyển trở lại.

Câu hỏi thứ năm: Con nghe nói niệm Văn Thù Bồ Tát tâm chú năm trăm nghìn biến thì có thể khai mở trí huệ, sự sự như ý, như Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát không khác.

Xin hỏi thường niệm A Di Đà Phật có thể cầu được trí huệ như vậy không?

Vấn đề này, bạn có thể niệm thử xem sao. Bài chú này rất đơn giản, bạn niệm năm trăm ngàn biến có lẽ cũng không cần thời gian rất dài.

Bạn thử xem sao, sau khi niệm rồi thấy trí huệ có khai hay không?

Có người sẽ khai trí huệ, nhưng có lẽ bạn sẽ không khai trí huệ, là nguyên nhân gì?

Thành tắc linh có lòng thành thì ắt sẽ có linh ứng, bạn không có chữ thành đó.

Vì sao tôi nói bạn không có?

Hiện nay bạn hỏi tôi thì bạn không thành, bạn có hoài nghi. Nếu bạn thành tâm thì bạn sẽ không hỏi tôi, cho nên tôi biết tâm của bạn không thành, cũng đoán được bạn sẽ không khai trí huệ. Bạn không tin tưởng thì bạn cứ thử xem sao, bạn niệm năm trăm ngàn biến, đảm bảo không khai trí huệ. Phàm việc gì cũng có lý của nó, bạn phải rõ lý thì mới đúng.

Phật nói với chúng ta, làm thế nào để khai trí huệ, Phật trong Kinh Hoa Nghiêm thường nói: Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, ai nấy đều có.

Hiện nay trí huệ chạy đi đâu rồi?

Trí huệ bị phiền não, chính là bị vọng tưởng phân biệt chấp trước làm chướng ngại rồi.

Phật dạy chúng ta làm thế nào để khai trí huệ?

Bạn buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước thì chướng ngại không còn nữa, đã khai trí huệ rồi. Nếu bạn có thể buông xuống chấp trước, chấp trước là cái đầu tiên, là nghiêm trọng nhất, bạn đã khai được một phần ba trí huệ rồi, trí huệ của bạn bằng với A La Hán. Lại buông xuống phân biệt, bạn liền giống như trí huệ của Văn Thù Bồ Tát.

Nếu bạn lại buông xuống khởi tâm động niệm thì bạn đắc được trí huệ như Phật, bình đẳng với hết thảy trí huệ của Chư Phật. Cách này có đạo lý, trí huệ bình đẳng, năng lực cũng bình đẳng, ngày nay chúng ta nói là tài năng, vô lượng vô biên tài năng bình đẳng, phước báo cũng bình đẳng, tướng hảo là phước báo, phước báo cũng bình đẳng.

Hiện nay biến thành không bình đẳng, chính là chướng ngại của mỗi người có nặng nhẹ không như nhau, có dày mỏng không như nhau, khi chướng ngại mất hết thì hoàn toàn tương đồng.

Cho nên giáo lý đại thừa thường nói là Phật Phật đạo đồng, hoàn toàn tương đồng, đó chính là do toàn bộ chướng ngại của các Ngài không còn nữa, đều là tánh đức từ trong tự tánh lưu lộ, đó là viên mãn, là hoàn toàn tương đồng.

Câu hỏi thứ sáu: Truyền hình vệ tinh Hoa Tạng Đài Loan phát đồng thời cả tụng Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Địa Tạng, nhưng Đạo tràng chúng con là lấy một bản Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, mọi người đều rất lo lắng đây có phải là xen tạp không?

Ở Đạo tràng của các bạn đồng thời tu Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Di Đà là như nhau, công đức như nhau, có thể đồng hồi hướng cùng thời gian với họ, đồng thời với họ, điều này rất tốt, không nhất định đổi thành Kinh Địa Tạng.

Phát đồng thời tụng Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Địa Tạng là Đạo tràng thông thường không tụng Kinh. Nếu Đạo tràng có khóa tụng bình thường thì dùng khóa tụng của chính mình hồi hướng là được rồi, không nhất định phải thay đổi.

***