Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN LƯỢC GIẢNG GIÁO NGHĨA - TẬP MƯỜI SÁU - TỤNG MƯỜI ĐẠI NGUYỆN KỆ TỤNG LỄ KÍNH CHƯ PHẬT

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN  

LƯỢC GIẢNG GIÁO NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MƯỜI SÁU

TỤNG MƯỜI ĐẠI NGUYỆN

 KỆ TỤNG LỄ KÍNH CHƯ PHẬT
 

Chánh Kinh:

Sở hữu thập phương Thế giới trung,

Tam thế nhất thiết nhân Sư Tử,

Ngã dĩ thanh tịnh thân ngữ ý,

Nhất thiết biến lễ tận vô dư,

Phổ Hiền hạnh nguyện oai thần lực,

Phổ hiện nhất thiết Như Lai tiền,

Nhất thân phục hiện sát trần thân,

Nhất nhất biến lễ sát trần Phật.

Trong tất cả mười phương thế giới,

Ba đời hết thảy Nhân Sư Tử,

Tôi dùng thân ngữ ý thanh tịnh,

Lễ khắp hết thảy chẳng còn sót,

Sức oai thần hạnh nguyện Phổ Hiền,

Hiện trước khắp hết thảy Như Lai,

Mỗi thân lại hiện sát trần thân,

Mỗi mỗi lễ khắp sát trần Phật.

Bài tụng thứ nhất là lễ kính Chư Phật. Mười phương thế giới là vô lượng vô biên các Cõi Phật.

Chúng ta lễ kính ai?

Lễ kính ba đời hết thảy Nhân Sư Tử.

Ba đời: Đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai. Nhân Sư Tử là Phật. Trong Kinh Phật thường dùng chữ nhân trung sư tử, sư tử trong loài người để ví Đức Phật. Mười phương tam thế hết thảy Phật đều là đối tượng để chúng ta lễ kính.

Phật dạy: Hết thảy chúng sanh vốn sẵn là Phật. Phàm những hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh khởi đều gọi là chúng sanh. Hữu tình chúng sanh do các duyên tứ đại, ngũ uẩn hòa hợp. Vô tình chúng sanh, thực vật, khoáng vật cũng do các duyên hòa hợp, bởi thế cũng là chúng sanh.

Kinh Hoa Nghiêm chép:

Tình và vô tình cùng viên mãn chủng trí.

Vì sao nói chúng sanh vốn đã là Phật?

Điều này thuộc về mối quan hệ giữa tánh tướng. Phàm mọi tướng đều do tánh biến hiện. Phật là Tâm. Hết thảy hiện tượng chỉ do tâm hiện, do thức biến. Tâm chính là Phật, Phật chính là tâm. Hữu tình chúng sanh có Phật tánh, vô tình chúng sanh có pháp tánh. Pháp tánh và Phật tánh cùng một tánh, chỉ là danh từ bất đồng.

Chúng ta đối với người, đối với sự, đối với vật đều phải thường tu cung kính, phải hoàn toàn cung kính giống hệt như cung kính Đức Phật.

Ở nhà phải hiếu kính cha mẹ, ở trường phải lễ kính Sư trưởng, dần dần mở rộng lòng lễ kính đến thân thích, quyến thuộc, cho đến hết thảy chúng sanh. Chẳng những mở rộng sự lễ kính đến hết thảy chúng sanh hữu tình mà còn phải mở rộng đến hết thảy chúng sanh vô tình.

Trong con mắt người tu hành, giá nến, lư hương, bàn ghế, mọi thứ đều là Phật cả, đều phải cung kính. Bàn ghế lau chùi sạch sẽ, sắp xếp chỉnh tề, là tỏ lòng cung kính đối với chúng nó. Sách đặt trên bàn phải thứ tự chỉnh tề. Nếu quăng vứt lung tung là bất kính vậy.

Phật Pháp kiến lập trên cơ sở tâm cung kính, phải cung kính với hết thảy, bình đẳng cung kính, thanh tịnh cung kính. Dầu cung kính đối với hết thảy, nhưng tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Tôi dùng thân ngữ ý thanh tịnh để biểu đạt lòng cung kính. Ba nghiệp thân ngữ ý thanh tịnh là cung kính chân chánh.

Lễ khắp hết thảy chẳng còn sót: Đối với tam thế Chư Phật, quý vị lễ một vị tức là lễ toàn bộ hết thảy.

Vì sao vậy?

Bởi tâm thanh tịnh chẳng có giới hạn. Tâm thanh tịnh là chân tâm, chân tâm tột cùng hư không, trọn khắp pháp giới, chẳng có giới hạn. Bởi thế lễ một Đức Phật là lễ hết thảy Phật, cung kính một Đức Phật là cung kính hết thảy Phật. Ba nghiệp thân ngữ ý thanh tịnh, niệm niệm đều là lễ kính, chẳng phải là lễ Phật một cách hình thức.

Lễ Phật hình thức là mới học, đặc biệt là kẻ nghiệp chướng nặng nề, một ngày lễ ba ngàn lạy để tu thân ngữ ý thanh tịnh. Lễ Phật cũng là sám hối, để sám trừ tội nghiệp bất kính đối với hết thảy Phật, Bồ Tát và chúng sanh trong quá khứ.

Lúc lễ Phật, tâm phải thanh tịnh, tâm phải không, chớ nên ôm đồm lắm nỗi, tâm phải một niệm chẳng sanh, bổn lai vô nhất vật, thân phải chiếu theo nghi thức mà làm. Lạy Phật là vận động, cũng là một phương pháp dưỡng sanh tốt nhất.

Trong sách Ảnh Trần Hồi Ức Lục có chép mẫu chuyện sau: Năm Dân Quốc thứ nhất, 1911, thầy Hương Đăng Chùa A Dục Vương là người rất chất phác. Thầy Hương Đăng trông nom đèn đuốc, thắp hương.

Mùa Hạ, khí Trời nóng bức, người khác nói đùa: Thầy Hương Đăng. Người ta phơi sách, phơi y phục, thầy cũng nên đem nến ra phơi đi, nếu không chẳng giữ được lâu đâu. Thầy đem nến ra phơi thật, nến chảy tan hết. Lão Hòa Thượng dặn thầy một ngày lễ Phật ba ngàn lạy để tu tâm thanh tịnh. Thầy lễ ba năm bèn ngộ.

Sức oai thần Hạnh Nguyện Phổ Hiền: Chỉ cần chiếu theo phương pháp lý luận trong Kinh này mà tu hành, quý vị sẽ là Phổ Hiền Bồ Tát, là Phổ Hiền Bồ Tát tối sơ phát tâm. Trong Thế Giới Hoa Nghiêm có vị Đẳng Giác Phổ Hiền Bồ Tát, nhưng vị Phổ Hiền ấy cũng đã ở Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

Quý vị tu theo pháp môn này, tương ứng với Ngài, trong vô hình thần lực của Ngài sẽ gia trì quý vị, đạt được cảm ứng đạo giao. Sức lực ấy chẳng thể nghĩ bàn, là chỗ dựa cho chúng ta tu hành.

Hiện trước khắp hết thảy Như Lai: Mười phương ba đời vô lượng vô biên Thế Giới, vô lượng vô biên Chư Phật, trước mỗi Đức Phật đều có thân tướng chúng ta hiện diện lễ Phật.

Mỗi thân lại hiện sát trần thân, mỗi mỗi lễ khắp sát trần Phật: Mỗi một thân đều lễ vô lượng vô biên Đức Phật, vô lượng vô biên thân, mỗi thân lại lễ vô lượng vô biên Phật. Đấy toàn là cảnh giới Hoa Nghiêm, trùng trùng vô tận, tuyệt đối chẳng phải là thần thoại, mà đều là sự thật.

Nguyên lý là tâm hiện, thức biến, công năng của tâm thức chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên, bởi thế có thể hiện các tướng như vậy. Hiểu theo một tầng ý nghĩa sâu rộng hơn thì do tâm thanh tịnh, chúng ta sẽ cùng thế giới này, mười phương ba đời hữu tình, vô tình, thế gian, xuất thế gian hòa nhập thành một thể.

Trong Mười đại nguyện vương, nguyện thứ nhất là căn bản. Không có lễ kính sẽ chẳng có xưng tán. Chẳng có tâm cung kính, người xưng tán chỉ là miệng nói một đàng, tâm đi một nẻo.

Toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm chỉ là học lễ kính đó thôi. Chỉ cần thực hiện được lễ kính thì chín điều sau thảy đều viên mãn. Một lời mình nói ra nhất định là khen ngợi, đãi người tiếp vật nhất định là cúng dường. Bởi thế, chúng ta học Phật là học lễ kính.

Lễ kính là tánh đức, là cái chúng ta vốn sẵn có. Hiện tại, ta mê hoặc điên đảo, khởi lòng kiêu căng ngã mạn, đánh mất tánh đức. Học Phật chẳng qua là khôi phục tánh đức mà thôi.

***