Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA - TẬP BẢY - B

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không

TẬP BẢY - B
 

Một niệm bất giác bèn mê, mê rồi bèn sanh ra hiện tượng này, chứ trong thật tế lý thể không có hiện tượng này, thật tế lý thể hiện ra những hình tướng nào?

Trí huệ, đức năng, tướng hảo. Một niệm dấy lên sẽ mê, biến thành tham, sân, si. Thông tin ấy bèn phát sanh. Thật tướng lý thể còn gọi là chân như thật tướng, chân là nói về thể, có thể sanh. Chân là cái bản thể có thể sanh, có thể hiện. Như là nói về tướng, tức hiện tướng tướng được biến hiện. Hiện tướng là tướng được biến hiện từ bản thể.

Hiện tướng và thể chẳng tách rời. Cho nên nói tánh tướng bất nhị. Điều này cũng chẳng dễ hiểu. Xưa nay, Tổ Sư đại đức, trong Kinh Phật cũng có nói, thường dùng vàng và các vật chế bằng vàng để làm tỷ dụ, đem vàng ví với thể. Đúng vậy. Vàng làm thành các món đồ. Đó gọi là như.

Vì sao gọi là như?

Nó là vàng.

Quý vị nói xem: Đem vàng ròng làm thành tràng hạt.

Tràng hạt ấy có phải là vàng hay không?

Là vàng. Đem vàng làm thành nhẫn, làm vòng đeo tay, làm thành chén trà, đều có thể làm được.

Do vậy nói: Tướng cũng như tánh, tánh cũng như tướng, tánh và tướng chẳng hai. Từ tướng, quý vị thấy được vàng, tức là quý vị thật sự biết giá trị. Nếu quý vị chẳng biết giá trị, sẽ tách rời vàng và những món đồ này.

Tôi để cho quý vị chọn lấy vàng, quý vị nhìn vào hết thảy những món đồ này: Không có, ở đây không có vàng.

Vòng đeo tay có phải là vàng hay không?

Cái chén có phải là vàng hay không?

Cái tô có phải là vàng hay không?

Toàn là vàng làm thành.

Bảo quý vị lấy vàng ra, quý vị tìm không được, đó là gì?

Mê rồi. Mê mất tự tánh. Hễ ngộ, bảo quý vị lấy vàng ra, bèn thuận tay cầm lấy, thứ gì cũng đều là vàng. Do vậy, tánh tướng chẳng hai. Tánh không có hình tượng được biến hiện hiện tướng, tuy nó hiện ra hình tượng, nhưng tướng là huyễn tướng, chẳng thật.

Vì thế, trong giáo pháp đại thừa thường nói: Vạn pháp đều là không, trọn chẳng thể được. Đó là thật.

Kinh Kim Cang nói: Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, đều là nói lời thật với quý vị. Đấy là chân như.

Thật tướng: Thật tướng là chân tướng. Quý vị phải nhận biết chân tướng.

Chân tướng là gì?

Trong tướng có tánh, tánh và tướng không tách rời, thật đấy. Tánh không thể được, mà tướng cũng không thể được.

Nếu tánh đã là không thể được, làm sao có thể đạt được tướng?

Do vậy, trong một bộ Đại Bát Nhã sáu trăm quyển, Đức Phật giảng điều gì?

Chính là giảng nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, không thể được.

Hiện tại, phiền não của chúng ta từ đâu mà sanh?

Đã là chẳng thể được mà cứ nhất định muốn đạt được, chẳng phải là quý vị đã tự chuốc phiền đó sao?

Khổ não không có bờ mé. Hễ giác ngộ, khổ não bèn chẳng còn nữa. Đã hiểu rõ chân tướng, chẳng còn chấp trước, chẳng còn dấy vọng tưởng. Thọ, tưởng, hành, thức đều không thể được, đều là giả.

Thọ, tưởng, hành, thức do đâu mà có?

Do tự tánh mà có. Tự tánh có bốn tịnh đức thấy, nghe, hay, biết, chúng là thật. Sau khi mê, từ thấy, nghe, hay, biết sẽ biến thành thọ, tưởng, hành, thức. Chúng ta gọi thọ, tưởng, hành, thức là tâm lý. Tâm lý là giả, chẳng thật. Chân tâm là thanh tịnh. Thanh tịnh, bình đẳng, giác. Đó là chân tâm. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nhất định là vọng tâm.

Trong Kinh nói huệ dĩ chân thật chi lợi, huệ là ban tặng. Chư Phật Như Lai, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong bộ Kinh này đã ban cho chúng ta lợi ích chân thật, cho nên là thuần nhất chân thật.

Bộ Kinh này trụ chân thật huệ, khai hóa hiển thị chân thật chi tế, huệ dĩ chân thật chi lợi, thuần nhất chân thật dã trụ trong chân thật huệ, khai hóa, hiển thị chân thật tế, ban cho lợi ích chân thật, thuần nhất chân thật. Đây là nói Kinh này khế lý.

Không chỉ khế lý, mà còn khế lý viên mãn. Hựu bổn Kinh xưng vi Trung Bổn Hoa Nghiêm Kinh. Kinh này còn được gọi là Kinh Hoa Nghiêm bản trung.

Câu này do Bành Tế Thanh nói, ông ta là người sống trong thời Càn Long Nhà Thanh trước kia, là một vị đại đức trong Phật Môn, thông Tông, thông Giáo, Hiển Mật viên dung, rất lỗi lạc.

Ông ta nói: Kinh Vô Lượng Thọ chính là Trung Bổn Hoa Nghiêm. Nói cách khác, A Di Đà Kinh là tiểu bổn Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm Kinh là đại bổn A Di Đà Kinh. Một mà ba, ba nhưng một, Kinh Hoa Nghiêm giảng tỉ mỉ, Kinh Di Đà nói vắn tắt, thuận tiện cho khóa tụng.

Vì thế, thuở trước, tôi giảng Kinh thường khuyên những đồng học trẻ tuổi: Nếu thật sự muốn giảng giải thấu triệt Tịnh Độ Ngũ Kinh Nhất Luận, nhất định phải học Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là chú giải tỉ mỉ của Ngũ Kinh Nhất Luận, là một, không hai.

Ở đây, Cụ Niệm Tổ dẫn câu nói này, cụ bảo: Kinh trung sở thuyên, tức là những điều được trình bày trong Kinh này, nhất thiết sự lý, tức Hoa Nghiêm chi sự lý vô ngại, sự sự vô ngại chi nhất chân pháp giới hết thảy sự lý chính là nhất chân pháp giới sự lý vô ngại, sự sự vô ngại trong Kinh Hoa Nghiêm.

Đây là nói rõ: Nội dung của Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Hoa Nghiêm chẳng khác nhau. Kinh Hoa Nghiêm nói tỉ mỉ, còn ở đây tức Kinh Vô Lượng Thọ nói những điều giản yếu, tức là nói đơn giản, chú trọng những chỗ quan trọng, mấu chốt. Sau khi đọc bộ Kinh này, tôi chẳng giảng Kinh Hoa Nghiêm nữa.

Tôi thuở trẻ học Kinh Giáo, trong những Kinh được thầy Phương Đông Mỹ tiên sinh giới thiệu cho tôi đọc có Kinh Hoa Nghiêm. Hơn nữa, thầy hết sức coi trọng Kinh Hoa Nghiêm.

Thầy yêu thích, tiên sinh Phương Đông Mỹ ưa thích bộ Kinh này, đặc biệt giới thiệu với tôi, giới thiệu bản chú giải của Thanh Lương Đại Sư, có lý lắm. Tôi nhớ lúc Hoằng Nhất Đại Sư tại thế, giới thiệu Kinh Giáo đại thừa cho những phần tử tri thức học tập, Ngài cũng giới thiệu bản chú sớ Kinh Hoa Nghiêm của Thanh Lương Đại Sư.

Sau khi tiếp xúc, nếu quý vị kiên nhẫn thâm nhập, sẽ có pháp hỷ sung mãn, có thể thụ dụng, nhưng Kinh này quá dài. Trước kia, Hoàng Lão Cư Sĩ vào đầu thập niên sáu mươi chuẩn bị Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ, vào đầu thập niên sáu mươi, tôi cũng bắt đầu giảng Kinh Hoa Nghiêm, cũng giảng suốt mười mấy năm, chỉ giảng được phân nửa. Sau này, giảng Kinh Vô Lượng Thọ, giảng rất hoan hỷ.

Kinh Vô Lượng Thọ đã là Trung Bổn Hoa Nghiêm, tôi chẳng cần phải giảng Hoa Nghiêm nữa. Chính mình đọc Kinh Hoa Nghiêm là được rồi. Vì thế, ngưng lại không giảng nữa.

Tôi cũng thật sự từ Kinh Hoa Nghiêm mà nhận thức Tịnh Độ, chết sạch so đo, khăng khăng tu học pháp môn này. Chuyện này trong các buổi giảng trước đây, tôi đã từng thưa bày cùng quý vị.

Giảng Kinh Hoa Nghiêm lần này là nhân duyên đặc thù, do có ba người khải thỉnh. Người thứ nhất là Pháp Sư Khai Tâm ở Đài Loan, Sư đã vãng sanh.

Thuở trước, khi còn sống, mỗi lần gặp tôi, Sư đều khuyên tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm, bảo tôi: Pháp Sư Tịnh Không. Nếu thầy không giảng, sợ rằng sau này chẳng có ai giảng. Không chỉ một lần, mỗi lần gặp mặt Sư đều nhắc nhở. Tôi rất cảm kích, nhưng hoàn chẳng động tâm.

Lần thứ hai tại Bắc Kinh, tôi sang thăm lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, lão cư sĩ rất nghiêm túc, cũng rất từ bi, thỉnh tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm. Tôi cũng rất cảm kích, cụ cũng nghĩ sau này, người có thể giảng bộ Kinh này không nhiều lắm, nhưng tôi vẫn chẳng động tâm.

Lần thứ ba là khi Hàn Quán Trưởng của Hoa Tạng Đồ Thư Quán bệnh nặng, trên thực tế là hai hôm trước khi bà ta vãng sanh, đã hết sức khẩn thiết yêu cầu tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm một lần, giảng hoàn chỉnh một lần, lưu một bộ băng thâu hình. Khi đó là băng video, còn chưa có CD, CD chưa phổ biến.

Khi chiếu lên TV, vẫn phải dùng một cái hộp to ngần ấy VCR để chạy băng. Bà ta mong lưu lại một bộ băng video hoàn chỉnh để người đời sau tham khảo.

Do bà ta đang bệnh, bệnh nặng như vậy, nhằm an ủi bà, tôi liền nhận lời, tôi nói: Được. Chờ bà lành bệnh, tôi sẽ giảng. Hai ngày sau, bà ta vãng sanh. Ba lần được khuyến thỉnh như vậy. Sau khi Lão nhân gia qua đời, chúng tôi rời Đài Loan sang Tân Gia Ba, giảng Kinh tại Tân Gia Ba Cư Sĩ Lâm. Tôi và cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói tới chuyện này.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hết sức hoan hỷ, ông ta nói: Tôi thay mặt ba người ấy khải thỉnh Pháp Sư. Ông ta sốt sắng như vậy, được rồi. Lần này, chúng tôi khai giảng Kinh Hoa Nghiêm tại Tân Gia Ba Cư Sĩ Lâm khai giảng, giảng nhiều năm như thế, giảng tới bốn ngàn giờ.

Giảng được bao nhiêu?

Đại khái là giảng được một phần năm của cả bản Kinh.

Như vậy thì để giảng viên mãn bộ Kinh này theo phương pháp mà tôi đã dùng, đại khái cần bao nhiêu giờ?

Hơn hai vạn giờ. Chắc chắn phải hơn hai vạn giờ.

Tôi còn có thể sống lâu như thế hay chăng?

Kinh dài mà giảng gọn lại thì được, hai, ba năm cũng có thể giảng xong. Nhưng con người hiện thời nghe Kinh, càng chi tiết, càng thú vị. Theo phương pháp giảng Kinh như cổ nhân, đừng nói tới thời xa xôi quá, ngay như phương pháp giảng Kinh của thầy tôi là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, người bình thường trong hiện tại sẽ chẳng dễ tiếp nhận.

Quá đơn giản, nghe không hiểu, đây là nói tới vấn đề khế cơ. Giảng cho người hiện đại, phải giảng thấu triệt, giảng rõ ràng, giảng minh bạch, họ thật sự nghe hiểu sẽ sanh tâm hoan hỷ.

Đúng là khó khăn. Lần này tôi nói với các đồng học, tôi tạm thời ngưng Kinh Hoa Nghiêm lại. Tôi nghĩ là ngừng một năm, trong thời gian một năm này, giảng minh bạch, rõ ràng bộ chú giải này.

Vì sao?

Đây là Trung Bổn Hoa Nghiêm. Hiện tại, cả thế giới, xã hội động loạn, tai nạn liên tiếp xảy ra.

Trong tháng này, các đồng học có gởi cho tôi xem một tài liệu: Từ ngày mồng bốn tháng ba đến mồng bảy tháng tư, trong thời gian một tháng, khắp thế giới đã có mười một lần động đất từ cấp sáu trở lên.

Vùng biển Ấn Ni Indonesia phát sanh sóng thần Tsunami, xảy ra liên tiếp như vậy, dày đặc như vậy. Nhiều đồng học đã xem phim hai nghìn không trăm mười hai. Bốn mươi, năm mươi năm qua tôi chẳng xem phim, chẳng coi Ti vi, các đồng học một mực kéo tôi đi xem.

Tôi coi xong, trở về bảo mọi người: Đây chẳng phải là ngẫu nhiên, phim được chiếu trên khắp Thế giới, đối với người học Phật chúng ta mà nói, đây là một thứ cảm ứng, Cõi Trời đã cảnh cáo nhân loại.

Nếu chẳng sám hối, nếu không quay đầu, chẳng thể đoạn ác tu thiện, sửa lỗi, đổi mới, sợ rằng tai nạn ấy sẽ là sự thật, chẳng giả. Hai năm gần đây nhất, chúng ta làm Tam Thời Hệ Niệm Phật Sự, tôi đề xướng làm bốn mươi chín ngày.

Đang khi bắt đầu, trong hôm thứ nhất hay hôm thứ hai, trong Đạo tràng có một đồng tu bị quỷ thần dựa thân, đến tìm tôi, tôi hỏi: Chuyện gì?

Người ấy nói: Thầy không biết đâu. Hiện thời, tai nạn rất nghiêm trọng sẽ xảy ra trong một thời gian rất dài, báo cho tôi biết mức độ nghiêm trọng.

Tôi nói: Ước chừng bao lâu?

Người ấy nói: Đại khái là từ ba năm đến năm năm, thời gian dài như thế đó.

Người ấy nói: Phật Sự bốn mươi chín ngày không đạt hiệu quả.

Tôi hỏi: Làm sao mới có thể đạt được hiệu quả?

Người ấy đề nghị một trăm thất, tức là phải làm Hệ niệm Phật Sự bảy trăm ngày.

Sau khi tôi nghe xong, tôi nói: Được rồi. Ngươi hãy đi đi. Sau đấy, tôi tìm lão Hòa Thượng Mãn Thành ở Thật Tế Thiền Tự, Ngài cũng đã vãng sanh rồi, vãng sanh vào năm ngoái. Tôi và Ngài thương lượng.

Tôi hỏi: Ý lão Hòa Thượng như thế nào?

Lão Hòa Thượng đáp ứng ngay. Vì thế, tại thật tế Thiền Tự, lần đầu tiên làm một trăm thất, làm hệ niệm Phật Sự bảy trăm ngày là do quỷ thần nhập thân yêu cầu.

Pháp hội này đến ngày hai mươi lăm tháng ba mới viên mãn, bảy trăm ngày. Hiện thời, tai nạn ngày càng nhiều, khi ấy, tôi ở Đài Loan để chữa răng, tôi bị bệnh nha chu, tôi bảo Pháp Sư Ngộ Đạo, Đạo tràng của thầy ấy ở Đài Bắc.

Tôi nói: Sau khi thầy trở về, hãy tổ chức Phật Sự bảy trăm ngày tại Đài Bắc.

Pháp Sư Ngộ Hạnh ở Đài Nam, tôi bảo: Ông cũng làm Phật Sự bảy trăm ngày tại Đài Nam. Tôi phối hợp với các ông bắt đầu giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Bọn họ đều hoan hỷ.

Tôi nói: Chúng ta giảng bộ Kinh này cõi âm lẫn dương gian đều được lợi, hy vọng đem công đức giảng Kinh này hồi hướng cho hư không pháp giới, mong hóa giải tai nạn. Dẫu chẳng thể hóa giải, cũng khiến cho tai nạn giảm nhẹ, chậm xảy ra, chúng ta có thể tin tưởng điều này. Đây là nhân duyên chúng tôi giảng Kinh lần này.

 Chúng tôi mong muốn đem bộ Kinh này do Cụ Hạ đã tốn thời gian mười năm hội tập thành một bản tiêu chuẩn hoàn mỹ như vậy, Cụ Hoàng Niệm Tổ không nề hà tuổi già, lắm bệnh, suốt ngày đêm không nghỉ ngơi để hoàn thành trước tác này, nếu chúng ta không nghiêm túc nỗ lực học tập kỹ càng, làm sao xứng với hai vị lão nhân ấy?

Do vậy, tôi bảo các đồng học, mọi người chúng ta hãy phát tâm.

Thật sự muốn cứu vớt tai nạn này, có thể cứu vớt hay không?

Câu trả lời là khẳng định. Nếu trên thế giới này, thật sự có một Đạo tràng đúng pháp xuất hiện, trên cả địa cầu sẽ chẳng còn tai nạn.

Đạo tràng gì vậy?

Tăng đoàn.

Tăng là gì?

Tăng có nghĩa là Lục hòa kính, trong ấy có sáu điều kiện. Sáu chuyện ấy đều làm được thì gọi là Tăng. Bốn người trở lên ở cùng một chỗ tu hành thì gọi là chúng. Đây là một đoàn thể tuân thủ giáo huấn của Đức Phật. Kiến hòa đồng giải, con người hiện thời gọi là thành lập cộng thức hình thành một nhận thức chung.

Chúng ta là những người cùng nhau tu học, tư tưởng nhất trí, kiến giải là nhất trí, chẳng mâu thuẫn, chẳng đối lập. Đây là điều kiện trọng yếu nhất trong Lục Hòa.

Thứ hai là giới hòa đồng tu, mọi người ở cùng một chỗ nhất định phải giữ quy củ, quy củ là gì?

Quy củ là giới luật. Thứ ba là thân hòa đồng trụ, chúng ta ở cùng một chỗ. Khẩu hòa vô tránh, mọi người giữ một niềm hòa khí, không tranh cãi. Ý hòa đồng duyệt, tu hành cùng một chỗ, sống cùng một chỗ, vui vẻ, pháp hỷ sung mãn.

Điều cuối cùng là lợi hòa đồng quân, cũng là đãi ngộ bình đẳng trong cuộc sống vật chất, không có người nào được ưu đãi hơn người khác. Đây là thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, trong Tăng đoàn của Ngài có sáu quy củ đơn giản như thế. Tăng đoàn của Phật rất lớn, một ngàn hai trăm năm mươi lăm người.

Trong Kinh chúng ta thường thấy: Người người đều tuân thủ sáu điều này.

Nay có thể xuất hiện một Tăng đoàn như thế, trong Kinh, Đức Phật đã dạy chúng ta: Hết thảy Chư Phật hộ niệm, hết thảy Thiên Long Thiện Thần ủng hộ, nơi ấy sẽ không có tai nạn. Nhưng Tăng đoàn như vậy kiếm không ra.

Ba mươi năm trước, lần đầu tiên tôi đến Hương Cảng giảng Kinh vào năm một nghìn chín trăm bảy mươi bảy, đã gặp Pháp Sư Tẩy Trần, chúng tôi hết sức hợp duyên, nói chuyện rất hợp. Sư cũng là một trong các vị lãnh tụ của Phật Giáo Hương Cảng, Sư cũng vãng sanh từ mấy năm trước rồi.

Tôi và Sư nói tới vấn đề này, tôi nói: Chúng ta có thể phát tâm hay không?

Tìm năm người xuất gia chí đồng đạo hợp, năm vị Tỳ Kheo, chúng ta thi hành Lục Hòa Kính, thành lập Tăng đoàn này?

Sư nghe xong rất hoan hỷ. Tôi ở Đài Loan, Sư ở Hương Cảng. Bàn bạc rất vui vẻ, nhưng không có cách nào thực hiện, chẳng dễ dàng.

Đạo tràng hiện thời, hai người ở chung một chỗ thường cãi nhau, còn làm gì được nữa?

Thật sự có thể xuất hiện Tăng đoàn này, thì nơi ấy, tai nạn sẽ bị hóa giải.

Có ai thật sự chịu làm hay không?

Làm thế nào mới có thể thực hiện?

Đạt đến vô ngã sẽ thực hiện được. Khởi tâm động niệm nghĩ đến người khác. Nếu khởi tâm động niệm, ý niệm thứ nhất bèn nghĩ đến chính mình, sẽ không thể thực hiện được.

Vào Phật Môn, ải thứ nhất là phá ngã chấp. Trong kiến tư phiền não có năm món kiến hoặc, món đầu tiên là thân kiến, chấp chặt cái thân này là ta. Hết thảy đều vì cái thân ta mà suy nghĩ, hỏng rồi.

Tự tư, tự lợi, tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn, toàn bộ dấy lên, làm sao có thể hòa hợp với người khác?

Vì thế, đừng chấp trước thân này là ta nữa, đừng đối lập với người khác nữa. Không chỉ chẳng đối lập với người khác, mà trong hết thảy mọi sự đều chẳng đối lập, chẳng đối lập với vạn vật trong trời đất. Đó là phá biên kiến. Sau đấy, lại phá thành kiến. Chúng ta nói người nào đó thành kiến rất sâu, ta nghĩ như vậy.

Ta cho là như vậy thì sẽ không thể tu tùy hỷ công đức, sẽ không thể hằng thuận chúng sanh. Phải buông thành kiến xuống, quý vị mới có thể tu tùy hỷ công đức, mới có thể tu hằng thuận chúng sanh. Đấy mới là bước đầu để nhập Phật Môn. Trong tiểu thừa là Tu Đà Hoàn, trong đại thừa là địa vị Sơ tín Bồ Tát trong Kinh Hoa Nghiêm.

Tuy mới nhập môn, nhưng công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn, cho nên được hết thảy Chư Phật hộ niệm, quý vị thật sự là đệ tử của Phật, lẽ nào Phật chẳng quan tâm đến quý vị?

Trời, Rồng ủng hộ, quỷ thần tôn kính. Một Tăng đoàn như vậy xuất hiện, nơi ấy thật có phước.

Có bốn năm người thật sự chịu làm như vậy hay chăng?

Bỏ mình vì người, khởi tâm động niệm đều mong cho chánh pháp của Thích Ca Như Lai được tồn tại lâu dài, khởi tâm động niệm luôn vì hết thảy chúng sanh khổ nạn trong thế gian này, đừng nghĩ tới chính mình, quên đi bản thân thì mới có thể thực hiện Lục Hòa Kính. Hiện thời tai nạn hiện tiền, tôi đã nói với mọi người. Cư Sĩ Lưu Tố Vân cũng đã báo cáo với quý vị, rất khó có.

Chúng ta phải có cách nhìn như thế nào?

Phải giống như Ấn Quang Đại Sư đã nói: Đem một chữ Chết dán trên trán. Tôi đã đến viếng quan phòng nơi bế quan của Ấn Quang Đại Sư tại Linh Nham Sơn Tự, Tô Châu. Trong quan phòng có một Phật đường nhỏ, chẳng lớn, đại khái chỉ lớn bằng nửa phòng thâu hình của chúng ta. Sau Tượng Phật có viết một chữ, do chính Lão nhân gia đã viết chữ Tử ấy.

Hằng ngày nghĩ đến, cái chết ở trước mặt, còn có cái gì mà quý vị không thể buông xuống được?

Do vậy, hôm nay, sau khi chúng ta xem xong phim hai nghìn không trăm mười hai, tôi nói với mọi người, chúng ta phải coi ngày hôm nay như ngày cuối cùng trên cuộc đời. Sáng mai thức dậy, ta lại coi như là ngày cuối. Mỗi ngày đều là ngày cuối cùng, điều gì quý vị cũng buông xuống mới hòng đạt được tâm thanh tịnh.

Đến thế gian này với hai bàn tay trống trơn, khi đi, vẫn trống trơn ra đi, cái gì cũng không mang theo được. Nhất tâm tưởng Phật, trong tâm điều gì cũng chẳng màng tới, chỉ có A Di Đà Phật, một phương hướng, một mục tiêu.

Một phương hướng là Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, một mục tiêu là đến Cực Lạc Thế Giới thân cận A Di Đà Phật. Chỉ có một niệm này, trừ một niệm này ra, không có niệm thứ hai, quý vị mới thật sự buông xuống vạn duyên.

Tai nạn xảy đến có sợ hay không?

Không sợ. Ta mỗi ngày tưởng A Di Đà Phật, mỗi ngày tưởng Thế Giới Cực Lạc, rốt cuộc đến dịp, ta bèn ra đi, chẳng có mảy may sợ hãi gì. Mỗi ngày đều chờ đợi, mỗi ngày đều hướng về, đó là đúng. Đây chẳng phải là tiêu cực, mà là tích cực.

Ngày hôm nay là ngày cuối cùng của ta, ắt phải đoạn ác tu thiện, ắt phải tích công lũy đức, vì sao?

Phải biết nâng cao phẩm vị của chính mình. Chúng sanh khổ nạn, ta có được một ngày, sống một ngày thì phải toàn tâm toàn lực giúp mọi người một ngày. Ta giúp mọi người một ngày nhưng tâm địa trong sạch, tam luân thể không, trọn chẳng chấp tướng, niệm niệm chẳng xả A Di Đà Phật.

Có được bốn năm người thật sự có thể quán như thế, thật sự làm, Tăng đoàn hòa hợp sẽ thành lập, ở nơi đâu?

Ngay trong tiểu Đạo tràng này, tiểu Đạo tràng này chiếu sáng đại thiên.

Chúng ta là người đã học bộ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, đều biết: Niệm vừa dấy lên, lập tức trọn khắp pháp giới. Đây là nói thông tin linh thông, chẳng bị chướng ngại mảy may. Tốc độ lan truyền ấy nhanh hơn tốc độ ánh sáng, nhanh hơn tốc độ của sóng điện từ electromagnetic wave. Ý niệm vừa khởi, bèn trọn khắp pháp giới, Chư Phật, Bồ Tát biết, Thiên Long quỷ thần cũng biết.

Trong cuộc đời này, phải có lòng tin kiên định, quyết định thành Phật trong một đời này. Nay chúng ta học bộ Kinh này, bộ Kinh này hướng dẫn chúng ta thâm nhập một môn, trường thời huân tu, thành tựu viên mãn bồ đề trong một đời.

Vì thế, Kinh có dạy, tức là Kinh Hoa Nghiêm có nói: Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Cảnh giới vô chướng ngại là Nhất chân pháp giới. Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là Nhất chân pháp giới, Thế Giới Hoa Tạng là Nhất chân pháp giới. Hoa Nghiêm bí áo chi lý thể, chánh tại bổn Kinh, cố vân khế lý.

Lý thể ẩn kín, nhiệm mầu của Kinh Hoa Nghiêm ở ngay trong Kinh này, nên nói là khế lý. Những điều được nói trong Kinh này và Kinh Hoa Nghiêm hoàn toàn tương đồng. Chí ư khế cơ, tắc cánh thị bổn Kinh chi độc thắng còn về phần khế hợp căn cơ, bản Kinh này lại càng thù thắng độc đáo.

Câu này viết hay quá. Độc thắng. Hết thảy các Kinh do Đức Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm, nếu luận về phương diện khế cơ, đều thua bộ Kinh này.

Sở dĩ Đức Thế Tôn thuở tại thế đã nhiều lần tuyên giảng bộ Kinh này, vì lẽ nào?

Kinh này khế cơ.

Phương pháp này bất luận là ai cũng đều có thể học, đơn giản, dễ dàng, ổn thỏa, thích đáng, thành tựu lại đặc biệt thù thắng, tìm đâu ra một pháp môn nào khác giống như vậy?

Kinh trung chi trì danh pháp môn, phổ bị tam căn, tề thâu phàm Thánh pháp môn trì danh trong Kinh thích hợp khắp ba căn, thâu tóm lợi căn lẫn độn căn. Đây là chỗ độc thắng.

Dùng phương pháp nào?

Dùng phương pháp niệm Phật, niệm danh hiệu Phật. Quý vị niệm bốn chữ A Di Đà Phật cũng được. Mà niệm sáu chữ cũng được, Nam Mô A Di Đà Phật. Sáu chữ này là dịch âm tiếng Phạn. Nam Mô có nghĩa là quy y, quy mạng, tôn kính, có những ý nghĩa này, đó là ý nghĩa của chữ Nam Mô.

Chữ A có thể dịch sang chữ Hán, A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác, Vô lượng giác.

Vô lượng giác là gì?

Là tự tánh. Vì thế, danh hiệu này là chính chúng ta, là danh hiệu tự tánh của đương nhân.

Trong Hệ niệm pháp sự, Thiền Sư Trung Phong đã nói rất hay: A Di Đà Phật là tự tánh Di Đà, Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là duy tâm Tịnh Độ, chẳng ở bên ngoài. Hết thảy các pháp chẳng lìa tự tánh, Di Đà và Thế Giới Cực Lạc cũng chẳng lìa tự tánh. Nói cách khác, do tự tánh biến, tự tánh Di Đà.

Nói rõ hơn một chút: Chính mình niệm chính mình, ta chẳng niệm tham, sân, si, mạn, ta chẳng niệm tự tư, tự lợi, ta chẳng niệm tiếng tăm, lợi dưỡng, ta niệm tự tánh, tự tánh là Vô lượng giác.

Trong Kinh đại thừa thường giảng, chúng ta đã nghe rất nhiều rồi, học nhiều lắm rồi: Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng. Quý vị tưởng gì, bèn hiện ra cảnh giới ấy.

Nay ta tưởng A Di Đà Phật, ta nghĩ tới tánh đức trong tự tánh của ta, lẽ nào chẳng thành tựu?

Minh tâm kiến tánh là vọng tận hoàn nguyên, dùng phương pháp này thù thắng khôn sánh. Phổ bị tam căn, tam căn là thượng, trung, hạ, phổ bị tam căn là các căn tánh bất đồng đều có thể học.

Tề thâu phàm Thánh: Phàm phu có thể học, có thể thành công.

Thánh Nhân cũng có thể học, cũng có thể thành công thượng thượng căn giả, chánh hảo toàn thể thừa đương người thượng thượng căn rất thích hợp để gánh vác toàn thể, bậc thượng thượng căn là ai?

Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Âm, Thế Chí, những vị Thánh Nhân là bậc thượng thượng căn. Đúng vậy. Trong Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Văn Thù và Phổ Hiền đều phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

Tôi đã từng thưa với các vị đồng học, khi tôi còn trẻ, vốn tưởng Phật Giáo là mê tín, là Tôn giáo, không muốn tiếp xúc, mà cũng chẳng muốn gần gũi. Về sau, theo học triết học với tiên sinh Phương Đông Mỹ, từ sách giáo khoa, cụ giảng Triết học trong Kinh Phật cho tôi. Tôi thỉnh giáo cụ.

Tôi nói: Phật Giáo là mê tín, đa Thần Giáo, phiếm Thần Giáo, là Tôn giáo cấp thấp, làm sao có triết học cho được?

Cụ dạy tôi: Anh còn trẻ, chưa biết, Thích Ca Mâu Ni Phật là bậc triết gia vĩ đại nhất trên cả Thế giới. Tôi chưa từng nghe ai nói như thế. Triết học trong Kinh Phật là đỉnh cao nhất trong toàn bộ Triết học Thế giới. Học Phật là sự hưởng thụ tối cao trong cuộc đời. Tôi mới sửa đổi quan niệm sai lầm trong quá khứ.

Lời dạy sau đây của cụ hết sức quan trọng: Phật Pháp ở trong Kinh Điển, không ở chốn Chùa Chiền. Lời hướng dẫn này hết sức quan trọng.

Nếu chúng tôi đến tìm Phật Pháp trong Chùa Chiền sẽ chẳng thấy, thấy toàn là mê tín, lời thầy nói chẳng phải là giả hay sao?

Do cụ cũng sợ tôi khởi lên mối nghi hoặc này, nên dạy tôi hãy học Phật Pháp từ Kinh Điển, bảo tôi tìm Phật Pháp trong Kinh Điển, học tập từ Kinh Điển.

Sau đấy không lâu, tôi quen biết Chương Gia Đại Sư. Chương Gia Đại Sư dạy tôi hãy học tập Thích Ca Mâu Ni Phật, dạy tôi đọc sách. Sách Phật tôi đọc sớm nhất là Thích Ca Phổ và Thích Ca Phương Chí, đó là truyện ký về Thích Ca Mâu Ni Phật.

Sư nói: Nếu anh muốn học Phật, trước hết, phải nhận biết Thích Ca Mâu Ni Phật.

Đọc rồi mới biết: Thích Ca Mâu Ni Phật vốn chẳng dính dáng tới Tôn giáo.

Nhìn theo quan điểm hiện thời, Phật là gì?

Ngài giữ chức trách của một vị thầy, suốt đời dạy học. Sau khi đã khai ngộ vào năm ba mươi tuổi, Đức Phật bèn bắt đầu dạy học.

Bảy mươi chín tuổi vãng sanh, dạy học suốt bốn mươi chín năm, vui thích sự nghiệp này, chẳng mệt mỏi, giống như Khổng Lão Phu Tử, dạy dỗ không phân biệt, người đến chẳng cự tuyệt, kẻ đi không giữ lại. Suốt đời làm công tác dạy học, chẳng lập Đạo tràng.

Rừng núi, cội cây, các đệ tử thường theo hầu không ít người, hơn một ngàn người. Còn có những người chẳng thường theo học, ngẫu nhiên đến tham dự, tôi phỏng đoán nơi Ngài dạy học chắc phải có chừng hai ba ngàn người, phải là như vậy, kể cả những người ngẫu nhiên đến dự, phải có quy mô to lớn như thế.

Điều này khiến cho chúng ta suy tưởng: Thuở ấy, chẳng có máy khuếch âm amplifier, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh, âm thanh giảng Kinh có thể phủ trọn, có thể nhiếp thọ một nơi to lớn như vậy, người bình thường sẽ chẳng thể làm được. 

Huống hồ còn nhất âm thuyết pháp, chúng sanh tùy loại các đắc giải một âm thanh thuyết pháp, chúng sanh tùy theo mỗi loại đều hiểu.

Chúng ta biết: Người từ bốn phương tám hướng tới dự, ngôn ngữ khác nhau, nhưng Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh, thuyết pháp, họ đều có thể nghe hiểu.

Đây cũng chẳng phải là chuyện dễ. Đều có thể nghe hiểu, tiếp nhận, đúng là một vị thầy giỏi. Phật Giáo biến thành Tôn giáo, biến thành tình trạng như hiện thời, chúng ta phải biết là đã xảy ra rất trễ, đại khái tôi nghĩ phải xảy ra sau thời Gia Khánh.

Vào thời Càn Long, chúng ta thấy Phật Giáo vẫn là giáo học. Trong Chùa Chiền, Cao Tăng đại đức mỗi ngày giảng Kinh, mỗi ngày đều dạy học.

Sau Càn Long là Gia Khánh, sau Gia Khánh là Đạo Quang, nói chung là dần dần biến chất trong thời gian này. Tôi nghĩ thật sự biến chất trên bình diện lớn phải là vào thời Từ Hy Thái Hậu. Từ Hy Thái Hậu mê tín, nhiều chuyện chẳng theo gương các vị Đế Vương khi trước hướng về Cao Tăng đại đức thỉnh giáo.

Trong cung đình của Từ Hy Thái Hậu không hề giảng Kinh. Trong cung đình Nhà Thanh trước thời Từ Hy, thường không ngừng mời cao nhân Nho, Thích, Đạo dạy học. Từ Hy Thái Hậu phế trừ chế độ này, trong cung đình chẳng còn giảng học nữa. Bà ta thích lên đồng, cầu cơ, Chương Gia Đại Sư kể cho tôi nghe chuyện này.

Quốc gia đại sự đều thỉnh ý thần, cầu cơ để hỏi thần, cho nên vong quốc. Tôi nghĩ chuyện này có ảnh hưởng hết sức lớn, người trên làm, kẻ dưới bắt chước theo, cho nên Phật Giáo biến thành Tôn giáo.

Hiện thời, nói Phật Giáo là Tôn giáo, chúng ta chẳng thể phủ định, nhưng thầy tôi là Chương Gia Đại Sư và tiên sinh Phương Đông Mỹ đều dạy tôi học theo Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng ta học tập Kinh Điển, trong Kinh Điển có những món báu, có những thứ tốt đẹp, có thể giúp chúng ta quay đầu, giúp chúng ta minh tâm kiến tánh. Vì thế, bậc thượng thượng căn mới có thể đảm nhiệm toàn thể, hoàn toàn tiếp nhận. Câu này có nghĩa là hoàn toàn tiếp nhận.

Hạ hạ căn giả, diệc khả y chi đắc độ kẻ hạ hạ căn cũng có thể noi theo mà đắc độ: Quý vị nương theo lý luận và phương pháp do Kinh Điển đã giảng, nghiêm túc thực hiện, sẽ có thể vãng sanh. vãng sanh là thành Phật, chuyện này là thật, chẳng giả.

Thượng tắc Văn Thù, Phổ Hiền pháp thân Đại Sĩ, diệc quân phát nguyện cầu sanh trên thì Văn Thù, Phổ Hiền, pháp thân Đại Sĩ cũng đều phát nguyện cầu sanh, đây là nói về bậc thượng thượng căn.

Hạ chí ngũ nghịch, thập ác dưới là đến phường ngũ nghịch, thập ác, những kẻ không việc ác nào chẳng làm, lâm chung niệm Phật cũng có thể tùy nguyện đắc sanh, hết sức phi phàm.

Ngũ nghịch là gì?

Thập ác là gì?

Hôm nay thời gian qua nhanh quá, không có thời gian để giảng, ngày mai tôi sẽ nói với quý vị, vì có rất nhiều đồng tu chẳng hiểu ngũ nghịch, thập ác là gì.

Chúng sanh làm ác như vậy, lâm chung gặp người khác khuyên dạy, kẻ ấy có thể tin, thật sự sám hối, thật sự niệm Phật, cũng có thể vãng sanh. Đúng là chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải giả. Hoành xuất tam giới, viên đăng Tứ độ vượt tam giới theo chiều ngang, lên trọn vẹn bốn cõi.

Hôm nay đã hết thời gian rồi, ngày mai chúng ta sẽ học tập đoạn tiếp theo.

A Di Đà Phật!

***