Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ YẾU GIẢI GIẢNG KÝ - TẬP BA - B

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ  

YẾU GIẢI GIẢNG KÝ

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP BA - B
 

Có thể thấy rằng: Pháp được Phổ Hiền Bồ Tát tự tu là Mười đại nguyện vương. Ngài dạy người khác tu pháp môn niệm Phật. Ở đây, còn có lục niệm, trong rất nhiều Kinh, Đức Phật đã nói đến. Lục niệm là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Ba loại đầu là niệm Tam Bảo. Loại thứ tư là niệm Giới, thứ sáu là niệm Thiên, hai loại này có quan hệ mật thiết với nhau.

Để sanh lên Trời thì phải thỏa điều kiện sanh lên Trời. Đức Phật nói đến trạng huống trong Cõi Trời, so với bất cứ Tôn Giáo nào cũng đều tường tận hơn. Chẳng phải là tin vào Thượng đế sẽ sanh lên Trời, ngàn vạn phần chớ hiểu lầm. Phật nói Ngũ Giới thanh tịnh, đời sau sẽ được thân người.

Thành tựu Thập thiện nghiệp đạo thì mới được sanh lên Trời. Chỉ tu Thập thiện thì chỉ có thể sanh trong các tầng Trời thuộc Dục Giới trở xuống, tức là sanh trong Tứ Vương Thiên và Đao Lợi Thiên.

Muốn tu lên cao hơn thì phải tu định, tu tứ vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả. Ngũ giới, bát giới, thập giới do Đức Phật đã định và những điều răn dạy trong các Kinh đều thuộc phạm vi của giới.

Thứ năm là niệm thí. Thí là bố thí, thí có công đức khiến cho chúng ta đoạn phiền não. Vô lượng phiền não được quy nạp thành một trăm lẻ tám loại, rồi lại quy nạp thành hai mươi sáu thứ, bao gồm sáu căn bản phiền não và hai mươi tùy phiền não.

Lại quy nạp thành sáu căn bản phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, rồi lại quy nạp thành ba độc tham, sân, si. Ba độc lại quy nạp thành một thứ là tham. Bố thí chuyên trị keo tham, tham là cội gốc lớn lao của phiền não.

Bố thí nhằm tạo thuận tiện cho chính mình, dẹp trừ triệt để căn bản phiền não. Học bố thí thì lúc mới học, thường là chính mình dư dả mới bằng lòng đem cho người khác. Chẳng hạn như có hai món đồ nào đó, món tốt giữ lại để mình dùng, cái dở hơn đem cho người ta.

Tiến bộ hơn là đem cái tốt tặng cho người khác, cái dở giữ lại để mình dùng. Lại tiến một bước nữa là nếu người ta cần mà mình cũng cần thì giúp cho người ta trước, chính mình sẽ dần dần tính sau.

Con người thường lo ngại nếu đem toàn bộ của cải của mình bố thí hết thì chính mình không có gì, làm sao đây?

Nhất là trong lúc này, cuộc sống khó khăn, kiếm được tiền chẳng dễ.

Tuy vậy, nhà Phật nói: Nhất ẩm, nhất trác, mạc phi tiền định. Một miếng ăn, một miếng uống, không gì chẳng phải đã được định sẵn. Bố thí thì của cải đưa đến càng nhiều, chúng ta thật sự chưa dám tin tưởng. Tôi khuyên người học Phật phải đọc cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm lượt. Trong một đời người, giàu, nghèo, sang, hèn đều có số phận định sẵn. Đời trước đã tài bố thí thì đời này phát tài.

Giàu có là quả báo, bố thí là nhân. Thông minh, trí huệ là quả báo, pháp bố thí là nhân. Khỏe mạnh, sống lâu là quả báo, vô úy bố thí là nhân. Dùng tâm chân thành, tâm cung kính, tâm thanh tịnh tu ba thứ bố thí sẽ tự nhiên được quả báo tốt đẹp.

Phật, Bồ Tát từ sơ phát tâm cho đến khi thành Phật, thành Phật rồi lại thả chiếc bè từ vào trong thế gian, không có chuyện gì khác, chỉ để bố thí.

Cận đại, tại Trung Quốc, trong hàng xuất gia, Ấn Quang Đại Sư của Tịnh Độ Tông và Hư Vân Đại Sư của Thiền Tông suốt đời làm chuyện bố thí, tài, pháp, vô úy bố thí, chẳng giữ lại mảy may nào, làm rất viên mãn.

Quán Vô Lượng Thọ Kinh đặc biệt nhắc tới ba loại người sẽ được sanh về Tịnh Độ:

1. Loại thứ nhất là từ tâm, chẳng giết, đầy đủ giới hạnh, tức là hai điều thứ nhất và thứ hai trong Tịnh nghiệp tam phước.

2. Loại thứ hai là đọc tụng Kinh Điển Phương Đẳng Đại Thừa, tức là điều thứ ba phát bồ đề tâm, đọc tụng đại thừa trong Tịnh nghiệp tam phước.

3. Loại thứ ba là tu hành lục niệm, hồi hướng, phát nguyện, cầu sanh Tịnh Độ. Tâm thanh tịnh cảm ứng bổn nguyện của Phật.

Hiểu rõ ràng chân tướng sự thật này thì phải nên phát tâm sốt sắng niệm Phật, chánh trợ song tu. Chánh tu là tín nguyện trì danh, trợ tu là Mười đại nguyện vương, ngũ hối, lục niệm. Sống trong xã hội hiện thời, dùng tâm tư thái độ này để xử thế, đãi người, tiếp vật, đấy chính là chánh hạnh của Phật Giáo đồ.

Duy Trì danh nhất pháp, thâu cơ tối quảng, hạ thủ tối dị.

Cố Thích Ca từ tôn, vô vấn tự thuyết, đặc hướng Đại Trí Xá Lợi Phất niêm xuất, khả vị: Phương tiện trung đệ nhất phương tiện, liễu nghĩa trung vô thượng liễu nghĩa, viên đốn trung tối cực viên đốn. Chỉ có pháp trì danh thâu nhiếp căn cơ rộng nhất, thực hiện dễ dàng nhất, nên Thích Ca Từ Tôn, chẳng ai hỏi mà tự nói, đặc biệt hướng đến Đại Trí Xá Lợi Phất nêu bày.

Pháp trì danh đáng gọi là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện, là vô thượng liễu nghĩa trong các liễu nghĩa, là viên đốn tối cực trong các pháp viên đốn.

Ý nghĩa được nêu trong đoạn văn này của Ngẫu Ích Đại Sư chính là cương lãnh, nguyên tắc của rất nhiều Kinh Luận Tịnh Tông. Nếu chú tâm quán sát thì những điều này bao gồm vô lượng pháp môn.

Trong vô lượng pháp môn, pháp môn niệm Phật là thù thắng nhất. Đại Sư nói ra những câu này rất khó có. Nếu Ngài chẳng phải thật sự là bậc trong quá khứ đã từng nghiên cứu thấu triệt hết thảy pháp môn, sẽ chẳng nói ra những câu này, cũng chẳng có gan thốt ra.

Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng: Vì sao Chư Phật, Bồ Tát, Tổ Sư, Đại Đức đều khuyên chúng ta trì danh niệm Phật?

Chữ cơ trong câu thâu cơ tối quảng chính là căn cơ. Căn cơ có ba loại thượng căn, trung căn, hạ căn khác nhau. Chẳng hạn như Lục Tổ Đại Sư của Thiền Tông nói rất minh bạch, Ngài tiếp dẫn kẻ thượng thượng căn.

Ngài Thần Tú tiếp dẫn người có căn tánh đại thừa. Trong Giáo Hạ như Hoa Nghiêm Hiền Thủ Tông thì đối tượng của họ là bốn mươi mốt địa vị pháp thân Đại Sĩ. Trong hết thảy Kinh Luận, mỗi một pháp môn nhằm chuyên độ một loại đối tượng nào đó.

Chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ là đối với tất cả những người có căn tánh bất đồng đều có thể tiếp nhận, trên đến Đẳng giác Bồ Tát, dưới đến chúng sanh trong địa ngục, đều bình đẳng độ thoát. Thật là chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật liền có thể đắc độ.

Thực hiện hết sức dễ dàng, có ai chẳng thể niệm?

Vấn đề ở chỗ có chịu niệm hay là không, bằng lòng niệm hay là không?

Thành tựu của pháp môn này lại viên mãn khôn sánh. Chẳng riêng gì người bình thường chẳng tin, ngay cả những Bậc Bồ Tát, La Hán trong Tông Môn, Giáo Hạ cũng chẳng thể tin tưởng. Do vậy, Chư Phật Như Lai gọi pháp này là pháp khó tin.

Lúc ấy, Đức Phật quán sát thiện căn, phước đức của chúng sanh đã chín muồi, bèn không ai hỏi mà tự nói. Nói tới thiện căn thì chính là Đức Phật nói ra pháp môn này, người nghe liền tin được, hiểu được. Nói tới phước đức thì chính là có thể nguyện, có thể hành.

Pháp môn này không ai biết, đương nhiên chẳng có ai có thể hỏi được. Còn với đối tượng để tuyên nói, Phật bèn đặc biệt chọn Ngài Xá Lợi Phất, vì Ngài là bậc trí huệ đệ nhất, không có trí huệ sẽ tuyệt đối chẳng thể tin tưởng pháp này. Cơ duyên thành Phật chín muồi, ắt phải có Kinh Điển để thành Phật. Kinh A Di Đà là căn bản để chúng sanh trong chín pháp giới viên mãn thành Phật ngay trong một đời.

Nói như vậy thì chúng ta cũng có phần. Trong tất cả các phương pháp tu hành, pháp môn niệm Phật thuận tiện bậc nhất. Đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể tu hành. Nếu có ai không thích ta niệm, ta bèn niệm thầm.

Chẳng câu nệ hình thức, chỗ nào cũng đều có thể niệm được. Trong Tứ y pháp, Đức Phật nói y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa. Phàm những pháp nào nói tới phước báo trong Cõi Trời, cõi người, chẳng thể liễu sanh tử, xuất tam giới thì gọi là bất liễu nghĩa.

Kinh tiểu thừa lấy đoạn kiến tư hoặc để xuất tam giới, chứng quả La Hán, chẳng thể thành Phật, cũng gọi là bất liễu nghĩa. Kinh đại thừa tuy đoạn tam hoặc, liễu sanh tử, cao hơn La Hán, nhưng chưa đạt đến Phật quả rốt ráo thì vẫn là bất liễu nghĩa. Nhất thừa liễu nghĩa là thành Phật ngay trong một đời.

Trong một đời thành Phật thì chỉ có Thiện Tài Đồng Tử tham học năm mươi ba lần trong Hội Hoa Nghiêm, tới cuối cùng, thành tựu là nhờ Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc. Trong Kinh Pháp Hoa, Long Nữ tám tuổi thành Phật là loại rất hiếm, ít có, khó gặp.

Trong Kinh này, hết thảy chúng sanh trong một đời đều có thể viên thành Phật đạo, có thể nói là Kinh này vượt trội Hoa Nghiêm lẫn Pháp Hoa. Phật dùng pháp môn này để độ chúng sanh trong chín pháp giới, mười phương ba đời hết thảy Chư Phật Như Lai cũng dùng pháp môn này để độ chúng sanh. Nói vô thượng liễu nghĩa, đệ nhất phương tiện là chuyên nói về bộ Kinh này.

Viên là viên mãn, đốn là nhanh chóng vượt thoát, chẳng theo thứ tự. Tiểu thừa thành Phật phải mất ba đại A tăng kỳ kiếp. Theo như Tông Thiên Thai nói thì phải trải qua Tứ Giáo là Tạng, Thông, Biệt, Viên. Đấy là tiệm tu, tu dần dần theo thứ tự. Đại thừa tu Bồ Tát đạo, từ Sơ Tín đến Đẳng giác gồm năm mươi mốt địa vị.

Kinh Hoa Nghiêm nói: Thành Phật phải mất vô lượng đại kiếp, chứ không phải chỉ ba đại A tăng kỳ kiếp. Đức Phật nói ba đại A tăng kỳ kiếp là vì sợ chúng sanh nghe nói vô lượng kiếp sẽ co đầu rụt cổ, chẳng dám học Phật. Đại thừa Bồ Tát tâm lượng to lớn, có tánh nhẫn nại, chẳng sợ thời gian lâu xa.

Tổ Sư khai sơn của Duy Thức Tông là Khuy Cơ Đại Sư soạn A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ, trong ấy Ngài cũng nói rõ pháp môn này thuộc về Đốn Giáo. Bởi lẽ, trong Kinh nói từ một ngày đến bảy ngày liền thành công. Thành công có nghĩa là thành Phật.

Nước đục ví với tâm ô nhiễm, tâm tạp loạn, Phật hiệu ví như thanh thủy châu. Đối trị tạp niệm hữu hiệu nhất chính là niệm Phật. Nếu tham cứu thấu đáo Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh và Di Đà Yếu Giải thì niệm Phật sẽ đúng lý, đúng pháp, câu nào cũng tương ứng, quả thật hữu hiệu.

Nghe đạo lý Phật Pháp rất nhiều, nhưng phiền não, tập khí vẫn rất nặng như cũ là vì chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay đã quá quen với rất nhiều phiền não tham, sân, si, mạn, đối với Phật Pháp cảm thấy rất lợt lạt.

Vì thế, cổ nhân nói: Sanh xứ chuyển thục, thục xứ chuyển sanh. Chuyển chỗ sống thành chỗ chín, chuyển chỗ chín thành chỗ sống. Ắt phải đem cái tâm phiền não ô nhiễm chuyển biến một trăm tám mươi độ thành tâm niệm Phật thanh tịnh. Hết thảy pháp sanh từ tâm tưởng, hết thảy pháp do tâm biến hiện.

Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Đây chẳng phải là nhân quả thông thường. Đại thừa là Bồ Tát, nhất thừa là thành Phật. Trong Thế Giới Cực Lạc, chứng đắc bốn loại Tịnh Độ cùng một lúc. Hễ chứng được một, sẽ chứng hết thảy. Vì thế gọi là diệu quả. Nhân và quả chẳng tách rời nhau.

Điểm đặc biệt là pháp môn này được gọi là Liên Tông. Hoa sen là nhân và quả đồng thời. Vì thế, tín nguyện trì danh là chánh tông. Bốn Cõi Tịnh Độ là giáo thuyết do Tông Thiên Thai sáng lập, nếu muốn hiểu rõ hơn, có thể tham khảo các sách Quán Kinh Diệu Tông Sao và Phạm Võng Kinh Huyền Nghĩa.
 

3.4. MINH LỰC DỤNG GIẢNG

VỀ LỰC DỤNG
 

Giải Đệ tứ, minh lực dụng. Thử Kinh dĩ vãng sanh bất thoái vi lực dụng. Vãng sanh hữu Tứ độ, các luận Cửu phẩm. Thả lược minh đắc sanh Tứ độ chi tướng. Nhược chấp trì danh hiệu, vị đoạn kiến tư, tùy kỳ hoặc tán hoặc định, ư Đồng cư độ phân Tam bối Cửu phẩm.

Nhược trì chí sự nhất tâm bất loạn, kiến tư nhậm vận tiên lạc, tắc sanh Phương tiện hữu dư tịnh độ. Nhược chí lý nhất tâm bất loạn, khoát phá vô minh nhất phẩm, nãi chí tứ thập nhất phẩm, tắc sanh Thật báo trang nghiêm tịnh độ, diệc phần chứng Thường tịch quang độ.

Nhược vô minh đoạn tận, tắc thị thượng thượng Thật báo, cứu cánh Tịch quang dã. Bất thoái hữu tứ nghĩa, nhất niệm bất thoái, phá vô minh, hiển Phật tánh, kính sanh Thật báo, phần chứng Tịch quang. Nhị Hạnh bất thoái, kiến tư ký lạc, trần sa diệc phá, sanh Phương tiện độ, tiến xu cực quả.

Tam vị bất thoái, đới nghiệp vãng sanh, tại Đồng cư độ, Liên Hoa thác chất, vĩnh ly thoái duyên. Tứ tất cánh bất thoái, bất luận chí tâm, tán tâm, hữu tâm, vô tâm, hoặc giải, bất giải, đản Di Đà danh hiệu, hoặc lục phương Phật danh, thử Kinh danh tự nhất Kinh ư nhĩ, giả sử thiên vạn kiếp hậu, tất cánh nhân tư độ thoát.

Như văn đồ độc cổ, viễn cận giai táng. Thực thiểu Kim Cang, quyết định bất tiêu dã. Phục thứ, chỉ đới nghiệp sanh Đồng cư tịnh, chứng vị bất thoái giả, giai dữ Bổ xứ câu, diệc giai nhất sanh tất bổ Phật vị.

Phù thượng thiện nhất xứ, thị sanh Đồng Cư. Tức dĩ hoành sanh thượng tam độ, nhất sanh bổ Phật. Thị vị bất thoái. Tức dĩ viên chứng tam bất thoái. Như tư lực dụng, nãi Thiên Kinh Vạn Luận sở vị tằng hữu. Giảo bỉ đốn ngộ chánh nhân, cẩn vi xuất trần giai tiệm. Sanh sanh bất thoái, thủy khả kỳ ư Phật giai giả, bất khả đồng nhật ngữ hỹ. Tông Giáo chi sĩ, như hà vật tư.

Giải: Thứ tư, nói về lực dụng. Kinh này lấy vãng sanh bất thoái làm lực dụng. Vãng sanh có bốn cõi, trong mỗi cõi đều luận định chín phẩm, nên bèn giảng đại lược về tướng trạng của bốn cõi.

Nếu chấp trì danh hiệu mà chưa đoạn kiến hoặc và tư hoặc, tùy theo tán tâm hay định tâm, sẽ sanh vào Cõi Đồng cư, chia ra thành ba bậc, chín phẩm. Nếu trì đến mức sự nhất tâm bất loạn, giữa kiến hoặc và tư hoặc, tùy ý đoạn trước một thứ, sẽ sanh về Phương tiện hữu dư tịnh độ.

Nếu trì đến mức lý nhất tâm bất loạn, phá rỗng toang từ một phẩm vô minh cho đến bốn mươi mốt phẩm vô minh, sẽ sanh vào Thật báo trang nghiêm tịnh độ và cũng chứng một phần Cõi Thường tịch quang. Nếu đoạn sạch vô minh, sẽ là thượng thượng Thật báo, rốt ráo Tịch quang.

bất thoái có bốn nghĩa:

1. Niệm bất thoái: Phá vô minh, hiển Phật tánh, mau chóng sanh về Cõi Thật báo, chứng một phần Cõi Tịch quang.

2. Hạnh bất thoái: Đã trừ được kiến hoặc và tư hoặc, cũng phá được trần sa hoặc, sanh về cõi Phương Tiện, tiến hướng cực quả.

3. Vị bất thoái: Đới nghiệp vãng sanh, ở trong Cõi Đồng cư, gởi thân nơi hoa sen, vĩnh viễn lìa khỏi duyên thoái thất.

4. Tất Cánh bất thoái: Chẳng cần biết là chí tâm hay tán tâm, hữu tâm hay vô tâm, hiểu hoặc chẳng hiểu, chỉ cần danh hiệu Di Đà, hoặc danh hiệu của Chư Phật trong sáu phương và tên gọi Kinh này, vừa nghe thoảng qua tai, giả sử ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo sẽ do điều này mà được độ thoát. Như nghe tiếng cái trống có bôi chất độc, xa hay gần đều bị chết. Ăn một chút Kim Cang, quyết định mãi mãi chẳng tiêu.

Hơn nữa, những kẻ chỉ cần đới nghiệp vãng sanh Đồng cư tịnh độ, chứng vị bất thoái, đều cùng ở chung với các vị Bổ xứ, cũng sẽ đều trong một đời ắt dự vào địa vị Bổ xứ làm Phật. Phàm ở chung với các bậc thượng thiện, tức là sanh vào Cõi Đồng cư thì là đã sanh ngang sang ba cõi trên, trong một đời được bổ xứ thành Phật.

Đấy là hễ dự vào Vị bất thoái thì là đã chứng trọn vẹn ba món bất thoái. Lực dụng như vậy chính là điều chưa hề có trong ngàn Kinh Vạn Luận. So với những chánh nhân đốn ngộ khác thì chúng đều chỉ là thoát khỏi cõi trần dần dần theo thứ tự, phải đời đời bất thoái thì mới có thể mong thành Phật được. Dẫu nói suốt ngày cũng chẳng thể nói trọn hết lực dụng của Kinh này.

Những bậc tu hành bên Tông, bên Giáo cớ sao chẳng suy nghĩ?

Phần thứ tư là giảng về lực dụng, tức là phần này nói rõ công đức tu hành, lợi ích do học tập, mà cũng có nghĩa là cái hay của niệm Phật nằm ở chỗ nào?

Cổ Đức nói: Kinh này lấy vãng sanh làm công, lấy bất thoái làm dụng.

Trong Kinh cũng dạy: Chúng sanh sanh giả, giai thị A bệ bạt trí. Những chúng sanh sanh về đó đều là bất thoái chuyển Bồ Tát. Thân nghiệp báo trong Cõi Ta Bà này là thân tối hậu, thân cuối cùng. Thân của những vị tái lai đến thế gian này để độ người chính là ứng hóa thân.

Hiện thời, người chân chánh phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, lòng tin chân thật, phát nguyện chân chánh, tuân theo lời giáo huấn của Phật. Cái tâm ấy vừa phát ra thì Tây Phương đã ghi danh, chứng được thân tối hậu trong hiện tại, trong khoảng một niệm liền đến được cõi ấy.

Vãng sanh Tịnh Độ có bốn cõi:

a. Một là Phàm Thánh đồng cư độ. Thế Giới Ta Bà cũng là Phàm Thánh đồng cư độ. Tuy trong Cõi Ta Bà có Thánh Nhân, nhưng thiếu duyên sẽ chẳng gặp được.

Trong truyện ký xa xưa có chép: Pháp Chiếu Đại Sư, Tổ Sư đời thứ tư của Tịnh Độ Tông, là người đời Đường, gặp Văn Thù Bồ Tát ở núi Ngũ Đài, Đạo tràng của Bồ Tát là Đại Thánh Trúc Lâm Tự, đẹp đẽ, cao rộng.

Tổ nghe Văn Thù Bồ Tát giảng Kinh, thưa hỏi Bồ Tát: Trong thời kỳ mạt pháp, tu pháp môn nào sẽ dễ thành tựu?

Văn Thù Bồ Tát dạy Tổ tu pháp môn niệm Phật, lại còn niệm cho Tổ nghe mấy câu Thánh hiệu A Di Đà Phật. Cách niệm ấy sau này được gọi là Ngũ Hội niệm Phật. Phép Ngũ Hội niệm Phật này đã thất truyền.

Năm 1977, tôi giảng Kinh tại Trung Hoa Phật Giáo Đồ Thư Quán, thư viện Phật Giáo Trung Hoa do lão Pháp Sư Đàm Hư sáng lập ở Hương Cảng.

Trong thư viện ấy có tập sách nhỏ mang tựa đề Ngũ Hội niệm Phật, có ghi chép nhạc phổ, âm điệu, tôi đem về Đài Loan. Cuốn sách ấy được biên soạn vào đầu thời Dân Quốc, rất cũ, sợ đã thất truyền, nên tôi in ra mấy ngàn bản ở Đài Loan. Trong số những vị xuất gia tại Đài Loan có người thông hiểu âm nhạc bèn đem sang Viên Quang Phật Học Viện ở Trung Lịch kiếm những vị đồng học, dựa theo nhạc phổ để luyện tập.

Sau đấy lại thâu vào băng ghi âm. Nghe cuốn băng ấy, cảm thấy rất dễ nghe, rất náo nhiệt, nhưng hoàn toàn chẳng thanh tịnh. Đủ thấy rằng, nó hoàn toàn chẳng phù hợp với âm điệu do Ngài Pháp Chiếu truyền lại. Ngài Pháp Chiếu gặp Văn Thù Bồ Tát xong, sợ trong tương lai sẽ tìm Bồ Tát chẳng được, nên trên đường trở về đã đánh dấu dọc theo lối đi.

Mải miết đi, quay đầu nhìn lại thì đã là một dải núi hoang, thứ gì cũng chẳng có. Phi hành gia Mỹ sau khi đáp xuống mặt trăng, chỉ thấy một vùng hoang vu.

Có người hỏi tôi, trong tương lai, khi tụng công khóa sáng tối, có còn niệm Nguyệt Quang Bồ Tát hay không?

Tôi nói: Vẫn phải niệm. Vì Nguyệt Quang Bồ Tát ở trong nguyệt cung, phi hành gia đến đó, không thấy được Ngài, cũng giống như Đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát được lập tại núi Ngũ Đài, nhưng chúng ta cũng chẳng tìm được.

Trong Tam muội thủy sám, Ngộ Đạt Quốc Sư tìm kiếm Đạo tràng của Tôn Giả Ca Nặc Ca tại Tây Thục, Đạo tràng của Tôn Giả cũng là vàng ngọc chói ngời. Sáng hôm sau, Sư dùng nước rửa vết ghẻ hình mặt người xong thì trong nháy mắt, chẳng thấy Đạo tràng đâu nữa.

Do đây có thể biết rằng: Phàm phu gặp được Thánh Giả thì phải có duyên phận đặc biệt thù thắng. Đâu Suất Thiên là Phàm Thánh đồng cư độ, chia thành hai viện nội và ngoại. Ngoại viện là chỗ phàm phu cư trụ, Di Lặc Bồ Tát trụ trong nội viện. Đệ Tứ thiền cũng là Phàm Thánh đồng cư độ, trong ấy có Ngũ Bất Hoàn Thiên, phàm phu cũng chẳng thấy được.

Trong lục đạo có ba chỗ là Phàm Thánh đồng cư độ. Phàm Thánh đồng cư độ trong Thế Giới Cực Lạc khác hẳn, toàn là người niệm Phật vãng sanh tu Tịnh nghiệp, đôi bên chẳng bị ngăn ngại. Đây chính là chỗ thù thắng của Cõi Đồng cư bên Tây Phương.

Kiến hoặc và tư hoặc chẳng dễ diệt trừ, bước đầu tiên chỉ là phục đoạn khuất phục, chế ngự. Đoạn được kiến hoặc và tư hoặc liền chứng quả A La Hán, sanh vào Cõi Phương tiện hữu dư. Hễ có ý niệm thì là phiền não, bất luận ý niệm nào, thiện hay ác đều chẳng màng, ý niệm thứ nhất vừa khởi lên thì ngay lập tức dùng một câu A Di Đà Phật để đè nó xuống.

Cổ nhân ví von dùng đá đè cỏ, chỉ cần đè xuống được thì niệm Phật dễ thành phiến. Trong thực tế, lúc bình thường, vọng niệm rất nhiều, nhưng ta hoàn toàn chẳng nhận biết, tốt nhất là đừng quan tâm tới nó. Nếu chú ý tới vọng tưởng, đâm ra càng nhiều vọng tưởng hơn.

Hãy mặc kệ nó, dốc sự chú ý vào Phật hiệu. Đại khái là trong thời gian tàn một cây hương, tức là trong một tiếng rưỡi, có dăm ba vọng tưởng thì coi như công phu đã khá lắm. Niệm năm năm mới được như thế. Nếu trong vòng một cây hương mà không có vọng tưởng thì cũng phải tốn công phu tám năm hay mười năm.

Công khóa sáng tối mỗi ngày nhất định không được thiếu sót, còn tán niệm ở đây có nghĩa là niệm Phật ngoài thời khóa nhất định có thể niệm nhiều hơn hay ít hơn. Tại Mỹ, công việc bận bịu, áp lực nặng nề, khóa tối khóa sáng hạn định thời gian càng ít càng hay. Tốt nhất là dùng cách Thập niệm.

Cứ hết một hơi là một niệm, mặt hướng về phương Tây, mười hơi mất chừng năm phút là đủ rồi, chẳng trở ngại công việc. Người niệm Phật biết trước lúc mất, không bệnh tật mà qua đời, chỉ cần chế phục phiền não là có thể đạt được điều ấy. Nhưng chúng ta khó đạt được sự nhất tâm và nhất tâm.

Nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh Độ, nhất tâm nhất ý muốn thấy A Di Đà Phật. Ý chí hết sức mạnh mẽ, ắt sẽ có cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Ra đi nghiêm túc, đẹp đẽ, ra đi tự tại, đấy chính là phước báo lớn nhất.

b. Trì chí sự nhất tâm bất loạn, kiến tư nhậm vận tiên lạc, tắc sanh Phương tiện hữu dư tịnh độ. Trì đến mức sự nhất tâm bất loạn, kiến hoặc và tư hoặc tùy ý đoạn trước một thứ nào, sẽ sanh về Phương tiện hữu dư tịnh độ. Điều kiện để sanh vào Cõi Phương tiện hữu dư là phải đoạn được kiến tư hoặc.

Trong phần trước, tôi đã có nói: Kiến hoặc là ác kiến do mê lý, do phân biệt khởi lên, là tác dụng tâm lý thuộc phương diện tri thức, căn nguyên chủ yếu là ngã kiến. Tư hoặc là ác kiến do mê sự, tự nhiên khởi lên, thuộc về tác dụng tâm lý trên mặt sinh hoạt, căn nguyên chủ yếu là ba độc tham, sân, si. Kiến hoặc và tư hoặc là căn bản phiền não, còn gọi là phiền não chướng.

Trong Cõi Phương tiện hữu dư của các Thế Giới trong mười phương Chư Phật có chín loại người cùng sống. Theo cách giảng giải của Tông Thiên Thai, Thanh Văn và Duyên Giác trong Tạng Giáo.

Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát thuộc Thông Giáo, cộng chung là năm loại người, những người thuộc Tam Hiền, tức Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng trong Biệt giáo, thêm vào Thập tín của Viên giáo thành chín loại người trong Cõi Phương tiện hữu dư. Những vị ấy đều đã đoạn kiến hoặc và tư hoặc, sanh vào Phương tiện hữu dư độ.

Người niệm Phật chẳng cần nghĩ tới những danh tướng và các cách giảng giải trong Kinh Giáo. Bốn cõi, ba bậc vãng sanh đều chẳng cần nghĩ tới, chỉ nên thật thà niệm một câu Phật hiệu. Công phu sâu sẽ tự nhiên đoạn được phiền não, đó gọi là nhậm vận, tùy ý. Đừng suy tưởng mình có thể đạt được nhất tâm hay không, càng nghĩ sẽ càng xen tạp.

Sự nhất tâm bất loạn: Sự là hoàn toàn luận theo sự tướng, nhất là thuần nhất, loạn là tạp loạn. Vọng niệm sanh khởi do vô ý, chính mình chẳng thể khống chế được thì hoàn toàn chẳng quan trọng chi cả. Nếu hữu ý sanh khởi vọng niệm như tu pháp môn niệm Phật mà lại tính Tham Thiền, lại toan học Mật, nhất định sẽ nẩy sanh chướng ngại.

Do vậy, niệm Phật phải có ý chí kiên định, bất cứ ai khuyên đổi sang học pháp môn nào khác đều chẳng nghe theo. Niệm Phật sao cho từng câu rõ ràng, từng chữ phân minh, tâm chẳng lìa Phật, Phật chẳng lìa tâm, tâm liền biến thành Phật. Tâm này là Phật, tâm này làm Phật, duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà, không chỉ đoạn được kiến hoặc, tư hoặc, mà trần sa hay vô minh cũng tùy ý đoạn được.

Lý nhất tâm bất loạn, khoát phá vô minh nhất phẩm, nãi chí tứ thập nhất phẩm, tắc sanh Thật báo trang nghiêm.

Lý nhất tâm bất loạn là phá rỗng toang từ một phẩm vô minh cho đến bốn mươi mốt phẩm vô minh, sẽ sanh vào Thật báo trang nghiêm: Cõi Thật báo trang nghiêm còn gọi là Cõi Thật báo vô chướng ngại. Lý là tâm tánh, tức là như Thiền Tông gọi là minh tâm kiến tánh. Thiền Tông dùng phương pháp tham cứu, chúng ta dùng một câu Phật hiệu cũng có thể đạt đến cảnh giới ấy. So ra, niệm Phật thuận tiện, đơn giản hơn.

Niệm Phật có sự niệmlý niệm. Người thượng căn lợi trí có cơ sở lý luận là lý niệm. Kẻ hạ ngu chuyện gì cũng chẳng hiểu thuộc về sự niệm. Nếu là sự niệm mà niệm đến mức phá một phẩm vô minh thì cũng là do sự niệm mà đạt đến lý niệm, cảnh giới ấy và minh tâm kiến tánh chẳng hai, chẳng khác.

Lý nhất tâm bất loạn có bốn mươi mốt tầng bậc khác nhau, mức độ đoạn vô minh trong mỗi tầng cấp cao thấp khác nhau. Đoạn sạch bốn mươi mốt phẩm vô minh sẽ thành Phật trong Viên giáo, rốt ráo viên mãn vô thượng bồ đề. Thường Tịch quang là lý thể, vô tướng. Ba cõi kia là sự tướng.

Thường là pháp thân, tịchđịnh, tức giải thoát, quang là trí huệ, tức bát nhã. 

Bổn tánh chân tâm của chúng ta trọn đủ ba thứ đức viên mãn này: Pháp thân có thể hiện hết thảy cõi nước, hữu tình và vô tình trong mười phương Thế giới đều do tâm tánh biến hiện ra. Đấy gọi là pháp thân đức. Tịch là giải thoát tự tại, tâm tánh vốn tự tại.

Chúng ta tợ hồ bị phiền não trói buộc, chứ thật ra phiền não ở chỗ nào?

Tìm phiền não chẳng thể được. Phàm tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng. Tâm tánh vốn tự tại, đấy là giải thoát đức. Quang là trí huệ, thế gian và xuất thế gian đều do tự tánh biến hiện, lẽ ra là không gì chẳng biết, nhưng lại biến thành sự hiểu biết hữu hạn, lỗi là do sở tri chướng.

Đức Phật giảng Bát Nhã trong một khoảng thời gian dài nhất, giảng đến hai mươi hai năm. Bát Nhã là nói vô tri. Chân trí huệ là vô tri, vô tri chính là vô sở bất tri, không gì chẳng biết. Chỉ sợ hữu tri, hữu tri chính là hữu sở bất tri, có cái không biết.

Nếu có sở tri, có cái để biết thì chỉ là biết một tí ti mà thôi. Trí huệ viên mãn vốn sẵn có trong bổn tánh của chính mình, chẳng phải do từ bên ngoài đưa tới. Các tông, các phái trong Phật Giáo đều tu định, trong định quyết chẳng thể có một vọng niệm nào.

Hễ có, sẽ trở thành chướng ngại. Khi đạt đến mức một niệm chẳng sanh thì hết thảy đức năng trong tâm tánh sẽ hoàn toàn khôi phục. Câu kết luận cuối cùng trong Tâm Kinh là vô trí, diệc vô đắc, vô trí nên cũng vô đắc. Đắc là do phiền não mà có, sở tri chướng là do hiểu biết mà có. Vô tri thì sở tri chướng bị gạt bỏ, vô đắc thì phiền não chướng bị dẹp trừ.

Hằng ngày niệm Tâm Kinh, mà nếu chẳng thể đề cao cảnh tỉnh, hiểu thấu chân nghĩa của Kinh ấy thì đã uổng công niệm mất rồi.

Bất thoái có bốn nghĩa:

1. Niệm bất thoái: Phá vô minh, hiển Phật tánh, kính sanh Thật báo, phần chứng Tịch quang.

Phá vô minh, hiển Phật tánh, mau chóng sanh sang cõi Thật báo, chứng một phần Tịch quang. Trong Pháp đại thừa, bậc chứng niệm bất thoái là pháp thân Bồ Tát, trong Viên giáo là từ Sơ trụ trở lên, trong Biệt giáo là từ Sơ địa Bồ Tát trở lên, đều là niệm bất thoái. Xét theo công phu đoạn chứng, các vị Bồ Tát này đã phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân.

Trong bốn cõi Tây Phương Tịnh Độ, họ sanh vào Thật báo trang nghiêm độ. Thường Tịch quang là lý thể, ba cõi trước đó là sự tướng. Lý không đâu chẳng tồn tại, nhưng trong Cõi Đồng cư và Cõi Phương tiện, không có cách nào nhận thức lý thể, mà cũng chẳng thể cảm nhận được.

Sanh về Cõi Thật báo mới có thể cảm nhận lý thể, đó gọi là lý sự viên dung, tánh tướng bất nhị. Trong Kinh đại thừa gọi là thân và cõi chẳng hai thân độ bất nhị.

Nghe đã quen tai, nhưng không có cách nào thấu hiểu được. Đạt đến Cõi Thật báo sẽ đích thân chứng đắc. Chữ niệm trong niệm bất thoái nghĩa là chánh niệm, niệm niệm đều tiến hướng vô thượng bồ đề. Hiện thời, nếu chúng ta hữu niệm thì cũng là vọng niệm, mà nếu vô niệm thì lại là vô minh.

2. Hạnh bất thoái: Kiến tư ký lạc, trần sa dĩ phá, sanh Phương tiện độ, tấn xu cực quả.

kiến hoặc và tư hoặc đã đoạn, trần sa đã phá, sanh vào Cõi Phương tiện, tiến hướng quả tột cùng. Bồ Tát tu Lục độ vạn hạnh, chẳng bị lui sụt xuống nhị thừa. Quyền giáo Bồ Tát vẫn có thể lui sụt xuống nhị thừa, do vì thấy chúng sanh khó độ, hạng Bồ Tát ấy không có tánh nhẫn nại, thường hay ngã lòng. Đại thừa Bồ Tát trọn đủ định huệ, chẳng bị lui sụt xuống nhị thừa.

Đức Phật bảo chúng ta: Nhị thừa chẳng thể thành Phật.

Để thành Phật thì nhất định phải là lý sự viên dung, sự sự vô ngại. Nhị thừa có chướng ngại, chẳng viên dung, tự mình tu rất khá, nhưng chẳng thể cùng đại chúng tiếp xúc, họ cảm thấy chẳng thể chịu đựng phiền rộn được.

Do vậy, muốn thành bồ đề thì phải chứng vô chướng ngại pháp giới như trong Kinh Hoa Nghiêm đã giảng, ắt phải tiếp xúc chúng sanh trong chín pháp giới. Tiếp xúc chúng sanh là tu hành, phải tu sao cho những điều mình không vừa ý trở thành vừa ý. Phải trừ cho sạch phiền não, phải diệt trừ cho hết.

Bồ Tát tu Lục độ, độ chúng sanh cũng là độ chính mình. Bất luận trong hoàn cảnh nào thì chính mình cũng đều có lợi. Quán sát trên sự thật, điều cần thiết trước nhất là phải tu khổ hạnh, đối với hết thảy những gì chẳng vừa ý, hãy nên tu nhẫn nhục Ba la mật, tu thiền định Ba la mật. Cuối cùng, lại phải tu trong thuận cảnh, nếu chuyện gì cũng vừa lòng toại ý sẽ dễ dàng giải đãi.

Thuận cảnh còn làm cho con người bị lui sụt dữ dội hơn, do thỏa mãn với tình cảnh hiện thời, cái tâm dũng mãnh hướng thượng không còn nữa. Trong các vị đệ tử Phật tham dự hội Bát Nhã, Tôn Giả Tu Bồ Đề tượng trưng cho khổ hạnh, Sơ Tổ Thiền Tông là Tôn Giả Đại Ca Diếp cũng tượng trưng cho khổ hạnh, đều là được rèn luyện trong nghịch cảnh. Trong hội Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử được rèn luyện trong thuận cảnh.

Trong nghịch cảnh tu nhẫn nhục, phá trừ tâm nóng giận, trong thuận cảnh đoạn tham ái. Khi Thiện Tài Đồng Tử sanh ra, trong nhà bảy báu trồi lên. Trong thuận cảnh, tu trì khó khăn hơn trong nghịch cảnh. Bất luận thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều phải dùng những cảnh đó để đoạn tham, sân, si.

3. Vị bất thoái: Đới nghiệp vãng sanh, tại Đồng Cư độ, Liên Hoa thác chất, vĩnh đoạn thoái duyên.

Đới nghiệp vãng sanh trong Cõi Đồng cư, gởi thân nơi hoa sen, vĩnh viễn đoạn trừ duyên gây lui sụt. Từ ngữ vị bất thoái chỉ quả vị của Thánh Nhân. Bậc Sơ quả trong tiểu thừa đã chứng vị bất thoái, chẳng còn lui sụt xuống hàng phàm phu. Sau khi chứng được Sơ quả, sẽ sanh trở lại trong nhân gian hay trên Cõi Trời bảy lần, liền chứng quả A La Hán.

Kinh Phật nói để thành Phật phải mất ba đại A tăng kỳ kiếp, tính từ lúc nào?

Phải tính từ lúc đắc Sơ quả. Nếu không như vậy thì có thể là người tu hành lại lui sụt xuống lục đạo luân hồi. Trong các Kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm, Vô Lượng Thọ, Đức Phật đều nói chúng ta có duyên phận với Phật chính là do thiện căn đã tu tập trong đời đời kiếp kiếp từ vô lượng kiếp đến nay.

Vì sao vẫn chưa thành Phật?

Vì từ trước đến nay chưa hề chứng được Sơ quả. Kinh Hoa Nghiêm nói để thành Phật phải tốn vô lượng kiếp, cũng là vì chẳng tính từ vị bất thoái. Chứng đắc vị bất thoái hoàn toàn chưa lìa khỏi tam giới, nhưng chẳng còn là phàm phu, chỉ qua lại trong đường Trời người, trọn chẳng đọa trong tam đồ.

Làm thế nào mới có thể chứng được địa vị vị bất thoái?

Phật dạy đối với kiến tư hoặc, phải đoạn được tám mươi tám phẩm kiến hoặc trong tam giới. Trong bốn mươi tám nguyện, nguyện thứ mười tám là mười niệm ắt sanh là nói về mười niệm lúc lâm chung.

Lâm chung mà có thể niệm Phật cũng chẳng đơn giản, ắt phải hội đủ ba điều kiện:

1. Thần trí tỉnh táo.

2. Có thiện tri thức nhắc nhở đúng lúc.

3. Nghe xong có thể thật sự làm theo.

Chẳng phải ai cũng có đủ ba điều kiện trên đây, nhất định lúc bình thường phải nỗ lực, đừng mang tâm cầu may. Hễ mê hoặc liền đọa vào tam ác đạo. Nếu thần trí tỉnh táo, sẽ chẳng đọa trong tam đồ. Vì thế, lúc bình thường phải giữ lòng làm lợi chúng sanh, tu phước làm đầu.

Chúng ta quá nửa có thể sanh về Cõi Đồng cư, chứng vị bất thoái. Thế Giới Ta Bà này cũng là Cõi Phàm Thánh đồng cư, nhưng chúng ta chưa chứng được vị bất thoái. Sau khi sanh về Cõi Đồng cư của Tây Phương, liền chứng vị bất thoái. Đủ thấy Tây Phương thù thắng hơn Ta Bà.

Càng thù thắng hơn nữa là trong Tây Phương, sanh về một cõi liền sanh hết thảy cõi, chứng được một thứ, liền chứng hết thảy, đồng thời chứng trọn vẹn ba thứ bất thoái.

Tây Phương thù thắng như thế là vì ba lý do lớn:

1. Sanh về Tây Phương sẽ hằng ngày gặp Phật.

2. Luôn luôn nghe pháp, chẳng riêng gì Phật, Bồ Tát thuyết pháp, mà sáu trần, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều thuyết pháp.

3. Thường cùng các vị Đại Bồ Tát ở chung một chỗ.

Ở trong hoàn cảnh như vậy, sẽ không có nhân duyên gây thoái chuyển. Trong Thế Giới Ta Bà, rất khó được nghe chánh pháp, ác tri thức đông đảo, thiện tri thức ít ỏi. Vì thế, dễ bị thoái chuyển.

4. Tất Cánh bất thoái: Bất luận chí tâm, tán tâm, hữu tâm, vô tâm, hoặc giải, bất giải, đản Di Đà danh hiệu, hoặc lục phương Phật danh, thử Kinh danh tự, nhất Kinh ư nhĩ, giả sử thiên vạn kiếp hậu, tất cánh nhân tư độ thoát bất luận chí tâm hay tán tâm, hữu tâm hay vô tâm, hiểu hoặc chẳng hiểu, chỉ cần danh hiệu Di Đà, hoặc danh hiệu của Chư Phật trong sáu phương và tên gọi Kinh này, vừa nghe thoảng qua tai, giả sử ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo sẽ do điều này mà được độ thoát.

Chí tâm là nhất tâm, chân thành tâm. Tán tâm là có xen tạp. Bất luận hữu tâm hay vô tâm, hiểu hoặc chẳng hiểu, chỉ cần nghe được một tiếng Phật hiệu hoặc tựa đề Kinh, liền gieo được hạt giống thành Phật, trong tương lai sớm muộn gì cũng có thể bước vào cửa Phật, tu hành, chứng quả.

Kinh Pháp Hoa chép: Khi Đức Phật tại thế, có một cụ già muốn theo Phật xuất gia. Những đệ tử Phật đã chứng A La Hán, có túc mạng thông biết được quá khứ, vị lai, quán sát thấy cụ già ấy trong năm trăm đời chẳng có thiện căn nên không chịu thu nhận. Cụ già buồn khóc, chẳng chịu bỏ đi. Đức Phật trông thấy, liền kêu cụ già lại, cho cụ xuống tóc.

Đức Phật bảo các đệ tử: Trong vô lượng kiếp trước, cụ già này làm tiều phu, lên núi đẵn củi, gặp một con mãnh hổ, bí quá, trèo lên cây, vô tình kêu lên một tiếng Nam Mô Phật. Có nhân duyên như vậy, đời này cơ duyên chín muồi, phát tâm xuất gia. Cụ già ấy về sau chứng quả A La Hán.

Nhất sanh bổ Phật, thị vị bất thoái, tức dĩ viên chứng tam bất thoái. Trong một đời được bổ xứ thành Phật, là vị bất thoái, tức là đã chứng trọn vẹn ba thứ bất thoái. Mấy câu này hết sức trọng yếu, ắt phải ghi nhớ thật kỹ. Không những chính mình sẽ có thể thật sự phát khởi nguyện vọng cầu sanh Tịnh Độ, mà còn có thể giải đáp cho không ít người nghi hoặc.

Những điều này là sự thù thắng tối cực, các pháp môn khác không có sự nhanh chóng như thế này. Như các Kinh đại thừa, tiểu thừa thường giảng, sau khi chứng được quả Tu Đà Hoàn phải trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp hoặc vô lượng kiếp mới có thể thành Phật, chẳng thể nào thành tựu ngay trong một đời.

Chỉ riêng pháp môn niệm Phật, trong một đời sanh về Thế Giới Cực Lạc, liền ở cùng một chỗ với các vị Bổ xứ Đẳng giác Bồ Tát, cũng đồng thời chứng trọn vẹn ba thứ bất thoái.

Trong Thế Giới Ta Bà, chứng vị bất thoái là tiểu thừa Tu Đà Hoàn, chứng hạnh bất thoái là đại thừa Bồ Tát, chứng niệm bất thoái là pháp thân Đại Sĩ, phân định rất rành mạch. Hễ sanh về Tây Phương Thế Giới liền hoàn toàn chứng được cả ba thứ bất thoái này.

Cuối cùng, Ngẫu Ích Đại Sư khích lệ chúng ta. Trong hết thảy Kinh Luận được Đức Phật giảng trong bốn mươi chín năm đều không có thuyết chứng trọn vẹn ba thứ bất thoái, trong mười phương Thế giới của Chư Phật cũng không có tình trạng này. Ngài lại dùng Thiền Tông để so sánh.

Thiền Tông là đốn ngộ, nhưng chẳng thể đoạn sạch tập khí phiền não ngay trong một đời, phải đời đời kiếp kiếp chẳng lui sụt thì mới hòng đoạn sạch. Trong Thiền Tông, sau khi triệt ngộ, đời đời chẳng lui sụt chẳng phải là chuyện dễ dàng.

Trong lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, những vị đại triệt đại ngộ bên Thiền Tông, đến đời sau bị thoái chuyển rất nhiều. Có một câu chuyện rất nổi tiếng là Tam Sanh Thạch, hòn đá ba đời kể về Thiền Sư Viên Trạch.

Sư có thể biết quá khứ và vị lai, vẫn chẳng thể tránh khỏi đời sau đầu thai. May mắn là Sư chẳng bị mê khi cách ấm, nhớ được chuyện đời trước, nhưng vẫn phải luân hồi để tiếp tục tu.

Khi thay đổi thân thể này, Sư chẳng có cơ hội ở cùng một chỗ với các vị đại Bồ Tát, mà cũng chẳng thể viên chứng ba thứ bất thoái. Bởi lẽ, trong Thiền Tông, hễ có tu trì thì trong đời thứ hai sẽ có phước, có huệ, có thể sẽ là đại phú, đại quý, rồi lại đầu thai, càng đầu thai, càng mê, tình cảnh mỗi ngày một tệ hơn. Đấy chính là nguyên nhân vì sao để thành Phật phải mất vô lượng kiếp.

A Di Đà Phật!

***