Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ YẾU GIẢI GIẢNG KÝ - TẬP BỐN - B

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ  

YẾU GIẢI GIẢNG KÝ

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP BỐN - B

4.1. TỰ PHẦN

4.1.1. THÔNG TỰ
 

Kinh như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá Vệ quốc, Kỳ Thụ, Cấp Cô Độc viên.

Giải như thị tiêu tín nguyện, ngã văn tiêu sư thừa, nhất thời tiêu cơ cảm, Phật tiêu giáo chủ. Xá Vệ đẳng tiêu thuyết Kinh xứ dã. Thật tướng diệu lý cổ kim bất biến, danh như. Y thật tướng lý, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, quyết định vô phi, viết thị.

Thật tướng phi ngã, phi vô ngã, A Nan bất hoại giả danh, cố nhưng xưng ngã. Nhĩ căn phát sanh nhĩ thức, thân linh viên âm, như không ấn không, danh văn. Thời vô thực pháp, dĩ sư tư đạo hợp, thuyết thính châu túc, danh nhất thời. Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, Nhân Thiên Đại Sư, danh Phật. Xá Vệ, thử vân văn vật, Trung Ấn Độ đại quốc chi danh, Ba Tư Nặc vương sở đô dã.

Nặc vương Thái Tử danh Kỳ Đà, thử vân Chiến Thắng. Nặc vương Đại Thần danh Tu Đạt Đa, thử vân Cấp Cô Độc. Cấp Cô Trưởng Giả, bố kim mãi Thái Tử viên, cúng Phật cập Tăng. Kỳ Đà cảm thán, thí dư vị bố thiểu địa. Cố tịnh danh Kỳ Thụ Cấp Cô Độc viên dã.

Chánh Kinh: Ta nghe như thế này, một thời Đức Phật ngự tại nước Xá Vệ, trong vườn ông Cấp Cô Độc, cây của Thái Tử Kỳ Đà.

Giải: Chữ như thị nêu bày tín nguyện, ngã văn nêu Sư thừa, nhất thời nêu sự cơ cảm. Chữ Phật nói về vị giáo chủ. Xá Vệ... chỉ ra chỗ nói Kinh. Diệu lý thật tướng xưa nay chẳng biến đổi, nên gọi là Như. Nương vào lý thật tướng để niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, quyết định chẳng sai, thì gọi là thị.

Thật tướng chẳng phải là ngã, chẳng phải là vô ngã, nhưng Ngài A Nan chẳng bỏ giả danh nên vẫn xưng là ngã ta. Căn tai phát sanh ra nhĩ thức, đích thân nghe viên âm, giống như hư không in vào hư không, nên gọi là văn nghe. Thời không phải là pháp thật có, do thầy và trò đạo hợp, người nói kẻ nghe xong xuôi thì gọi là nhất thời.

Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, là Bậc Đại Sư của người và Trời thì gọi là Phật. Xá Vệ, cõi này Trung Hoa dịch là Văn Vật, là tên một nước lớn ở Trung Ấn Độ, Kinh Đô của Vua Ba Tư Nặc. Thái Tử của Vua Ba Tư Nặc tên là Kỳ Đà, cõi này dịch là Chiến Thắng.

Đại thần của Vua Ba Tư Nặc tên là Tu Đạt Đa, cõi này dịch là Cấp Cô Độc. Trưởng giả Cấp Cô Độc trải vàng lót đất để mua khu vườn của Thái Tử hòng lập Tinh Xá cúng Phật và Tăng. Kỳ Đà cảm động, than thở, bố thí chút đất còn lại chưa kịp lót vàng, nên gọi gộp chung khu vườn ấy là Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên.

Thuở ấy, Đức Thế Tôn giảng Kinh thuyết pháp hoàn toàn chẳng ghi chép, giống như cách Khổng Lão Phu Tử dạy học tại Trung Quốc. Sau khi Đức Phật nhập diệt, các đệ tử nhận thấy những pháp trọng yếu do thầy đã nói ra lúc Ngài còn tại thế, nếu không được chỉnh lý, ghi chép, gìn giữ thì do năm tháng lâu xa có thể bị thất truyền. Do vậy, các vị đệ tử cùng suy cử Ngài A Nan chủ trì chuyện này.

A Nan, Ānanda là em họ của Đức Thế Tôn, lại còn là thị giả. A Nan giáng sanh nhằm ngày Đức Thế Tôn thành đạo nên mới được đặt tên là A Nan, Khánh Hỷ. Đức Thế Tôn giảng Kinh đã hai mươi năm rồi A Nan mới xuất gia.

Những Kinh đã được giảng trước đó, A Nan chưa từng nghe qua, nên trong lúc xuất gia, Ngài đã xin Đức Phật đem những Kinh đã giảng trước đó nhắc lại một lượt, Phật chấp thuận.

Lại có thuyết nói Ngài A Nan tu đắc pháp tánh giác tự tại tam muội, có thể từ trong định, thấu triệt hết thảy các pháp. Vì thế, khi kết tập Pháp Tạng, đại chúng ắt phải suy cử A Nan. Trong khi kết tập, có năm trăm vị A La Hán tham gia, họ đều là đệ tử của Đức Thế Tôn khi Ngài còn tại thế.

Họ đặt ra một quy định: Ngài A Nan lên tòa thuật lại nội dung của Kinh Giáo do Đức Phật đã giảng khi Ngài còn tại thế, nếu có một người nào dị nghị một chữ hay một từ ngữ nào, thì phải bỏ từ ngữ ấy đi, không ghi lại.

Điều này nhằm giữ chữ tín với đời sau, chứ không phải là thiểu số phục tùng đa số. Trong hội, Ngài A Nan vừa lên pháp tòa, liền được Phật lực gia trì, tướng mạo rất giống Phật, người tham dự ngỡ là Phật lại xuất thế, hoặc là Phật từ phương khác đến, hoặc A Nan đã thành Phật.

Đến khi A Nan nói câu thứ nhất như thị ngã văn, mọi mối nghi nhanh chóng hóa giải. Các Kinh Điển vừa mở đầu, ắt đều có những câu như như thị ngã văn, một thời Đức Phật ở chỗ đó, và bao nhiêu người cùng nhóm họp v.v... giống như biên bản cuộc họp.

Những câu ấy gọi là chứng tín tự lời tựa để chứng thực nhằm tạo lòng tin. Kế đến, những lời tường thuật nhân duyên phát khởi của Pháp Hội, được gọi là phát khởi tự.

Như thị ngã văn có nghĩa là tôi, A Nan đích thân nghe Đức Phật nói như vậy, tôi chỉ nhắc lại, chẳng tăng thêm, chẳng giảm bớt.

Đối với chữ nhất thời, lúc tôi mới học Phật đã hoài nghi: Cớ sao không viết rõ năm tháng?

Lúc Phật tại thế, Ấn Độ còn thuộc thời kỳ bộ lạc, các nước lớn nhỏ rất nhiều, mỗi nước có lịch pháp, cách tính lịch riêng. Tại Trung Quốc, vào thời nhà Thương, nhà Châu, cũng có rất nhiều bộ lạc, nhưng nguyên tắc tính lịch giống nhau.

Hai chữ nhất thời nêu bày sự cơ cảm, nghĩa là khi chúng sanh và Phật cảm ứng đạo giao thì sẽ giống như đảo ngược thời gian, có thể quay về quá khứ. Trí Giả Đại Sư là người đời Tùy, cách Phật hơn một ngàn năm.

Khi Ngài đọc Kinh Pháp Hoa đến phẩm Dược Vương, nhập định, thấy Phật còn đang giảng Kinh Pháp Hoa ở núi Linh Thứu, Ngài nghe hết một buổi giảng.

Sau khi xuất định, kể với đại chúng: Một hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan. Nhất là nhất tâm, nhất tâm là chân tâm, không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Phật là vị chủ giảng, còn giảng đường là Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên. Thật tướng diệu lý, cổ kim bất biến, danh Như.

Diệu lý thật tướng xưa nay chẳng đổi, nên gọi là như: Thật tướng là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ, lý trong ấy mầu nhiệm tột bậc. Trong Kinh đại thừa thường nói đến thể, tướng, dụng. Thể là lý thể, tướng là hiện tượng, dụng là tác dụng. Một mà ba, tuy ba nhưng là một. Như là vĩnh viễn chẳng biến đổi.

Y thật tướng lý, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, quyết định vô phi, viết thị.

Nương theo lý thật tướng, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ quyết định chẳng sai, thì gọi là thị. Đủ thấy chuyện niệm Phật có căn cứ lý luận, căn cứ lý luận ấy cao tột nhất, chân thật nhất, viên mãn nhất. Nếu hoàn toàn thấu hiểu, chẳng hoài nghi thì chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật sẽ là thật tướng niệm Phật. Chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn chính là thật tướng niệm Phật.

Nếu vẫn còn có tơ hào gì không thể buông xuống hoặc hoài nghi thì chẳng phải là thật tướng niệm Phật, mà là sự niệm. Sự niệm chân chánh thì cũng tốt, sự niệm mà niệm đến mức công phu thành phiến hay nhất tâm bất loạn thì cũng có thể vãng sanh giống như thật tướng niệm Phật.

Sanh về Tây Phương rồi mới hiểu rõ ràng thì cũng chẳng chậm trễ gì. Thật tướng là bổn tánh chân tâm của chính mình, Cổ Đức nói tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ. Di Đà và Tịnh Độ là sự tướng, tâm tánh là thật tướng. Tâm tánh là như, Di Đà và Tịnh Độ là thị. Thân thể của chúng ta do tự tánh biến hiện ra, mười phương vô lượng vô biên cõi nước chỉ do tâm biến hiện.

Đông đảo chúng sanh, núi, sông, đại địa chỉ do tâm biến hiện. Chân tâm biến hiện chân độ, chân thân, cõi thật, thân thật, vọng tâm biến hiện huyễn độ, huyễn thân. Thân, tâm, thế giới của chúng ta hư huyễn, hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng. Huyễn là biến hóa trong từng sát na. Chân là chẳng biến đổi. Tây Phương Thế Giới do chân tâm của chúng ta biến hiện ra.

Cái tâm vọng tưởng sanh diệt trong từng sát na. Vì vậy, thế giới của chúng ta là thế giới sanh diệt. Thiền căn cứ trên đạo lý này để tu tập, Giáo cũng căn cứ trên đạo lý này để tu tập, niệm Phật cũng không ngoài lệ ấy. Pháp môn tuy nhiều, khác đường, nhưng cùng về một chỗ. Thật tướng niệm Phật chính là dùng cái tâm chân thành để niệm Phật.

Trong Độc Thư Bút Ký, bút ký đọc sách, tiên sinh Tăng Quốc Phiên đã định nghĩa chữ thành như sau: Nhất niệm bất sanh vị chi thành. Một niệm chẳng sanh gọi là thành. Trong cái tâm niệm Phật không có tạp niệm, vứt bỏ hết thảy các vọng duyên, chẳng cần nghĩ đến quá khứ, vị lai, hết thảy đều chẳng nghĩ tới, chân tâm liền hiển lộ. Trong tâm có ngã thì là vọng niệm.

Nếu trong tâm có vô ngã thì cũng là vọng niệm. Có và không là đối lập. Không và hữu cũng là đối lập. Cả hai đằng đều chẳng phải là thanh tịnh thật sự.

Bất đắc dĩ, Lục Tổ phải nói:

Bổn lai vô nhất vật.

Vốn chẳng có một vật.

Bổn lai vô nhất vật cũng chẳng có, bất cứ thứ gì cũng đều chẳng nói tới, đấy mới là tánh đức hoàn toàn hiển lộ. Phàm phu suốt ngày từ sáng đến tối khởi vọng tưởng, chấp trước thân này là ta, nhân, ngã, thị, phi trói buộc không ngừng.

Nếu Phật trụ trong cảnh giới chân thật, một câu cũng chẳng nói thì làm sao chúng sanh có thể khai ngộ?

Ắt phải tùy thuận chúng sanh mà nói thì mọi người mới có thể hiểu được. Mọi người đều nói thân thể này là ngã, Phật cũng nói ngã, do tùy thuận chúng sanh mà Phật nói có ngã, chứ Ngài trọn chẳng chấp trước ngã. Phật là nói mà chẳng nói, không nói mà nói. A Nan chẳng hoại giả danh nên vẫn xưng là ngã.

Nhĩ Căn tiếp xúc với âm thanh bên ngoài thì thì sự nhận biết âm thanh gọi là nhĩ thức, cũng gọi là liễu biệt, nhận biết, phân biệt rõ ràng. Thân linh viên âm tức là Ngài A Nan đích thân nghe lời Đức Phật giảng.

Như không ấn không, danh văn: Tâm địa vĩnh viễn thanh tịnh, giống như hư không in vào hư không nên gọi là nghe. Thời gian và không gian đều chẳng phải là thực tại, thời có quá khứ, hiện tại, vị lai, không có bốn phương, trên, dưới, đều phát sanh từ những khái niệm trừu tượng, trong Bách Pháp Minh Môn Luận chúng được xếp vào bất tương ứng hành pháp.

Bách Pháp, một trăm pháp được chia thành năm loại:

1. Tâm Pháp, tức hiện tượng tâm lý.

2. Tâm sở pháp, tức tác dụng tâm lý.

3. Sắc pháp, tức vật chất.

4. Tâm bất tương ứng hành pháp, tức những pháp chẳng thuộc về tâm, chẳng phải là tâm sở, mà cũng chẳng phải là vật chất, mà là những thứ trừu tượng.

5. Vô vi pháp, tức là những pháp vô sanh vô diệt. Sư tư đạo hợp, tức là người dạy và kẻ học giúp nhau tăng tấn, người dạy và kẻ học khế hợp thì gọi là đạo hợp.

Giáo là những chỉ dạy từ tâm tánh lưu lộ, nhất cử nhất động đều là những phương tiện để dạy học, khiến cho học trò thấu hiểu những ý nghĩa được bao hàm trong lời chỉ dạy, nghe và nói xong xuôi, trọn vẹn, cơ duyên tương hợp thì gọi là nhất thời.

Thiện Đạo Đại Sư nói: Chín phẩm vãng sanh nói chung là do gặp duyên khác nhau. Ngày nay, chúng ta có duyên gặp gỡ thù thắng khôn sánh, ai nấy đều có phần thượng phẩm vãng sanh. Suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật là người phước đức lớn bậc nhất.

Của cải, quyền lợi, tiếng tăm, địa vị trong thế gian đều là giả, chỉ đến khi lâm chung, A Di Đà Phật tới tiếp đón mới là thật. Đời người khổ sở, ngắn ngủi, sanh tử nhọc nhằn, phải gắng hết sức tự cứu, tối thiểu cũng phải cứu độ người nhà, quyến thuộc. Chỉ cần sanh về Tây Phương, bất luận gia quyến, thân thuộc đang ở trong thế giới nào, đọa vào đường nào, ta đều có thể trông thấy, lại còn có năng lực giúp đỡ họ.

Nếu chẳng sanh về Tịnh Độ, đợi tới khi cái thân nghiệp báo chấm dứt, ai nấy phải thuận theo nghiệp lực mà lưu chuyển, mà cũng chẳng ai giúp đỡ ai được.

Phật là dịch âm của từ ngữ Phật đà da, người Hoa thích đơn giản, nên gọi là Phật. Phật có nghĩa là giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Tự giác thuộc tiểu thừa, chỉ cầu tốt lành cho riêng thân mình. Giác tha là Bồ Tát, có tâm từ bi, tự động giáo hóa chúng sanh, làm bạn chẳng thỉnh của họ. Giác hạnh viên mãn là Phật.

Chữ viên mãn không nói về số người được độ, mà là luận theo tâm tánh. Tâm tánh của chúng ta có ba thứ phiền não, một là kiến tư phiền não, hai thứ kia là trần sa và vô minh. Người tự giác đã đoạn được kiến tư phiền não. Bậc giác tha có thể đoạn thêm trần sa, tự hành, dạy người. Đoạn sạch kiến, tư, trần sa, vô minh, liền viên mãn thành Phật.

Chữ Đại trong từ ngữ Đại Sư có tánh chất bình đẳng. Phật xưng là Đại Sư vì đối đãi hết thảy chúng sanh bình đẳng giống hệt như nhau.

Bồ Tát chưa đoạn hết vô minh nên chẳng thể xưng là Đại Sư, chỉ có thể xưng là Đại Sĩ hoặc Chánh Sĩ. Đối với người xuất gia lại càng chớ nên gọi là Đại Sư, chỉ có thể gọi là Pháp Sư. Trí Giả Đại Sư là do con cháu tông Thiên Thai tôn kính gọi Ngài như thế. Nếu Tổ Sư biết, nhất định sẽ quở trách bọn họ.

Xá Vệ Srāvastī là tên một nước lớn ở Ấn Độ, là dịch âm của tiếng Phạn, có nghĩa là Văn Vật, tức là có rất nhiều danh nhân, trình độ văn hóa cao, sản vật phong phú. Xá Vệ là thủ đô của Vua Ba Tư Nặc Prasenajit. Thái Tử của Vua Ba Tư Nặc tên là Kỳ Đà, Jeta Kumāra, Hán dịch là Chiến Thắng. Xưa kia, Vua cùng nước khác giao chiến, khi Vua khải hoàn thì Thái Tử Hạ Sanh.

Vua Ba Tư Nặc có một Đại Thần tên là Tu Đạt Đa Sudatta, dịch nghĩa thành Cấp Cô Độc, Anāthapindada, thích điều lành, ưa bố thí, thích cứu giúp kẻ nghèo khổ.

Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe Phật Thích Ca là một vị có học vấn, muốn mời Ngài sang đại thành Xá Vệ để giảng Kinh, thuyết pháp. Đức Phật có một ngàn hai trăm năm mươi lăm môn đệ, cần có một chỗ rộng lớn để dừng chân. Cuối cùng, ông ta thấy hoa viên của Thái Tử Kỳ Đà rất thích hợp, nhà cửa cũng rất nhiều, bèn thương lượng với Thái Tử để mua lại.

Thái Tử liền nói đùa với trưởng giả Cấp Cô Độc: Nghe nói nhà ông có rất nhiều vàng. Nếu ông đem vàng lót khắp hoa viên của ta thì ta sẽ bán cho ông. Trưởng giả Cấp Cô Độc tin thật, liền sai thợ chuyển vàng đến lót đất.

Thái Tử lại hỏi vì sao mua khu vườn này trịnh trọng đến như thế?

Ông ta nói: Tôi thỉnh Phật Thích Ca sang đây giảng Kinh, thuyết pháp.

Thái Tử nghe nói liền hết sức cảm động, bảo: Công đức này do hai người chúng ta cùng làm, đất trong vườn tính là của ông, còn cây cối coi như của tôi. 

Vì thế, khu vườn ấy được gọi là Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên Jetavane Anāthapindikassa Ārāma: Vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của Thái Tử Kỳ Đà. Đức Phật cũng chẳng phụ lòng bọn họ, trụ ở nơi ấy rất lâu, rất nhiều bộ Kinh trọng yếu của đại thừa đã được giảng tại khu vườn này.

Giải Thanh Văn cư thủ giả, xuất thế tướng cố, thường tùy tùng cố, Phật Pháp lại Tăng truyền cố. Bồ Tát cư trung giả, tướng bất định cố, bất thường tùy cố, biểu trung đạo nghĩa cố. Thiên Nhân liệt hậu giả, thế gian tướng cố, phàm thánh phẩm tạp cố, ngoại hộ chức cố.

Giải: Thanh Văn được xếp lên đầu trong hàng thính chúng nghe pháp vì mang hình tướng xuất thế, vì là những người thường theo Phật, vì Phật Pháp phải nhờ vào Tăng để lưu truyền.

Bồ Tát được xếp vào giữa, vì hình tướng bất định, vì chẳng thường theo Phật, vì nhằm biểu thị ý nghĩa trung đạo. Trời người được kể sau cùng, vì mang hình tướng thế gian, vì phẩm vị Thánh phàm xen tạp, vì mang chức trách làm người bảo vệ bên ngoài.

Đoạn văn chú giải này nhằm giảng rõ đại chúng tham dự hội được xếp theo thứ tự thuận: Thanh Văn được xếp vào vị trí thứ nhất, vì là đệ tử tiểu thừa của Phật, đều là hàng xuất gia, thường theo học với Đức Phật, họ còn được gọi là thường tùy chúng.

Phật Pháp nhờ vào Tăng đoàn để duy trì, truyền thừa, nên đặc biệt tôn trọng Tăng Chúng. Vì thế, xếp họ vào địa vị thứ nhất. Các vị Bồ Tát thường thay thầy giáo hóa tại một phương.

Ở Trung Quốc, thờ phụng bốn vị Đại Bồ Tát: Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, và Địa Tạng. Trong ấy, chỉ có Địa Tạng Bồ Tát mang hình tướng xuất gia, ba vị kia đều là hình tướng tại gia. Người xuất gia ở Trung Quốc đại đa số thọ Bồ Tát Giới, đầy đủ thân phận Bồ Tát, khác với hàng Tỳ Kheo theo truyền thống Phật Giáo Nam truyền.

Bồ Tát cũng biểu thị trung đạo, chẳng trụ trong sanh tử, chẳng trụ vào Niết Bàn, tùy duyên hóa độ chúng sanh. Lục đạo phàm phu trụ trong sanh tử, không có cách gì thoát lìa luân hồi.

Bậc tiểu thừa chứng đến Tứ Quả A La Hán, vượt thoát tam giới, trụ trong Niết Bàn. Thiên Nhân được xếp cuối cùng, là một trong tứ chúng, phần nhiều là đệ tử tại gia quy y Phật, phẩm loại rất tạp.

Như trong năm mươi ba lần tham học của Kinh Hoa Nghiêm, chỉ có năm vị trong số các vị thiện tri thức là người xuất gia, những vị còn lại đều là tại gia Bồ Tát, thân phận, các ngành nghề, già, trẻ, trai, gái đều có. Vì thế, học Phật chẳng trở ngại bất cứ nghề nghiệp nào.

Kinh Dữ Đại Tỳ Kheo Tăng, thiên nhị bách ngũ thập nhân câu. Giải Đại Tỳ Kheo, thọ cụ giới xuất gia nhân dã. Tỳ Kheo Phạn ngữ, hàm tam nghĩa. Nhất khất sĩ, nhất bát tư thân, vô sở súc tàng, chuyên cầu xuất yếu. Nhị phá ác, chánh huệ quán sát, phá phiền não ác, bất đọa ái kiến. Tam bố ma, phát tâm thọ giới, Yết Ma thành tựu, ma tức bố dã.

Tăng giả, cụ vân Tăng Già, thử phiên hòa hợp chúng. Đồng chứng vô vi giải thoát danh lý hòa. Thân đồng trụ, khẩu vô tránh, ý đồng duyệt, kiến đồng giải, giới đồng tu, lợi đồng quân, danh sự hòa dã.

Thiên nhị bách ngũ thập Nhân Giả, tam Ca Diếp, sư tư cộng Thiên Nhân, Thân Tử, Mục Liên, sư tư nhị bách nhân, Da Xá tử đẳng, ngũ thập nhân, giai Phật thành đạo, tiên đắc độ thoát, cảm Phật thâm ân, thường tùy tùng dã.

Chánh Kinh: Cùng với các vị Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người nhóm họp.

Giải: Đại Tỳ Kheo là hạng xuất gia thọ Cụ Túc Giới. Tiếng Phạn Tỳ Kheo Bhiksu gồm ba nghĩa:

1. Khất Sĩ: Một bát nuôi thân, không tích cóp gì, chuyên cầu pháp yếu xuất thế.

2. Phá Ác: Chánh huệ quán sát, phá ác phiền não, chẳng đọa vào ái kiến.

3. Bố Ma làm cho ma kinh sợ: Phát tâm thọ giới, tác pháp Yết Ma thành tựu, ma liền kinh sợ.

Tăng, gọi đủ là Tăng Già, Sangha, cõi này dịch là hòa hợp chúng. Cùng chứng sự giải thoát vô vi thì gọi là lý hòa hòa hợp về mặt lý. Thân cùng ở, miệng không tranh cãi, tâm ý cùng vui vẻ, cùng hiểu biết giống như nhau, cùng tu giới như nhau, chia sẻ quyền lợi đồng đều thì gọi là sự hòa.

Một ngàn hai trăm năm mươi người là thầy trò ba vị Ca Diếp gồm một ngàn người, thầy trò hai vị Xá Lợi Phất và Mục Liên gồm hai trăm người, nhóm ông Da Xá gồm năm mươi người, đều là những người được độ thoát trước nhất sau khi Phật thành đạo, cảm kích ân Phật sâu đậm, thường theo hầu.

Trước chữ Tỳ Kheo, thêm vào chữ Đại, tức là hàng Tỳ Kheo đại thừa, cũng tức là đại thừa Bồ Tát. Kinh này là Kinh Điển đại thừa. Tỳ Kheo là người xuất gia thọ cụ túc giới.

Chữ Tỳ Kheo, bhiksu có ba nghĩa:

1. Khất Sĩ: Khất là ôm bát xin thức ăn để sống, Sĩ là người đọc sách. Ở Trung Quốc, người xin xỏ để sống gọi là khất cái, ăn mày bị người khác coi thường. Tại Ấn Độ, Khất Sĩ có học vấn, có đạo đức, được người khác tôn kính, bối cảnh văn hóa khác nhau. Đức Phật chế định toàn bộ tài sản của người xuất gia là ba y một bát.

Tại Ấn Độ, khí hậu nóng, ba y là đủ dùng. Vĩ độ của Trung Quốc nằm lệch về phía Bắc địa cầu, ba y chẳng đủ để chống rét. Do vậy, Tăng Ni Phật Giáo mặc theo y phục Trung Quốc, lúc bình thường liền mặc hải thanh. Áo hải thanh chính là lối phục sức của người có học thời Hán.

Khi gặp Pháp Hội, điển lễ, khoác thêm một tấm Cà Sa ra ngoài. So với y Cà Sa Ấn Độ, y Cà Sa theo kiểu Trung Quốc được rút nhỏ, chỉ bằng một phần ba, dùng vòng và móc để treo trên thân.

Pháp Sư Nhật Bản mặc âu phục, Cà Sa lại còn nhỏ hơn, chỉ có một, hai tấc, cất trong túi đựng âu phục. Khi có Pháp Hội mới lấy ra đeo vào, đủ thấy năng lực thích ứng của Phật Giáo hết sức viên dung, đạt đến mức độ địa phương hóa và hiện đại hóa. Sau khi xuất gia bèn không có nhà, không lo, không nghĩ, chẳng vướng mắc gì, tâm mới an định, có thể đạt đến tam muội hiện tiền.

Chuyên cầu xuất yếu: Xuất là xuất ly tam giới, yếu là phương pháp tu học trọng yếu nhất, chí hướng xuất gia nằm ở chỗ này. Do vậy, đối với hết thảy pháp thế gian đều chớ nên lưu luyến. Trong quá khứ, có thể thực hiện điều này thuận lợi, chỉ cần xuất gia, thọ giới, bất cứ Tự Viện, am đường nào đều có thể quải đơn nhập chúng tu học.

Mỗi một Đạo tràng có đạo phong, học phong đặc thù. Trung Quốc có nhiều tông phái, người xuất gia muốn tu học một pháp môn nào đó đều có thể đến tham học.

Phật Pháp truyền sang Trung Quốc gần hai ngàn năm, lâu ngày sanh ra thói tệ. Những thập phương tùng lâm vào thời cổ về sau này biến thành tử tôn miếu, tức là chỉ truyền lại cho đồ tử, đồ tôn, đời đời truyền cho nhau, hoàn toàn chẳng dung nạp người ngoài.

Đến nay, đạo phong thời cổ đã tan sạch chẳng còn, bó buộc người xuất gia chẳng thể không tích cóp, chẳng thể không có trụ xứ. Hiện tại, người xuất gia đã gần giống như người tại gia.

Trong thời đại to lớn này, người xuất gia tuy phải tích cóp để cầu sinh tồn, về mặt sthì có thể chấp nhận được, nhưng trong tâm chớ nên thường giữ ý niệm ấy, mà cũng chớ nên tham nhiều. Nếu không, lúc lâm chung A Di Đà Phật đến đón, quý vị còn có nhà cửa, đất đai, cổ phiếu đầu tư, đô la Mỹ cả đống, chẳng bằng lòng theo Phật về Tây Phương.

2. Phá ác: Phá phiền não ác, chẳng đọa trong ái kiến. Câu này chỉ chung hai thứ kiến hoặctư hoặc. Trong phần sau sẽ giải thích tường tận.

3. Bố Ma, làm cho ma sợ hãi: Chữ Ma thường chỉ Thiên Ma giống như Ba Tuần Māra pāpman Tự Tại Thiên Vương, tam giới, lục đạo đều bị ông ta thống trị. Nếu có một người nào đó xuất gia tu đạo thì dân chúng thuộc quyền cai quản của ông ta lại bị hụt đi một người, Ma Vương cảm thấy sợ hãi.

Yết Ma, Kárma là tiếng Phạn, dịch nghĩa là tác pháp, tức là cử hành nghi thức, trịnh trọng tuyên thệ, tiếp nhận lời răn dạy của Đức Phật, y giáo phụng hành, hòng lìa thoát tam giới. Hiện tại, có người xuất gia tuy đã thọ giới trong giới đàn, nhưng tâm chẳng xuất ly, chưa chắc ma đã sợ hãi.

Ngẫu Ích Đại Sư sống vào cuối đời Minh, tịch vào đầu đời Thanh. Thuở trẻ, Ngài học giáo pháp Thiên Thai, nghiên cứu giới luật rất sâu. Theo lời Ngài nói, ở Trung Quốc, từ sau thời Nam Tống đã không còn người xuất gia nữa.

Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni thọ giới thì tối thiểu phải có năm vị Tỳ Kheo truyền giới thì mới được coi là đắc giới. Bồ Tát giới và những giới khác thì có thể chính mình đối trước Phật tuyên thệ liền đắc giới.

Ngẫu Ích Đại Sư sau khi thọ Tỳ Kheo giới, hiểu rõ sự thật này, tự mình trả lui giới, chẳng dám xưng là Tỳ Kheo, chỉ xưng là Bồ Tát Giới Sa Di. Đồ đệ của Ngài là Pháp Sư Thành Thời biên soạn toàn tập các tác phẩm của Đại Sư, cũng chẳng dám sử dụng cách xưng hô của thầy, mà xưng là xuất gia Ưu Bà Tắc. Hiện thời, thật sự giữ trọn Ngũ giới, Thập thiện là đã hết sức đáng phục rồi.

Tăng giả, cụ vân Tăng Già, Tăng, nói đầy đủ là Tăng Già, còn dịch là hòa hợp chúng. Hòa hợp chúng phải tuân thủ bảy điều răn. Thứ nhất là lý hòa hòa hợp về mặt lý, tức là cùng chứng vô vi giải thoát.

Có cùng một nguyện vọng: Liễu sanh tử, thoát tam giới. Điều này thuộc về lý hòa.

Ngoài ra, còn có sáu điều thuộc về mặt sự:

1. Thân đồng trụ: Tức cùng ở trong một đơn vị học tập như Tự Viện hoặc Học Viện.

2. Khẩu vô tranh: Tức là trong lời ăn tiếng nói không có sự tranh chấp.

3. Ý đồng duyệt: Đối xử với nhau một cách dung thông, hòa hợp, vẻ mặt vui vẻ.

4. Kiến đồng giải: Có cách nhìn giống nhau, kiến lập một sự hiểu biết chung đối với nguyên tắc, phương pháp, cảnh giới tu học.

5. Giới đồng tu: Giới là quy ước, mọi phương diện của cuộc sống đều có những khuôn phép.

6. Lợi đồng quân: Cuộc sống vật chất bình đẳng, không có đặc quyền, giai cấp.

Bốn vị xuất gia cùng tu với nhau tại một chỗ thì gọi là Tăng đoàn. Nếu trong nhà có bốn người cùng tu với nhau ở một chỗ thì cũng gọi là Tăng đoàn. Tăng có nghĩa là đoàn thể, nghĩa gốc của từ ngữ này không nhằm chỉ riêng người xuất gia. Tăng đoàn xuất hiện trong thế gian, hy hữu, khó được, nhất định được Chư Phật hộ trì, long thiên thủ hộ.

Không những Tăng đoàn có phước mà địa phương nơi họ ở cũng được hưởng lây. Người chân chánh tu hành chính là người có đại phước đức.

Kinh Dịch có câu: Tam nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim.

Ba người đồng lòng, sắc bén cắt đứt vàng. Những vị minh quân khai quốc của Trung Quốc bất quá là vài người ít ỏi, đồng tâm hợp tác mà đoạt được thiên hạ.

Trong quá khứ, lão cư sĩ Triệu Mậu Lâm ở Đài Bắc mời tôi dùng cơm tại Công Đức Lâm, nói đến vấn đề Tăng đoàn, cụ nói: Con người hiện thời tạo tội nghiệp phá hòa hợp Tăng, tương lai phải đọa vào địa ngục A tỳ, phải làm như thế nào đây?

Tôi nói: Cụ thấy ở đâu có hòa hợp Tăng vậy?

Cụ nghe hỏi xong cũng cười xòa. Thường tùy chúng của Phật có một ngàn hai trăm năm mươi vị, ngoài ra còn có năm vị nữa, nhưng bỏ đi con số lẻ nên chỉ nói là một ngàn hai trăm năm mươi. Tam Ca Diếp là ba anh em họ Ca Diếp, họ đều là lãnh tụ Tôn giáo thuở ấy, chính họ có tín đồ.

Người lớn nhất tên là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Uruvilvā kāśyapa và đệ tử của Ngài là năm trăm người. Hai em trai của Ngài là Ca Da Ca Diếp, Gayā kāśyapa, còn phiên âm là Già Da Ca Diếp và Na Đề Ca Diếp Nadī kāśyapa, mỗi vị kể cả thầy lẫn trò gồm hai trăm năm mươi người, tất cả là năm trăm người. Gộp chung số người của ba vị Ca Diếp thành một ngàn người. Thân Tử chính là Ngài Xá Lợi Phất.

Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cùng với các đồ đệ, tính chung là hai trăm người. Ngoài ra, lại thêm năm mươi người thuộc nhóm Da Xá Tử, Yaśa, lại kể thêm năm vị Tỳ Kheo đầu tiên, tức nhóm Ngài Kiều Trần Như, tổng cộng là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người. Các vị này là thường tùy chúng, suốt một đời Đức Phật, họ thường vây quanh bên Phật, mãi cho đến khi Phật nhập Niết Bàn mới tách ra.

Kinh Giai thị đại A La Hán, chúng sở tri thức.

Giải A La Hán diệc hàm tam nghĩa: Nhất, Ứng Cúng, tức khất sĩ quả. Nhị, sát tặc, tức phá ác quả. Tam, vô sanh, tức bố ma quả. Phục hữu huệ giải thoát, câu giải thoát, vô nghi giải thoát, tam chủng bất đồng.

Kim thị vô nghi giải thoát, cố danh đại. Hựu, bổn thị pháp thân Đại Sĩ, thị tác Thanh Văn, chứng thử Tịnh Độ bất tư nghị pháp, cố danh đại dã. Tùng Phật chuyển luân, quảng lợi Nhân Thiên, cố danh chúng sở tri thức.

Chánh Kinh: Đều là đại A La Hán, được mọi người hay biết.

Giải: A La Hán cũng gồm ba nghĩa:

1. Ứng Cúng: Là quả của Khất Sĩ.

2. Sát Tặc: Là quả của phá ác.

3. Vô Sanh: Là quả của Bố Ma.

Lại có huệ giải thoát, câu giải thoát, vô nghi giải thoát, ba thứ khác nhau. Những vị được nói ở đây là vô nghi giải thoát, nên gọi là đại. Lại nữa, họ vốn là pháp thân Đại Sĩ, thị hiện làm Thanh Văn để chứng pháp môn Tịnh Độ chẳng thể nghĩ bàn này, nên gọi là đại. Theo Phật Chuyển Pháp Luân lợi lạc rộng khắp hàng Nhân Thiên nên được đại chúng nhận biết.

Những vị thường tùy chúng ấy đều là Đại A La Hán Mahā Arhat. Chữ đại này chỉ hàng đại thừa A La Hán. A là Vô, La Hán là Học, A La Hán được gọi là vô học, không còn gì để học nữa, mang ý nghĩa đã tốt nghiệp.

Hàng tiểu thừa đã đoạn xong kiến tư phiền não liền gọi là vô học. Trong đại thừa, đạt đến Bậc Pháp Vân Địa thì mới học xong, cũng gọi là vô học. Lên cao hơn nữa là Đẳng giác Bồ Tát, sau đó được bổ làm Phật, cũng gọi là Bổ Xứ Bồ Tát. Tỳ Kheo chính là nhân của A La Hán, La Hán là quả địa.

Từ ngữ A La Hán cũng bao hàm ba nghĩa:

1. Ứng Cúng: Xứng đáng tiếp nhận sự cúng dường của đại chúng. Trong khi tu nhân, khi đạo đức, học vấn chưa thành thục, xin ăn để duy trì mạng sống của chính mình, xin pháp để vun bồi huệ mạng của chính mình. Sanh mạng là do cha mẹ mà có, huệ mạng nhờ thầy mà có. Khi đã viên mãn quả vị, liền đáng nhận lãnh sự cúng dường.

2. Sát Tặc, giết giặc: Có người vừa trông thấy điều này liền cho rằng giới thứ nhất của nhà Phật là không sát sanh, vậy mà La Hán là Sát Tặc. Điều này do tiên sinh Phương Hào nói, ông ta là linh mục Thiên Chúa Giáo, là viện trưởng viện văn học Chánh Đại, là hàng xóm của tôi.

Có một hôm, ông ta hỏi tôi câu này, ông ta chẳng biết chữ tặc ở đây là phiền não tặc giặc phiền não. Ba thứ phiền não kiến tư, trần sa, vô minh chướng ngại trí huệ, đức năng trong tự tánh, nên gọi là tặc.

3. Vô sanh: Vĩnh viễn nhập Niết Bàn, chẳng còn mắc quả báo sanh tử. Lục đạo phàm phu có sanh tử luân hồi, khổ chẳng thể nói được. Chính mình không có năng lực giải quyết cho xong vấn đề sanh tử này. Do vậy, Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong cõi đời. Trong đám chúng sanh đông đảo có một số người nghĩ đến chuyện liễu sanh tử, Phật liền dạy họ đạo xuất ly tam giới.

A La Hán lại còn có mức độ cạn sâu khác nhau, chia thành ba loại lớn:

1. Tạng Giáo A La Hán, Huệ giải thoát La Hán: Nương theo tứ niệm xứ để tu, tức là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Đấy là vũ trụ nhân sinh quan thuộc về pháp tiểu thừa. Pháp đại thừa cũng chẳng ra ngoài những điều này.

Vì thế, Tứ niệm xứ chung cho đại thừa lẫn tiểu thừa. Tông Thiên Thai giảng điều này hết sức tường tận, họ dựa theo Tạng, Thông, Biệt, Viên để giải thích bốn loại Tứ niệm xứ. Do vậy, ba mươi bảy đạo phẩm đều là pháp chung cho cả đại thừa lẫn tiểu thừa.

2. Câu giải thoát La Hán: Người tu học Thiền định trong pháp đại thừa, chế phục phiền não, dùng thiền định rất sâu có thể đoạn được phiền não. Tứ Thiền, Bát định được gọi là thế gian Thiền định. Công phu của Bậc tiểu thừa La Hán tu đến mức Cửu Thứ Đệ định, liền có thể vượt khỏi tam giới.

3. Vô nghi giải thoát La Hán: Hai loại trước chẳng thể so sánh với công phu định lực, trí huệ, cảnh giới của các vị A La Hán thuộc loại này được. Các vị này đều đại khai viên giải, hết thảy mọi vấn đề nghi nan đều có thể giải đáp, vì thế gọi là Vô nghi, họ chính là pháp thân Đại Sĩ.

Một vị Phật xuất thế, ngàn vị Phật ủng hộ. Một mình Đức Phật Thích Ca đóng vai chánh, còn những vị khác đóng vai phụ. Trong những vai phụ, có rất nhiều vị là cổ Phật tái lai, Phật Phật Đạo đồng, ủng hộ lẫn nhau, trọn không tranh chấp danh phận. Hết thảy nhằm phá mê khai ngộ cho chúng sanh, khiến họ lìa khổ, được vui.

Từ ngữ pháp thân Đại Sĩ chỉ chung các vị đã phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân. Trong Biệt giáo là từ Sơ địa Bồ Tát trở lên, trong Viên giáo là từ Sơ trụ trở lên.

Kinh này thuộc vào Viên giáo, giống như Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa. Pháp thân Đại Sĩ có bốn mươi mốt tầng cấp, tức Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, và Đẳng Giác.

Họ thị hiện làm Thanh Văn, hoặc làm quốc vương, đại thần, như Vua Ba Tư Nặc, Thái Tử Kỳ Đà, trưởng giả Cấp Cô Độc đều là hàng pháp thân Đại Sĩ biến hiện, tới biểu diễn, chứ phàm phu chẳng thể làm được. Phật nói Pháp chẳng thể nghĩ bàn, những vị ấy đến làm chứng, giúp đỡ Phật chuyển pháp luân.

Những tiêu chí, symbol thường thấy nhất trong Phật Giáo là ba thứ: Bánh xe, luân tượng trưng cho viên mãn. Hoa sen biểu thị thanh tịnh. Chữ Vạn biểu thị cát tường.

Phật Pháp giảng giải chân lý, tức là thật tướng của các pháp. Chân tướng chẳng phải có, chẳng phải không. Luân, bánh xe tròn khắp nhưng tìm chẳng được tâm, hiển thị không hữu bất nhị, không và hữu như một. Tác dụng của Luân là phải chuyển động.

Chuyển pháp luân có ba nghĩa:

1. Luân có ý nghĩa nghiền nát, giống như xe ủi lô, xe hủ lô, sánh ví Phật Pháp có khả năng cán phẳng phiền não trong tâm.

2. Luân có ý nghĩa chuyên chở. Phật Pháp có thể chở chúng sanh từ đường nẻo sanh tử sang cảnh giới Niết Bàn bất sanh bất diệt. Chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ, pháp môn này có thể chuyên chở chúng ta từ đời ác ngũ trược sang Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

3. Luân mang ý nghĩa viên mãn vì bánh xe có căm, có trục, có vành. Trong thuở Đức Phật Thích Ca thị hiện trong Thế giới này, xét về mặt hình tích, chẳng khác gì con người, cũng do cha mẹ sanh ra, được hưởng sự giáo dục tốt đẹp, xuất gia, tu hành, chứng đạo, rồi mới đi các nơi hoằng pháp.

Nhưng mọi nơi đều cần Đức Phật thuyết pháp, giảng đạo, Phật có rất nhiều đệ tử, các vị ấy có học vấn, có đạo đức, đi các nơi giúp Phật hoằng hóa, nên quen hết thảy đại chúng.

Kinh Trưởng Lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lỵ Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà. Như thị đẳng Chư Đại đệ tử.

Giải Đức lạp câu tôn, cố danh trưởng lão. Thân Tử Tôn Giả, Thanh Văn chúng trung, trí huệ đệ nhất. Mục Liên Tôn Giả, thần thông đệ nhất. Ẩm Quang Tôn Giả, thân hữu kim quang, truyền Phật tâm ấn, vi Sơ Tổ, Đầu Đà hạnh đệ nhất. Văn Sức Tôn Giả, Bà La Môn chủng, luận nghị đệ nhất.

Đại Tất Tôn Giả, đáp vấn đệ nhất. Tinh Tú Tôn Giả, vô đảo loạn đệ nhất. Kế Đạo Tôn Giả, nhân căn độn, cẩn trì nhất kệ, biện tài vô tận, nghĩa trì đệ nhất. Hỷ Tôn Giả, Phật chi thân đệ, nghi dung đệ nhất. Khánh Hỷ Tôn Giả, Phật chi đường đệ, phục vi thị giả, đa văn đệ nhất.

Phú Chướng Tôn Giả, Phật chi Thái Tử, mật hạnh đệ nhất. Ngưu Ty Tôn Giả, túc thế ác khẩu, cảm thử dư báo, thọ thiên cúng dường đệ nhất. Bất Động Tôn Giả, cửu trụ thế gian, ứng mạt thế cúng, phước điền đệ nhất.

Hắc Quang Tôn Giả, vi Phật sứ giả, giáo hóa đệ nhất. Phòng Tú Tôn Giả, tri tinh tú đệ nhất. Thiện Dung Tôn Giả, thọ mạng đệ nhất. Vô Bần Tôn Giả, diệc Phật đường đệ, Thiên Nhãn đệ nhất. Thử đẳng Thường Tùy Chúng, bổn pháp thân Đại Sĩ, thị tác Thanh Văn, vi Ảnh Hưởng Chúng. Kim văn Tịnh Độ, nhiếp thọ công đức, đắc Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn chi ích.

Chánh Kinh: Trưởng Lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lỵ Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà. Các vị đại đệ tử như thế.

Giải: Đức hạnh và tuổi hạ đều đáng tôn trọng, nên gọi là Trưởng Lão. Tôn Giả Thân Tử, trong hàng Thanh Văn, trí huệ bậc nhất. Tôn Giả Mục Liên thần thông bậc nhất. Tôn Giả Ẩm Quang thân có ánh sáng vàng ròng, truyền tâm ấn của Phật, là Sơ Tổ Thiền Tông, hành Đầu Đà bậc nhất. Tôn Giả Văn Sức thuộc dòng Bà La Môn, luận nghị bậc nhất. Tôn Giả Đại Tất trả lời câu hỏi bậc nhất.

Tôn Giả Tinh Tú, không điên đảo, không tán loạn bậc nhất. Tôn Giả Kế Đạo do căn cơ chậm lụt, chỉ trì một bài kệ mà biện tài vô tận, nghĩa trì bậc nhất. Tôn Giả Hỷ là em ruột Đức Phật, nghi dung bậc nhất. Tôn Giả Khánh Hỷ là em họ Đức Phật, lại còn là thị giả, đa văn bậc nhất.

Tôn Giả Phú Chướng là Thái Tử của Đức Phật, mật hạnh bậc nhất. Tôn Giả Ngưu Ty, do đời trước ác khẩu, cảm lấy dư báo này, được Chư Thiên cúng dường bậc nhất.

Tôn Giả Bất Động, trụ dài lâu trong thế gian, tiếp nhận cúng dường trong đời mạt pháp, là phước điền bậc nhất. Tôn Giả Hắc Quang là sứ giả của Phật, giáo hóa bậc nhất. Tôn Giả Phòng Tú hiểu tinh tú bậc nhất.

Tôn Giả Thiện Dung thọ mạng bậc nhất. Tôn Giả Vô Bần cũng là em họ của Đức Phật, Thiên Nhãn bậc nhất. Các vị Thường Tùy Chúng này vốn là pháp thân Đại Sĩ, thị hiện làm Thanh Văn, nhằm làm người tạo ảnh hưởng. Nay nghe pháp môn Tịnh Độ, giữ lấy công đức, đắc lợi ích Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, tăng trưởng đạo nghiệp, giảm thiểu sanh tử, tự tịnh cõi Phật, còn gọi là đương cơ chúng.

Thường Tùy Chúng của Đức Phật gồm một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị. Ở đây, chỉ nêu đại lược mười sáu vị đệ tử mang tánh chất đại biểu. Những nhân vật đại biểu trong mỗi bộ Kinh không hoàn toàn giống nhau.

Mỗi vị đại đệ tử đều có sở trường, như vị đầu tiên là Ngài Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất, vị thứ hai là Mục Kiền Liên thần thông bậc nhất, không lẽ Ngài Xá Lợi Phất chẳng có thần thông hay sao?

Ngài Mục Liên chẳng có trí huệ hay sao?

Nhìn xem những vị đệ tử nào được nêu tên ở đầu một bộ Kinh, ta liền biết hội giảng Kinh ấy mang tánh chất nào.

Đức lạp câu tôn, cố xưng Trưởng Lão.

Đức hạnh lẫn tuổi hạ đều đáng tôn trọng, nên gọi là Trưởng Lão. Mười sáu vị Trưởng Lão này đều thị hiện thân phận A La Hán. Có người cho rằng pháp môn niệm Phật là pháp môn tu học của mấy bà cụ già, chứ phần tử trí thức phải nên học Đại Kinh, đại luận của Tướng Tông, Tánh Tông.

Nếu bây giờ họ xem đến Kinh này, nhận thấy bậc trí huệ đệ nhất là Ngài Xá Lợi Phất Śāriputra còn tiếp nhận pháp môn này, khiến cho những ý tưởng tự phụ thường ngày sẽ bị khuất phục.

Vị thứ hai là Mục Kiền Liên, Maudgalyāyana thần thông bậc nhất. Thần thông hết sức gần giống với khoa học kỹ thuật hiện thời, Ngài Mục Liên là chuyên gia.

Vị thứ ba là Ma Ha Ca Diếp, Mahā Kāśyapa: Ẩm Quang Tôn Giả, thân hữu kim quang, truyền Phật tâm ấn Tôn Giả Ẩm Quang, thân có ánh sáng màu vàng ròng, truyền tâm ấn của Phật.

Trong Phật Môn, Thiền Tông được người ta biết đến nhiều nhất. Thoạt đầu, Đức Phật truyền pháp cho Ngài Ca Diếp, Ngài Ca Diếp là Sơ Tổ Thiền Tông. A Nan là Nhị Tổ, truyền đến đời thứ hai mươi tám là Đạt Ma, truyền sang Trung Quốc, truyền đến Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư, Thiền Tông mới được phát huy rực rỡ.

Trước kia, người xuất gia đều là mạnh ai nấy tu, đến thời Mã Tổ kiến lập tùng lâm, Ngài Bách Trượng lập Thanh Quy, đề xướng cộng tu tu chung với nhau thì cách dạy học trong Phật Giáo mới được chế độ hóa hình thành một khuôn mẫu, quy củ nhất định.

Tùng lâm giống như Đại Học Phật Giáo. Thiền Tông nếu chẳng Tu Tịnh Độ, chỉ dựa vào một mình pháp tu Thiền sẽ rất khó thành tựu. Do vậy, đến tuổi xế bóng, các Tổ Sư Thiền Tông chuyên Tu Tịnh Độ rất nhiều. Tôn Giả Ca Diếp khổ hạnh bậc nhất, khổ hạnh là hạnh Đầu Đà.

Vị thứ tư là Ma Ha Ca Chiên Diên, Mahā Katyayana, tức Tôn Giả Văn Sức, thuộc dòng Bà La Môn, xuất thân là quý tộc, luận nghị, bàn luận, biện bác bậc nhất.

Vị thứ năm là Ma Ha Câu Hy La, Mahā Kausthila, tức Tôn Giả Đại Tất, đầu gối to, vấn đáp bậc nhất. Vị này học rộng, nghe nhiều, là cậu của Ngài Xá Lợi Phất. Khi chị của Ngài mang thai Xá Lợi Phất, biện tài vô ngại. Tôn Giả mỗi lần tranh luận cùng chị đều thua, trước kia không như vậy.

Ngài nghĩ đứa bé trong bụng chị ắt hẳn có đại trí huệ, tương lai khi đứa cháu sanh ra, ta làm cậu nó mà biện luận không thắng nổi nó, há chẳng ngượng lắm ư?

Vì thế, gắng sức đọc sách. Tất cả sách vở tại Ấn Độ, gần như Ngài đọc sạch. Do quá siêng khổ, ngay cả móng tay cũng chẳng rảnh rỗi để cắt, nên lại còn được gọi là Trường Trảo Phạm Chí, thầy tu Bà La Môn móng tay dài.

Vị thứ sáu là Ly Bà Đa Revata, tức Tôn Giả Tinh Tú, là bậc không điên đảo, không tán loạn bậc nhất. Cha mẹ Ngài cầu đảo với tinh tú sanh ra Ngài. Vị này tượng trưng cho chánh giác, chẳng mê.

Vị thứ bảy là Châu Lỵ Bàn Đà Già, Śuddhipanthaka, hoặc Cullapatka, tức Tôn Giả Kế Đạo, do độn căn, chỉ trì một bài kệ, biện tài vô tận, nghĩa trì đệ nhất.

Vị Tôn Giả này bẩm tánh rất chậm lụt, trí nhớ kém cỏi lạ lùng. Anh Ngài xuất gia trước, Ngài cũng muốn xuất gia. Người anh bảo hãy đọc bốn câu kệ, Ngài đọc suốt ba tháng vẫn chẳng nhớ được. Người anh liền bảo hãy về nhà, Ngài khóc lóc, chẳng chịu đi. Đức Phật biết được bèn giữ lại, dạy Ngài học hai câu kệ, niệm câu trên, quên tuốt câu dưới. Niệm câu dưới, quên bẵng câu trên.

Đức Thế Tôn biết túc mạng, bảo các đệ tử: Người này đời trước là Tam Tạng Pháp Sư, có thể thuyết pháp, nhưng keo kiệt pháp. Vì thế, đời này mắc quả báo ngu si. Vị thứ tám là Nan Đà, Nanda, tức Tôn Giả Hỷ, là em ruột Đức Phật, là con của Tịnh Phạn Vương, Śuddhodana, hình dung tuấn tú bậc nhất. Đức Phật có ba mươi hai tướng, vị này có ba mươi tướng.

Vị thứ chín là A Nan Đà, Ānanda, tức Tôn Giả Khánh Hỷ, đa văn bậc nhất, là em họ Đức Phật, lại vừa là thị giả, cũng là người chủ trì kết tập Kinh Tạng.

Vị thứ mười là La Hầu La, Rāhula, tức Tôn Giả Phú Chướng, là Thái Tử của Phật, mật hạnh bậc nhất. Ngài nhỏ tuổi, hằng ngày chơi đùa bên ngoài, nhưng trong khi vui chơi thành tựu định huệ của chính mình. Ngài là người có hạnh thật sự, chứ không phô trương ngoài miệng.

Vị thứ mười một là Kiều Phạm Ba Đề, Gavāmpati, tức Tôn Giả Ngưu Ty, trâu nhơi. Phật nói trong quá khứ, khi Ngài là tiểu Sa Di, thấy một vị Tỳ Kheo già tụng Kinh, môi mấp máy, bèn cười nhạo là trông giống như một trâu già đang nhơi cỏ.

Vị Tỳ Kheo già nói: Ta đã chứng được quả A La Hán, ngươi coi thường ta, tương lai ắt bị quả báo. Ngài vội sám hối, nhưng đến đời thứ hai bèn sanh làm trâu suốt cả năm trăm đời. Đời này may được mang thân người, nhưng mồm vẫn còn tập khí nhai nhóp nhép.

Đức Phật dạy Ngài: Ông đừng nên ra ngoài khất thực. Ông đã chứng quả, nếu bị người khác cười nhạo sẽ khiến kẻ ấy mắc tội. Từ nay, ông hãy nên tiếp nhận sự cúng dường của Chư Thiên. Chư Thiên có thiên nhãn, biết Ngài đắc đạo, chẳng cười chê Ngài. 

Vị thứ mười hai là Tân Đầu Lô Phả La Đọa, tức Tôn Giả Bất Động, trụ lâu dài trong thế gian, tiếp nhận sự cúng dường trong đời mạt pháp, là phước điền bậc nhất. Vị Tôn Giả này thích hiển lộ thần thông, bị Phật biết được, bèn trừng phạt bằng cách chẳng cho Ngài Nhập Diệt, mà thường trụ trong thế gian, làm phước điền cho người đời. Vị Tôn Giả này đã hơn ba ngàn tuổi, chẳng lộ thân phận.

Vị thứ mười ba là Ca Lưu Đà Di, Kaludayin, tức Tôn Giả Hắc Quang, giỏi giáo hóa nhất, là sứ giả của Đức Phật, giáo hóa bậc nhất.

Vị thứ mười bốn là Ma Ha Kiếp Tân Na, Mahākapphina, tức Tôn Giả Phòng Tú sao Phòng, thông hiểu tinh tú bậc nhất. Cha mẹ Ngài cầu đảo nơi tinh tú mà sanh ra Ngài. Ngài thông hiểu thiên văn, là một nhà thiên văn.

Vị thứ mười lăm là Bạc Câu La, Vakkula, tức Tôn Giả Thiện Dung, tuổi rất cao, khi ấy đã một trăm sáu mươi tuổi.

Trong quá khứ, vào thời Tỳ Bà Thi Phật, Vipaśyin, Ngài từng cúng dường một vị Tăng bị bệnh, do xuất phát từ lòng chân thành, cảm được quả báo: Trong chín mươi mốt kiếp dung mạo đoan chánh, khỏe mạnh, trường thọ, là bậc thọ mạng đệ nhất, hiển thị thiện nhân, thiện quả. 

Vị thứ mười sáu là A Nậu Lâu Đà, Aniruddha, tức Tôn Giả Vô Bần, cũng là em họ của Đức Phật, thiên nhãn bậc nhất. Trong nhiều kiếp lâu xa trước kia, nhằm thời đói kém, có một vị Bích Chi Phật đi khất thực, xin không được thức ăn. Thức ăn cung cấp năng lượng cho thân thể.

Sự tiêu hao năng lượng của mỗi người khác nhau, nhưng chín mươi phần trăm bị tiêu hao bởi vọng tưởng. Người xuất gia tâm tịnh, vọng tưởng ít, thường trụ trong định thì mỗi ngày ăn một bữa là đủ.

Bậc La Hán mỗi tuần khất thực một lần, Bích Chi Phật định lực càng sâu, nửa tháng mới đi khất thực một lần. Khi vị Bích Chi Phật ấy đi khất thực, Tôn Giả A Nậu Lâu Đà bèn đem một phần lương thực của chính mình cúng dường Bích Chi Phật. Do vậy, Ngài cảm được quả báo chín mươi mốt kiếp chẳng bị nghèo cùng. Đồng thời, Ngài lại là bậc thiên nhãn đệ nhất.

Sau khi xuất gia, Ngài rất giải đãi, trong khi nghe Phật giảng Kinh thường ngủ gục, Đức Phật trông thấy quở trách:

Như bạng cáp nhất loại

Nhất thụy, nhất thiên niên

Bất văn Phật danh tự.

Giống như loài nghêu sò

Ngủ một giấc ngàn năm

Chẳng nghe danh hiệu Phật.

Bị giáo huấn một chập, trong tâm Ngài cảm thấy hết sức khó chịu, bèn liều mạng dụng công, không ngủ suốt bảy ngày bảy đêm, khiến mắt bị mù. Phật dạy Ngài tu một loại định gọi là Nhạo Kiến Quang Minh định. Sau khi tu thành, đắc thiên nhãn thông, có thể thấy được tam thiên đại thiên Thế giới.

Ngẫu Ích Đại Sư phán định Kinh này gồm ba phần tín nguyện hạnh. Trong Tự Phần cũng có ba phần tín nguyện hạnh. Mười sáu vị Tôn Giả này chính là chứng tín, các Ngài đều đáng nêu gương cho chúng ta. Người tu Tịnh Độ thấy người hiền liền mong được bằng.

Nếu cậy mình thông minh thì Ngài Xá Lợi Phất càng thông minh hơn ta, Ngài vẫn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta có lý do nào mà chẳng chịu niệm Phật. Nếu nghĩ mình quá ngu thì nói chung vẫn còn hơn Ngài Châu Lỵ Bàn Đà Già nhiều lắm, Ngài vẫn có thể thành tựu, nên chúng ta tu học ắt cũng có thể thành tựu. Những vị thường tùy chúng khác không được nêu danh đều là pháp thân Đại Sĩ.

Mười sáu vị này chẳng qua là đại diện mà thôi. Tăng đạo, tổn sanh, tăng trưởng đạo nghiệp, giảm thiểu sanh tử, câu văn chú giải này đặc biệt tán thán pháp môn Tịnh Độ. Do đây, có thể biết là những vị suốt đời theo Phật này đều chuyên tu Tịnh Độ.

Trong những Pháp Hội khác, họ làm ảnh hưởng chúng, những người gây ảnh hưởng, trong Tịnh Tông họ là đương cơ chúng, người có căn cơ thích hợp tiếp nhận pháp môn này.

Pháp thân Đại Sĩ tri kiến thuần chánh, triệt để hiểu rõ lý luận, sự thật, phương pháp, cảnh giới, ngộ duy tâm Tịnh Độ, thấy tự tánh Di Đà, không hoài nghi mảy may nào, tăng trưởng đạo nghiệp, đoạn sạch sanh tử luân hồi trong sáu nẻo.

Đồng thời, họ cũng đoạn được biến dịch sanh tử ở ngoài tam giới. Nếu chẳng vãng sanh Tây Phương thì từ địa vị La Hán cho đến khi thành Phật vẫn còn biến dịch sanh tử, sanh về Tây Phương rồi thì mới thật sự đạt được vô lượng thọ.

A Di Đà Phật!

***