Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

HY HỮU NAN PHÙNG CHI NHẤT NHẬT MỘT NGÀY HIẾM CÓ KHÓ GẶP

HY HỮU NAN PHÙNG CHI NHẤT NHẬT

MỘT NGÀY HIẾM CÓ KHÓ GẶP

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Công đức không gì có thể sánh bằng, hơn đắc cử nhiều lắm, đây là chuyện chúng ta phải nên làm. Do vậy, đối với diệu hiển khổ lạc, nay chúng ta mới thật sự thấu hiểu dụng tâm giảng Kinh của Đức Thế Tôn từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Dụng tâm chân thật nhằm khích phát, cổ vũ chúng sanh đang mê muội, chìm đắm.

Chúng ta đã giác ngộ, hãy giúp người khác giác ngộ. Chúng ta biết phương pháp này, phải giúp đỡ những vị đại đức có địa vị, có cơ duyên. Thử đại hỏa tụ, bỉ thanh lương trì. Cõi này là đống lửa lớn, cõi kia là ao thanh lương, thử là Thế Giới của chúng ta.

Thế Giới này quá nhiều khổ nạn, đại hỏa tụ là giống như địa ngục. Bỉ là Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, nơi đó là ao thanh lương.

Chúng ta học tập Kinh Phật, cũng thường nói đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Thế Giới ấy có khác gì Thế Giới của chúng ta hay chăng?

Chẳng sai khác mảy may.

Vì lẽ gì nơi này là đống lửa lớn, nơi kia là ao thanh lương?

Cư dân có tâm tư khác nhau.

Quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật Giới thiệu Thế Giới Cực Lạc, như trong Kinh Di Đà đã nói: Thế Giới ấy là chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ, người trong Thế Giới ấy như thế nào?

Thượng thiện. Thiện có tiêu chuẩn, tức là thập thiện nghiệp, chẳng sát sanh, không ăn trộm, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng nói đôi chiều, chẳng ác khẩu, chẳng nói thêu dệt, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, người thực hiện viên mãn mười điều này chính là thượng thiện. Ai nấy đều như vậy, nên Thế Giới đó tốt đẹp.

Trong Kinh Điển, Đức Phật thường dạy: Tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển. Con người ở bên ấy mang tấm lòng thượng thiện, nên chẳng có gì bất hảo, tướng mạo con người đẹp đẽ, hoàn cảnh sống tốt đẹp, tai nạn gì cũng đều không có.

Nhìn lại Thế Giới của chúng ta thì sao?

Cũng là thượng, chẳng khác gì Thế Giới Cực Lạc, nhưng chẳng phải là thiện, mà là ác, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, cho đến tham, sân, si, cũng là làm rất viên mãn, cho nên có phiền phức đưa tới liền. Vì thế, xã hội động loạn, thiên tai, nhân họa liên tiếp xảy ra.

Bới tung cả Thế Giới, phú quý hay bần tiện đều chẳng có cảm giác an toàn, đều chẳng cảm thấy hạnh phúc, quý vị nói thử xem Thế Giới chúng ta đang sống đây có đáng thương quá hay chăng?

Chúng ta có cảm giác an toàn đôi chút, không bị sợ hãi, có cảm giác hạnh phúc, là vì sao?

Chúng ta chỉ biết chắc chúng ta sống sót ngày hôm nay, chẳng nghĩ đến ngày mai, cho nên hôm nay phải rất hạnh phúc. Chuyện đáng nên làm bèn thực hiện tốt đẹp, toàn bộ những chuyện chẳng nên làm đều buông xuống, chẳng lo nghĩ. Nếu nghĩ đến ngày mai, sang năm, năm sau, sẽ rắc rối to, quyết định không có ý niệm này, niệm niệm tưởng sanh về Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm nghĩ tới A Di Đà Phật.

Nói chung, ta có một ngày để nghĩ đến Ngài, chẳng nghĩ chi khác. Nghĩ nhớ A Di Đà Phật là thượng thiện, A Di Đà Phật là bậc thượng thiện, Thập Thiện Nghiệp đều viên mãn. Bảo liên tại tiền, đao sơn tại hậu sen báu trước mặt, núi đao sau lưng, chuyện này là do chúng ta chọn lựa. Chọn lựa Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thì ao sen bảy báu ở trước mặt.

Nếu không đến được Thế Giới Cực Lạc, vẫn muốn ở lại Thế Giới này, thì Đao Sơn sẽ ở sau lưng, đó là gì?

Địa ngục. Đao sơn địa ngục đấy.

Quý vị tiến lên trước, hay lùi về sau?

Quý vị hãy liễu giải chân tướng sự thật này. Ư thị, tự nhiên sanh khởi thắng nguyện, yếm ly Ta Bà, cầu sanh Cực Lạc. Do vậy, tự nhiên sanh khởi ý nguyện thù thắng, chán lìa Ta Bà, cầu sanh Cực Lạc.

Quý vị phải thật sự biết, vì sao?

Thì mới có thể buông xuống, chẳng còn tham luyến thế gian này, chẳng còn tạo nghiệp luân hồi. Không chỉ chẳng tạo nghiệp luân hồi, mà cái tâm luân hồi cũng phải đoạn.

Đoạn cái tâm luân hồi như thế nào?

Đặt cái tâm của A Di Đà Phật ở chính giữa tâm mình, hết thảy các tạp niệm khác đều vứt bỏ, tâm luân hồi sẽ chẳng còn. Tâm quý vị sẽ là tâm A Di Đà Phật.

Vì thế, đối với khóa tụng sáng tối của các đồng học Tịnh Tông chúng ta, trong khóa sáng, chúng ta chưa thể niệm toàn bộ Kinh Vô Lượng Thọ, tôi khuyên mọi người trong khóa sáng hãy niệm phẩm thứ sáu, tức phần bốn mươi tám nguyện. Phải đem bổn nguyện của A Di Đà Phật biến thành bổn nguyện của chính mình.

Ta và A Di Đà Phật đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, đồng hạnh, há còn chẳng thể Vãng Sanh ư?

Chắc chắn vãng sanh.

Khóa tối, chúng ta chọn từ phẩm ba mươi hai tới phẩm ba mươi bảy nhằm sám trừ nghiệp chướng, đoạn Kinh Văn này giảng gì?

Giảng ngũ giới, thập thiện. Dùng tiêu chuẩn này để tu chỉnh khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, hành vi tạo tác của chúng ta. Phải thật sự hành thập thiện, phải thật sự đoạn bất thiện.

Đọc hằng ngày, học hằng ngày, giảng hằng ngày, quý vị nói có phải là sung sướng, hạnh phúc lắm hay không?

Chẳng phải là giảng cho người khác nghe, mà là giảng cho chính mình nghe. Người khác là bàng thính nghe ké, chính mình thật sự học.

Mỗi ngày nâng cao cảnh giới và đức hạnh của chính mình, tăng trưởng trí huệ của chính mình, trong thế gian này còn có chuyện gì tốt đẹp hơn chuyện này?

Thật sự thông đạt đạo lý, thật sự hiểu rõ, tự nhiên quý vị có thể buông xuống, buông Ta Bà khổ sở xuống, đạt được Cực Lạc sung sướng. Thật tâm cầu sanh Cực Lạc, chẳng giả. Ký sanh tín nguyện, cánh trì danh hiệu, tiện đắc độ thoát đã sanh tín nguyện, lại còn trì danh hiệu, liền được độ thoát, chân tín.

Vì sao người niệm Phật chẳng thể Vãng Sanh?

Lòng tin chẳng đủ, người ấy hoài nghi.

Vì sao hoài nghi?

Liễu giải lý sự chưa đủ thấu triệt.

Vì sao Đức Phật giảng Kinh, thuyết pháp mỗi ngày?

Giảng Kinh, thuyết pháp nhằm mục đích giúp mọi người đoạn nghi, sanh tín. Nếu là chân tín, sẽ có thể chẳng cần nghe Kinh, mà cũng có thể chẳng cần niệm Kinh. Phải hiểu Đức Phật giảng Kinh nhằm mục đích giúp chúng ta đoạn nghi rồi mới sanh tín.

Sau khi đoạn nghi, sanh tín, quý vị thật sự phát nguyện, hiểu luân hồi thật sự khổ sở, chẳng thể luân hồi nữa. Trong dĩ vãng đã luân hồi nhiều như vậy, chẳng có cách nào tính toán số năm, luận tính kiếp số sẽ là vô lượng kiếp, khổ không thể nói nổi. 

Nay đã hiểu rõ, minh bạch rồi, ngày hôm nay đã gặp cơ hội này, nhất định có thể thoát ra, nương theo pháp môn này sẽ thật sự có thể vượt thoát.

Chẳng dễ gì gặp được dịp này, cư sĩ Bành Tế Thanh vào đời Thanh trước kia đã nói: Hy hữu nan phùng chi nhất nhật một ngày hiếm có khó gặp, hay như trong phần trước đã nói cô lượng kiếp lai, hy hữu nan phùng hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay, ngày hôm nay quý vị đã gặp, nếu có thể nắm chắc, sẽ thành Phật ngay ngày hôm nay.

Tiện đắc độ thoát liền được độ thoát: Độ thoát là vĩnh viễn thoát ly mười pháp giới, không chỉ là lục đạo, mà là thoát ly mười pháp giới. Thế Giới Cực Lạc không thuộc trong mười pháp giới, hoành siêu mà. Sanh bỉ quốc dĩ sanh sang cõi ấy, quý vị đã đến Thế Giới Cực Lạc, Kiến Phật văn pháp, đắc vô thượng ngộ thấy Phật, nghe pháp, đắc vô thượng ngộ, chúng ta niệm niệm mong cầu điều này.

Tới Thế Giới Cực Lạc gặp A Di Đà Phật, đồng thời gặp Thập Phương Tam Thế hết thảy Chư Phật. Kinh Di Đà mà quý vị thọ trì do Ngài Cưu Ma La Thập dịch, trong bản dịch này ghi sáu phương Phật. Bản dịch của Huyền Trang Đại Sư ghi mười phương Phật. Kinh Vô Lượng Thọ ghi mười phương Phật. Thập Phương Tam Thế hết thảy Chư Phật quý vị đều thấy.

Vì sao?

Thế Giới Cực Lạc không có các chiều không gian và thời gian, nhưng trong thế gian này thì có các chiều không gian và thời gian, còn trong Thế Giới Cực Lạc thì không có. Không có thời gian thì quá khứ và vị lai quý vị đều thấy. Không có không gian, sẽ chẳng có khoảng cách, khoảng cách xa đến mấy vẫn ở ngay trước mặt, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.

Vì thế, quý vị thân cận hết thảy Chư Phật Như Lai, mười phương Thế Giới chẳng tốn một tí công sức nào, chẳng mất công giở chân, chẳng tốn sức bước một bước nào, mười phương Phật đều ở tại trước mặt.

Khoa học kỹ thuật hiện thời vẫn chưa đạt tới mức này. Nay chúng ta do màn hình Ti vi, cảnh tượng nơi xa xôi cũng có thể thấy giống như đang đối diện, nhưng cảnh tượng ấy là cảnh tượng phẳng lì, người trong cảnh tượng ấy chẳng thể bước ra trò chuyện với ta, còn Thế Giới Tây Phương là thật sự đối diện.

Do vậy, chúng tôi nói: Khoa học còn thua Thế Giới Cực Lạc rất xa. Tôi không ngừng cổ vũ, khuyến khích các khoa học gia hãy tới Thế Giới Cực Lạc du học, A Di Đà Phật là đại khoa học gia, thật sự lỗi lạc, phải theo Ngài học tập.

****