Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN LƯỢC GIẢNG GIÁO NGHĨA - TẬP MƯỜI BẢY - KỆ TỤNG XƯNG TÁN NHƯ LAI

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN  

LƯỢC GIẢNG GIÁO NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MƯỜI BẢY

KỆ TỤNG XƯNG TÁN NHƯ LAI
 

Chánh Kinh:

Ư nhất trần trung trần số Phật,

Các xử Bồ Tát chúng hội trung,

Vô tận pháp giới trần diệc nhiên,

Thâm tín Chư Phật giai sung mãn,

Các dĩ nhất thiết âm thanh hải,

Phổ xuất vô tận diệu ngôn từ,

Tận ư vị lai nhất thiết kiếp,

Tán Phật thậm thâm công đức hải.

Nơi trần số Phật trong một trần,

Đều ở giữa chúng hội Bồ Tát,

Pháp giới vô tận trần cũng thế,

Tin sâu Chư Phật thảy sung mãn,

Đều dùng hết thảy biển âm thanh,

Thốt trọn vô tận lời nói hay,

Tột cùng hết thảy kiếp vị lai,

Khen biển công đức Phật sâu thẳm.

Bài tụng thứ hai xưng tán Như Lai. Bài kệ thứ nhất nói lên đối tượng để xưng tán. Đối tượng ấy rộng lớn, giống như phần trên đã nói chẳng khác gì, ngôn từ bất đồng cho thấy văn chương bóng bảy.

Ư nhất trần trung trần số Phật: Trần đây là vi trần. Vi trần được nói trong Kinh Phật, mắt thịt không thấy được. Kinh Phật dùng rất nhiều ví dụ để giảng chữ trần. Trước hết là ngưu mao trần, lông bò khá thô, trên đầu sợi lông có một hạt bụi có thể dính vào đó mà không bị rớt mất thì hạt bụi đó gọi là ngưu mao trần.

Chia hạt bụi đó thành bảy phần, mỗi một phần là dương mao trần, lông dê so ra nhuyễn hơn lông bò rất nhiều. Lại chia dương mao trần thành bảy phần, mỗi một phần là thố mao trần, bụi trên đầu sợi lông con thỏ.

Thố mao trần lại chia thành bảy phần, thì mỗi một phần gọi là thủy trần, có thể xuyên qua nước không trở ngại gì. Nước có mật độ, nhưng giữa các phân tử nước vẫn có khoảng trống, hạt thủy trần có thể trôi qua những khoảng trống ấy.

Lại chia thủy trần thành bảy phần, mỗi một phần là kim trần. Mật độ density của kim loại rất lớn, nhìn dưới kính hiển vi vẫn có khoảng trống, kim trần có thể vượt qua những khoảng trống ấy không bị chướng ngại.

Kim trần lại chia thành bảy phần thì mỗi một phần gọi là vi trần. Thiên nhãn của A La Hán mới thấy được vi trần. Vi trần chưa phải là nhỏ nhất, lại chia thành bảy phần nữa thì gọi là sắc tụ vi. Lại chia thành bảy phần nữa thì gọi là cực vi vi, không thể chia nhỏ hơn được nữa. Phật nhãn thấy được cực vi vi.

Trần số: Đem tam thiên đại thiên Thế giới ngân hà hệ nghiền thành vi trần, số đến vô lượng vô biên, trong mỗi một trần lại có vi trần số chư Phật.

Đều ở giữa chúng hội Bồ Tát: Mỗi một đức Phật lại có hải hội Bồ Tát vây quanh, Bồ Tát rất nhiều.

Pháp giới vô tận trần cũng thế: Vô tận pháp giới, trong mỗi một vi trần đều có số lượng các thế giới như thế, đấy là cảnh giới đích thân Phật chứng nhập. Cảnh giới ấy chẳng thể nghĩ bàn, còn gọi là nhất chân pháp giới, tức là Thật báo trang nghiêm tịnh độ của A Di Đà Phật.

Tin sâu chư Phật thảy sung mãn: Chẳng phải là cảnh giới chúng ta, dựa vào đâu để tin chẳng nghi ngờ đây?

Căn cứ vào nhân cách của Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật chẳng nói dối. Cảnh giới đúng thật như thế, Kinh Kim Cang gọi cảnh giới ấy là chư pháp thật tướng, chỉ có Phật và các đại Bồ Tát mới chứng được.

Đều dùng hết thảy biển âm thanh, thốt trọn vô tận lời nói hay: Tán thán đương nhiên phải sử dụng ngôn từ, dùng âm thanh. Chúng ta chỉ nghĩ dùng âm thanh để ca xướng, dùng ngôn từ khen ngợi Phật. Tướng nói như thế thật ra rất thô, có vậy hàng sơ học mới có thể lãnh hội được. Nếu nói sâu hơn, chúng ta không cách chi hiểu được.

Nói đúng ra, mọi âm thanh trong thế giới đều là khen Phật, hết thảy ngôn từ không chi chẳng diệu, kể cả tiếng người chửi nhau, cãi cọ cũng thế, chúng ta không cách gì hiểu được.

Có tâm đắc phẩm Quán Thế Âm Nhĩ Căn Viên Thông của Kinh Lăng Nghiêm mới hòng lãnh hội được. Hiện tại, chúng ta nghe có âm thanh đẹp dạ, có âm thanh thô tháo đáng chán ghét là vì chúng ta dùng cái tâm phân biệt để nghe, dùng ý thức để nghe, chúng ta chỉ nghe thanh trần.

Bồ Tát lìa tâm ý thức mà nghe, nên trong hết thảy biển âm thanh, hết thảy biển ngôn từ, Ngài chẳng có tâm phân biệt, chẳng có tâm chấp trước, chẳng có tâm vọng tưởng, hoàn toàn dùng tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh nơi nhĩ căn gọi là tánh nghe. Cái được nghe bởi tánh nghe là thanh tánh, chẳng phải là thanh trần.

Đó gọi là chân chánh tán thán đấy. Bởi vậy, chửi người, cãi cọ cũng là tán thán, điều này kỳ diệu chẳng thể diễn tả nổi, chúng ta phải tu điều này. Tu xưng tán phải tu từ đây thì chúng ta mới có thể nhập cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn. Nếu không, suốt ngày từ sáng đến tối ca xướng, tán thán Phật, Bồ Tát, nhưng Phật, Bồ Tát vẫn là Phật, Bồ Tát, phàm phu vẫn là phàm phu.

Tán thán rồi quý vị cũng biến thành Phật, Bồ Tát, như thế mới là đúng. Bởi thế, Ngài đối với thanh âm chẳng hề chọn lựa, chẳng có phân biệt, đối với ngôn từ cũng chẳng có chọn lựa.

Vì thế mới là diệu ngôn, hễ có chọn lựa thì chẳng còn diệu nữa. Hết thảy âm thanh ngôn từ đều lưu xuất từ pháp tánh, lại quy vào pháp tánh. Người bình phàm vừa nghe liền khai ngộ kiến tánh là vì họ dùng cái tánh nghe để nghe thanh tánh, dùng tánh thấy để thấy sắc tánh.

Dù nói đến sáu tánh nơi sáu căn, cũng như sáu tánh nơi sáu trần. Thật ra, tánh chỉ là một, nhất định chẳng có hai tánh thì mới gọi là tu cái nguyện xưng tán. Xưng tán là đào luyện tâm thanh tịnh từ nơi âm thanh, lễ kính là luyện tâm thanh tịnh từ nơi hết thảy người, vật, sự tướng.

Lễ kính là thanh tịnh, tán thán cũng là thanh tịnh. Mỗi một đại nguyện điều nào cũng nói đến thanh tịnh, tu tâm thanh tịnh từ những điều đó nên pháp môn này gọi là Đại bất tư nghị pháp môn. Chỗ nào cũng dạy chúng ta minh tâm kiến tánh, chỗ nào cũng dạy chúng ta nhất tâm bất loạn.

Tột cùng hết thảy kiếp vị lai: Thời gian tu hành chẳng gián đoạn, trong quá trình tu hành chẳng có kỳ hạn, sau khi tu hành viên mãn mới có kỳ hạn. Vì thế, Phật, Bồ Tát mới chứng viên mãn ba thứ bất thoái. Có kỳ hạn là có lúc kết thúc, pháp môn này vô thỉ cũng vô chung.

Chư vị nghĩ kỹ xem: Tu tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh có đầu có cuối chăng?

Tâm thanh tịnh chẳng có đầu lẫn cuối!

Duy Thức nói: Phương phần, thời phần, đều là hành pháp bất tương ưng. Phương phần là không gian, Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương bàng, trên, dưới. Thời phần là thời gian, quá khứ, hiện tại, vị lai.

Có những sự tình đó, dẫu là có, nhưng chỉ là khái niệm trừu tượng, chẳng phải là sự thật cụ thể, nhưng đối với khái niệm trừu tượng chúng ta thường lầm lẫn, coi chúng là thật, tựa hồ thật sự có những sự tình đó. Kỳ thật, chúng nào có. Phá được cái ải đó, tức là phá được cả không gian lẫn thời gian, thì mới là giải thoát rốt ráo.

Tâm thanh tịnh chẳng có mười phương, chẳng có ba đời, cho nên mới nói: Tột cùng vị lai hết thảy kiếp. Cách nói như vậy, đối với người sơ học thật không gì cổ vũ lớn hơn nữa, chúng ta phải hiểu rõ sự thật này, phải tinh tấn nỗ lực không ngừng, chẳng nên giải đãi, chẳng được thoái chuyển.

Khen biển công đức Phật sâu thẳm: Công đức Phật vô lượng vô biên, tán thán chẳng thể cùng tận. Nói trên mặt sự, lễ kính bao gồm hết thảy chúng sanh, chúng sanh đều có Phật tánh, hết thảy chúng sanh vốn là Phật. Bởi thế phải lễ kính hết, chẳng được phân biệt, chấp trước, phải dùng cái tâm thanh tịnh, bình đẳng để tu.

Xưng tán thì phải coi là xứng tánh hay không xứng tánh, cũng phải xét là thiện hay ác. Chư vị phải biết thiện ác là bình đẳng, chân vọng, tà chánh cũng là bình đẳng, chẳng có pháp nào không bình đẳng.

Vì sao xưng tán phải phân biệt?

Đối với pháp thân Đại Sĩ mà nói thì là bình đẳng, nhưng đối với phàm phu chúng ta bèn có sai biệt.

Trong phần Trường Hàng nói xưng tán Như Lai, nhưng phần kệ tụng nói xưng tán Phật chứ không xưng tán Như Lai. Ở đây là cảnh giới Bồ Tát, là bình đẳng, gọi là nhất chân pháp giới. Phần Trường Hàng có phân biệt là vì nói với chúng ta.

Tâm chúng ta bất bình đẳng, có chân vọng, tà chánh, thị phi, thiện ác. chúng ta chẳng tán thán ác pháp, tán thán thiện pháp. Trong kệ tụng là pháp bình đẳng, phần Trường Hàng là pháp sai biệt, là nhân quả sai biệt.

Phật thuyết pháp thật xảo diệu thay!

***