Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA - TẬP MƯỜI CHÍN - A

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP MƯỜI CHÍN - A
 

Chư vị Pháp Sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống!

Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ mười tám, xem từ dòng thứ ba từ dưới đếm lên.

Hựu Viên Giác Kinh văn: Chư huyễn tận diệt, giác tâm bất động. Huyễn diệt diệt cố, phi huyễn bất diệt, thí như ma kính, cấu tận, minh hiện.

Lại như Kinh Viên Giác chép: Các huyễn tận diệt, giác tâm bất động. Sự diệt mất hư huyễn ấy đã bị diệt, chứ cái chẳng huyễn không bị diệt, giống như mài gương, chất dơ hết, ánh sáng sẽ hiện.

Chúng ta xem đoạn thứ nhất, đoạn này vẫn tiếp tục nghiên cứu thể tánh của Kinh này, đây là giảng rõ Đức Phật nói bộ Kinh này đã căn cứ vào điều gì để nói, điều ấy được gọi là thể tánh. Nếu chẳng có căn cứ, Kinh sẽ chẳng thể thành lập.

Căn cứ gì vậy?

Trong lần trước, chúng ta đã học tập, hết thảy các Kinh đại thừa đều căn cứ trên thật tướng để nói. Thật tướng, nói thông tục là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Những điều được nói trong Kinh Phật đều là chân tướng. Nếu chẳng phải là chân tướng, sẽ thành vọng ngữ.

Chân tướng này rất khó hiểu, chân tướng là thật tướng vô tướng, thật tướng vô bất tướng thật tướng vô tướng, thật tướng chẳng phải là không có tướng, các Kinh đại thừa đều giảng rõ sự thật này.

Ở đây, Hoàng lão cư sĩ lại dẫn Kinh Văn của Kinh Viên Giác để nói. Do vậy, chúng ta đọc bản chú giải này, giống như đọc rất nhiều Kinh Luận và những lời giảng giải của Tổ Sư đại đức. Đoạn Kinh Viên Giác này hết sức trọng yếu.

Chư huyễn tận diệt, giác tâm bất động, huyễn là gì?

Trong giáo pháp đại thừa có nói tam tế, lục thô. Tất cả hết thảy các huyễn pháp có cội nguồn là tam tế, lục thô.

Rất khó có là hiện thời khoa học đã phát hiện tam tế tướng, họ bảo chúng ta: Trong vũ trụ, chỉ có ba thứ.

Trừ ba thứ này ra, thứ gì cũng chẳng có, ba thứ ấy là gì?

Là vật chất, năng lượng, và thông tin. Những danh từ hiện đại này khác danh từ trong Kinh Phật, nhưng có cùng một ý nghĩa. Trong Kinh Phật nói tới nghiệp tướng. Nghiệp tướng của A lại da là năng lượng, cảnh giới tướng của A lại da là vật chất, chuyển tướng của A lại da, hoặc gọi là kiến tướng, chính là thông tin.

Quý vị thấy: Nói về những thứ giống nhau.

Nhưng các nhà khoa học chẳng thể giảng rõ rệt như Đức Phật: Những thứ ấy do đâu mà có?

Các khoa học gia chẳng nói rõ ràng.

Trong Phật Pháp, ba tế tướng này do đâu mà có?

Do từ tự tánh mà có. Chỉ có tự tánh là thật, còn những tướng ấy đều chẳng thật. Vì vậy, A lại da là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm. Nhưng chúng sanh trong mười pháp giới rộng rãi và nhiều hơn chúng sanh trong lục đạo.

Phía trên lục đạo, vượt lên khỏi lục đạo, lục đạo là giới hạn, thường là chẳng dễ gì vượt thoát lục đạo luân hồi, vượt thoát lục đạo luân hồi là A La Hán, những người có thể vượt thoát được gọi là A La Hán.

Trên A La Hán là Bích Chi Phật, trên Bích Chi Phật là Bồ Tát, trên Bồ Tát là Phật, chúng ta gọi họ là Tứ Thánh pháp giới. Những vị thuộc bốn pháp giới này là Thánh Nhân, họ vẫn dùng A lại da, tức là vẫn dùng vọng tâm. Vì vậy, chưa phải là Phật trong Viên giáo.

Thiên Thai Đại Sư gọi Phật trong mười pháp giới là tương tự tức Phật, chưa phải là Phật thật sự, vì còn dùng vọng tâm, nhưng dùng vọng tâm rất chánh đáng, dùng rất thuần, thoạt nhìn dường như là chân Phật, trên thực tế chưa phải.

Phân biệt chân và vọng như thế nào?

Ở chỗ dùng cái tâm khác nhau, Phật dùng chân tâm.

Quý vị phải ghi nhớ điều này: Dùng chân tâm.

Chân tâm chẳng phải là ba thứ ấy chuyển tướng, nghiệp tướng, cảnh giới tướng, phải biết: Chân tâm là tự tánh của dụng.

Tổ Tiên bảo: Tánh con người vốn lành.

Tam Tự Kinh dạy: Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Cái tánh bổn thiện chính là chân tâm, chẳng phải là vọng tâm. Thiện ấy chẳng phải là thiện trong thiện, ác.

Nếu là thiện trong thiện, ác thì sẽ là vọng tâm, phải biết điều này. Thiện ở đây là hình dung từ, là từ ngữ ca ngợi, nhằm hình dung không thể diễn tả được, quá tốt đẹp, quá hoàn bị, chẳng có thiếu khuyết gì. Bổn thiện có thể sanh ra vạn pháp, nó mới là căn nguyên của vũ trụ và nhân sinh.

Huệ Năng Đại Sư khai ngộ, khai ngộ là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh là thấy gì?

Là thấy bổn thiện. Thấy bổn thiện thì phải diệt hết ba thứ nghiệp tướng, chuyển tướng, cảnh giới tướng, ba thứ ấy chẳng còn, chúng là vọng tâm, vọng tâm đã chẳng còn thì chân tâm mới hiện tiền.

Chân Tâm hiện tiền, trong chân tâm chẳng có hiện tượng vật chất, mà cũng chẳng có hiện tượng tinh thần, trong Tịnh Tông gọi là Tứ Độ bốn Cõi Tịnh độ, tầng tối cao là Thường tịch quang tịnh độ, một bầu quang minh, trọn khắp hết thảy mọi nơi.

Ở nơi đâu?

Không chỗ nào chẳng tồn tại. Không lúc nào chẳng hiện hữu. Chúng ta cũng chẳng rời khỏi Thường tịch quang, mà cũng chẳng rời khỏi tự tánh, nhưng chúng ta chẳng thấy. Chẳng rời khỏi nó, nhưng chẳng thấy.

Vì sao chẳng thấy?

Năng lực của lục căn là hư vọng, vọng chẳng thể duyên chân, vọng chỉ có thể duyên vọng, chẳng duyên được chân. Vọng tâm của chúng ta rất lợi hại, nó có thể duyên tới A lại da, tức là nghiệp tướng, chuyển tướng, và cảnh giới tướng nó đều có thể duyên được, đều có thể đạt tới, nhưng chẳng thể đạt tới tự tánh.

Đạt tới tự tánh thì phải buông những thứ ấy xuống, ba thứ ấy đều buông xuống, tự tánh sẽ hiện tiền, quý vị mới hòng thấy được.

Buông xuống chẳng dễ dàng, nói rất dễ, nhưng sự thật rất khó. Trong Kinh đại thừa, Đức Phật nói Khởi tâm động niệm thì khởi tâm động niệm là nghiệp tướng, phân biệt là chuyển tướng, chấp trước là cảnh giới tướng. Đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chúng ta đều chẳng chấp trước, quý vị sẽ chứng quả A La Hán.

Trước hết, quý vị khôi phục điều gì?

Khôi phục tâm thanh tịnh, tâm địa chẳng nhiễm mảy trần. Cũng có nghĩa là chân tâm thấu lộ một phần. Thấu lộ một phần, lục đạo luân hồi chẳng còn nữa.

Vì vậy, chư vị phải hiểu: Lục đạo chẳng thật. Kinh đại thừa thường nói phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, vì chúng là pháp sanh diệt. Quý vị thấy hết thảy động vật có sanh, lão, bệnh, tử.

Còn những thứ chân thật thì sao?

Đúng là chẳng sanh, chẳng diệt. Do vậy, Tôn giáo của phương Tây nói tới chân Thần chúa thật hơi giống, nhưng chưa đúng, vẫn còn cách biệt với chân tướng.

Nhưng hiện thời Tôn giáo của phương Tây nói tới chân thần khác với xưa kia, họ nói thần chẳng có thân xác, không nơi đâu chẳng hiện hữu, họ cũng học theo cách nói này.

Cách nói này hơi giống với ý nghĩa được giảng trong Phật Pháp, nhưng trong ấy còn có mê, ngộ khác biệt. Giác mới là tự tánh, lúc mê sẽ gọi là thần thức, danh từ nhà Phật gọi chân tâm bị mê là thần thức. Người thế gian chúng ta, người phương Đông gọi thần thức là linh hồn, người phương Tây cũng gọi nó là linh hồn.

Linh Hồn là chuyển tướng, chuyển tướng là ở trong trạng thái mê bèn gọi là chuyển tướng. Giác ngộ thì ba tướng ấy chuyển tướng, nghiệp tướng, cảnh giới tướng đều chẳng có. Do vậy, đúng là phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Đây là nói về khởi nguyên của vũ trụ.

Chuyển tướng là thông tin, do vậy, chuyển cảnh giới bằng cách nào?

Cảnh giới tiếp nhận thông tin.

Nếu chúng ta hiểu đạo lý này thì hiện thời địa cầu có tai nạn, chúng ta có thể hóa giải tai nạn hay không?

Có thể. Chỉ cần quý vị biết chuyển ra sao, quý vị nắm vững cách chuyển ấy, sẽ có thể chuyển cảnh giới. Chuyển cảnh giới thì nhỏ là chuyển tự thân, đối với thân tướng của chính mình, đầu tiên là khỏe mạnh.

Làm thế nào để nó chẳng sanh bệnh, khỏe mạnh, trường thọ?

Làm thế nào để thân thể chúng ta chẳng lão hóa, hễ quý vị hiểu đạo lý sẽ liền làm được. Nói theo hiện thời, tâm thái của quý vị thanh tịnh chính là tướng trường thọ, dung mạo rạng rỡ, màu da nhất định hết sức tươi tắn, chẳng dễ gì lão hóa.

Vì sao?

Tâm quý vị thanh tịnh. Nếu đạt tới bình đẳng, tức là đạt lên một bậc cao hơn, tâm bình đẳng thì có thể nói là quý vị sanh tử tự tại. Nếu tâm bình đẳng thật sự hiện tiền, chúng ta sống trên thế giới này hai ba trăm năm chẳng có vấn đề gì.

Đối với y học Trung Quốc, tức trung y, thầy tôi là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam hết sức giỏi trung y, Cụ bảo tôi: Cả đời Cụ kê toa chữa bệnh cho người khác, chắc chắn chẳng lầm một ai, Cụ dám nói như vậy. Cụ cũng từng làm quan tòa.

Cụ nói: Ta làm quan tòa xử án, có khiến ai bị oan uổng hay không, ta chẳng dám nói, không dám chắc, rất có thể là có chỗ xử oan người ta, nhưng khám bệnh cho kẻ khác, chưa hề kê toa sai. Cụ có gan nói ra lời ấy.

Cụ bảo chúng tôi: Trung y chẳng nhằm chữa bệnh. Điều thứ nhất trong trung y là dạy con người trường sinh.

Cụ nói: Đối với thọ mạng của con người, thân thể con người là một cỗ máy. Nếu có thể bảo dưỡng cỗ máy ấy rất khá, tối thiểu là có thể duy trì hai trăm năm, hai trăm tuổi là thọ mạng bình thường. Quý vị sống không đến hai trăm tuổi là do không biết bảo dưỡng, chính mình làm hỏng bản thân.

Lời ấy rất có lý, mục tiêu thứ nhất của trung y là trường sinh. Mục tiêu thứ hai là phòng ngừa bệnh tật, quý vị thật sự hiểu đạo lý này, có thể ngăn ngừa cả đời chẳng bị bệnh. Mục tiêu thứ ba mới là chữa bệnh, chữa bệnh là mục tiêu thứ ba của trung y. Khi chữa bệnh còn thần kỳ hơn nữa.

Thầy nói: Chữa bệnh thì thầy lang bậc nhất chỉ nhìn, không cần phải hỏi, nhìn sắc tướng và dung mạo, nghe âm thanh của quý vị nói, chẳng hỏi han, liền hoàn toàn liễu giải tình trạng thân thể của quý vị.

Người ấy còn có thể phán đoán: Hiện thời thân thể quý vị rất tốt, chẳng có bệnh tật gì, nhưng người ấy biết mười năm sau, hoặc hai mươi năm sau, quý vị sẽ bị bệnh gì, bị trục trặc chỗ nào.

Cụ nói: Thần kỳ. Điều này có đạo lý, chẳng phải là không có đạo lý. Thí dụ như người thợ sửa chữa xe hơi, kinh nghiệm rất phong phú, nghe tiếng máy xe chạy, liền biết tình trạng cái xe. Quý vị còn chạy được bao nhiêu cây số nữa thì chỗ nào đó trong xe sẽ bị trục trặc, người ta là dân nhà nghề mà.

Người ngoài nghề như chúng ta nghe không ra, nhưng người ấy có thể nghe biết. Vì vậy, trung y nói vọng, văn quan sát, nghe tiếng, thứ ba là bắt mạch, tức vọng, văn, vấn, thiết quan sát, nghe tiếng nói, hỏi tình trạng bệnh tật, bắt mạch. Quý vị thấy hạng nhất, vừa nhìn là biết, đây là thầy chữa bệnh bậc nhất.

Hạng hai phải hỏi, hỏi han quý vị. Hạng ba mới phải bắt mạch. Chúng tôi học những điều thường thức này từ thầy Lý, biết thầy thuốc phải bắt mạch là loại thầy thuốc hạng ba. Quý vị thấy trong trung y, điều thứ ba mới là chữa bệnh.

Chữa bệnh mà nhìn, hỏi xong vẫn phải bắt mạch, sẽ là thầy thuốc hạng ba, kể ra cũng khá lắm, nhưng hiện thời thầy lang giỏi trong loại ba này cũng chẳng dễ gì kiếm được.

Chúng ta phải biết: Tâm thái là chủ tể của hết thảy. Quý vị thấy vài hôm trước, cư sĩ Lưu Tố Vân biểu diễn ở đây, chính bà ta bị bệnh hồng ban lang sang, mắc bệnh ấy gần như chẳng có cách nào chữa lành, nhưng bà ta hoàn toàn khôi phục, ngay cả vết sẹo cũng chẳng còn.

Quý vị thấy bà ta giảng Kinh, ở đây là mỗi ngày giảng hai giờ. Tôi nghe nói ở Thâm Quyến, mỗi ngày bà ta giảng tám giờ, chẳng dễ dàng. Bà ta năm nay sáu mươi sáu tuổi, lúc năm mươi chín tuổi mắc bệnh ấy.

Quý vị thấy đó. Tâm thái trị liệu, chẳng dùng thuốc. Đấy là căn cứ lý luận trong Phật Pháp, hễ tâm thái chuyển biến, các tế bào mắc bệnh trong nội tâm đều có thể khôi phục bình thường.

Nếu tâm thái chẳng tốt đẹp, quý vị thấy thầy lang Bành Hâm đã phân tích. Ông ta nói ngũ thường nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm được năm chữ ấy, quý vị sẽ chẳng mắc bệnh. Bất nhân sẽ bị bệnh gan, bất nghĩa sẽ bị bệnh phổi, vô lễ sẽ bị bệnh tim, đều là bệnh tật tương ứng tâm thái. Đây là y học Trung Quốc.

Y học Trung Quốc đã có lịch sử hơn năm ngàn năm, làm sao quý vị có thể chẳng thừa nhận?

Thầy tôi là tiên sinh Phương Đông Mỹ có lần bảo tôi: Trung y có năm ngàn năm lịch sử, tây y mới ba trăm năm. Trong đệ nhị thế chiến đã may mắn phát minh chất kháng sinh antibiotics. Nếu chẳng phát minh chất kháng sinh, sẽ chẳng có tây y.

Thầy hỏi tôi: Anh tin vào ba trăm năm, hay tin năm ngàn năm?

Năm ngàn năm chịu đựng sự khảo nghiệm của thời gian và con người, nó đã định hình. Quý vị chẳng thể không bội phục trí huệ của Tổ Tiên, họ chứng đắc thật tướng của các pháp như trong Kinh Điển đã nói.

Những thứ được giảng trong Kinh giống như vậy, Đức Phật nói ai có thể thấy và chứng thực?

Từ Bát địa trở lên.

Bồ Tát có các tầng cấp: Bát địa, Cửu địa, Thập địa, Thập Nhất địa là Đẳng Giác, Thập Nhị địa là Phật, năm tầng cấp này đều hiểu rõ ràng, rành rẽ. Từ Thất địa trở xuống đều chưa chứng đắc. Chưa chứng đắc thì chỉ nên nghe lời thầy, nỗ lực nâng cao linh tánh của chính mình, nâng lên tới Bát địa, quý vị sẽ chứng đắc.

Các huyễn diệt sạch như vừa mới nói là tam tế tướng và lục thô tướng. Từ tam tế biến thành lục thô. Tam tế tướng quá vi tế, chẳng dễ gì nhận biết. Do vậy, khoa học hiện thời có thể nói tới năng lượng, vật chất và thông tin, chúng ta không thể chẳng bội phục họ, hết sức hiếm có.

Khoa học vẫn cần tiến cao hơn, chúng ta cũng mong các khoa học gia có thể minh tâm kiến tánh, nhưng minh tâm kiến tánh thì phải buông khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước xuống. Nếu vẫn dùng những tâm ấy, tức là dùng vọng tâm, vọng tâm chỉ có thể đạt tới A lại da là cùng, họ chẳng có cách nào đột phá.

Vì vậy, chư huyễn tận diệt, công phu học Phật là dùng ở chỗ này. Trước hết, công phu ấy có thứ tự và cũng có khó, dễ, đầu tiên là từ chấp trước, quyết định chớ nên chấp trước. Hễ có chấp trước, sẽ chẳng thể đột phá cửa ải đầu tiên là lục đạo. lục đạo cũng chẳng thật, chỉ cần buông chấp trước xuống, chẳng chấp trước hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian.

Chẳng chấp trước thì chúng ta thường nói: Phải thực hiện từ nơi đâu?

Thực hiện bằng cách buông đối lập xuống, tôi thường khuyên lơn đồng học chuyện này, chúng ta thực hiện từ chỗ này: Quyết định chẳng đối lập với người khác. Hắn đối lập với ta, ta chẳng đối lập với hắn. Nếu ta đối lập với hắn thì quý vị sẽ khó đi được một tấc nào trong Phật Pháp. Chẳng đối lập hết thảy sự, chẳng đối lập hết thảy vạn vật, tâm lượng quý vị sẽ mở rộng, có thể bao dung, đó là bước đầu.

Đầu tiên phải buông xuống, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chớ nên có ý niệm khống chế hay chiếm hữu. Nếu quý vị có ý niệm khống chế hay chiếm hữu, đó là căn bản của tất cả hết thảy phiền não.

Phải dốc sức nơi đây thì mới có thể đạt được cái tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh mới hiện tiền. Tâm thanh tịnh hiện tiền sẽ vô cùng sung sướng, đó là pháp hỷ sung mãn.

Quý vị thấy câu đầu tiên trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ học rồi thường tu tập, cũng chẳng sướng sao, quý vị hoàn toàn thực hiện những điều đã học trong cuộc sống, trong công việc, trong xử sự đãi người tiếp vật, trong tâm hỷ duyệt, sự hỷ duyệt ấy chẳng do ngũ dục lục trần bên ngoài kích thích, mà là sự hỷ duyệt từ trong nội tâm lưu xuất ra ngoài. 

Phật Pháp cũng giống như thế, quý vị có thể thật sự buông tập khí phiền não xuống, tâm sẽ tự tại lắm, thanh tịnh lắm.

Vì vậy, trước hết là tu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh đã đạt được, lục đạo chẳng còn nữa, vượt thoát lục đạo, thành A La Hán quả. Tiến thêm một bước nữa, buông phân biệt xuống. Không chỉ chẳng chấp trước, ngay cả phân biệt cũng chẳng có, cảnh giới sẽ nâng cao lên thành Bồ Tát. Cuối cùng, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm thì gọi là thành Phật.

Vì vậy, Phật, Bồ Tát, A La Hán là danh xưng của ba tầng lớp tu hành trong nhà Phật, giống như danh xưng ba học vị trong nhà trường hiện thời: Cao nhất trong học đường hiện thời là tiến sĩ, kế đó là thạc sĩ cao học, master, rồi học sĩ cử nhân, bachelor. A La Hán là học sĩ, Bồ Tát là thạc sĩ, Phật là tiến sĩ, đấy là danh xưng học vị, chẳng thể lẫn lộn được.

Ngày nay, Phật Giáo biến thành Tôn giáo chính là tội lỗi của chúng ta, do tội lỗi của đệ tử Phật, lẽ nào Phật Giáo bị lẫn lộn với Tôn giáo.

Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời dạy học, quý vị hãy xem kỹ, Ngài chẳng dính dáng gì với Tôn giáo, nhưng nay Phật Giáo thật sự biến thành Tôn giáo, quý vị lại chẳng thể không thừa nhận nó là Tôn giáo.

Chúng ta đã có lỗi với thầy. Thích Ca Mâu Ni Phật mang thân phận, chức nghiệp của một vị thầy, giống như Khổng Tử, Khổng Tử giáo học chỉ được năm năm, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy học suốt đời, bốn mươi chín năm, ba mươi tuổi đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, bắt đầu dạy học, nhập diệt năm bảy mươi chín tuổi, giảng Kinh, giáo học suốt bốn mươi chín năm.

Ngài dạy chúng ta: Tất cả vấn đề thế gian và xuất thế gian, dùng phương pháp gì để giải quyết?

Dùng giáo dục. Chỉ cần quý vị dạy người ta giác ngộ, giúp họ phá mê khai ngộ. Hễ họ khai ngộ, sẽ có thể giải quyết vấn đề. Trí huệ có thể giải quyết vấn đề, nhưng tri thức không thể.

Tri thức giải quyết vấn đề giới hạn, và còn để lại hậu quả, trí huệ chẳng vậy, trí huệ chẳng có ngằn mé, chắc chắn chẳng để lại hậu quả.

Đại thừa Phật Pháp là trí huệ viên mãn, trí huệ do đâu mà có?

Sẵn có trong tự tánh, đó là giác tánh.

Giác tâm bất động, giác tánh là trí huệ, là cái quý vị vốn sẵn có, giác tánh là gì?

Kiến văn giác tri thấy, nghe, hay, biết, chẳng sanh, chẳng diệt. Lúc Huệ Năng Đại Sư kiến tánh đã báo cáo rất đơn giản, hai mươi chữ, quả thật là vốn tự thanh tịnh.

Tâm quý vị có ô nhiễm hay không?

Chẳng có. Dẫu tạo tác ác nghiệp, đọa vào a tỳ địa ngục vẫn chẳng ô nhiễm. Nếu nó bị ô nhiễm, sẽ chẳng gọi là chân tâm, mà là hư vọng.

Vì vậy, ô nhiễm là gì?

Ô nhiễm là A lại da bị ô nhiễm. Tôi vừa mới nói tới nghiệp tướng, cảnh giới tướng, và chuyển tướng, những thứ ấy bị ô nhiễm, nhưng tự tánh chẳng ô nhiễm, tự tánh mới là con người chân thật của chính mình.

Đại thừa Phật Giáo thường gọi nó là phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai mục diện mạo sẵn có trước khi được cha mẹ sanh ra. Nhưng mê liền biến thành A lại da, giác ngộ thì A lại da chẳng có, kiến văn giác tri hiện tiền.

Kiến văn giác tri trọn khắp pháp giới hư không giới, toàn bộ hư không pháp giới là một sanh mạng có chung một cái thể, đấy là luân lý theo quan điểm nhà Phật. Luân lý là nói về quan hệ.

Chúng ta sống trong thế gian này, nói tới ngũ luân, tức là quan hệ cha con, quan hệ anh em, quan hệ Vua tôi, quan hệ bè bạn, nói tới những mối quan hệ này.

Nhưng Phật gia nói tới luân lý, bèn nói tột cùng viên mãn, vì sao?

Cả hư không pháp giới cùng chính mình là một thể, chẳng phải là một nhà, mà là một thể, một sanh mạng có cùng một thể. Vì vậy, lòng yêu thương chẳng có phạm vi, chẳng có điều kiện, được gọi là vô duyên đại từ. Nói theo hiện thời, duyên là điều kiện, vô duyên là chẳng có điều kiện.

Đồng thể đại bi: Thương xót chúng sanh có cùng một thể với chính mình, trên thân ta chỗ nào đau ngứa, ta rất quan tâm tới chỗ ấy, đồng thể mà. Đại thừa Phật Pháp thấy trọn khắp pháp giới hư không giới có cùng một thể với chính mình, điều này quá khó.

Nay chúng ta vì sao chẳng thể khế nhập cảnh giới?

Vì chúng ta có ngã, ta và người khác vạch rõ giới tuyến, chẳng biết tự tha chẳng hai, tự và tha là một, chẳng biết đạo lý này. Vì vậy, trong Phật Pháp, trước hết là phải phá thân kiến, chẳng còn chấp trước cái thân này là ngã.

Thân này là gì?

Thân có sanh diệt, ngã chẳng sanh diệt, ngã là giác tánh, giác tánh chẳng sanh diệt, kiến văn giác tri là giác tánh. Trong Hội Lăng Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật đã bàn vấn đề này với Vua Ba Tư Nặc.

Vua Ba Tư Nặc lo ngại, tuổi đã già rồi, lúc ấy, Vua sáu mươi hai tuổi, bằng tuổi Thích Ca Mâu Ni Phật, dần dần già rồi sẽ phải bệnh chết, lo sầu chuyện này.

Thích Ca Mâu Ni Phật liền hỏi Nhà Vua, nhằm dạy bảo Vua, gọi Vua là đại vương vì Vua là quốc vương, hỏi Vua: Đại vương thấy nước sông Hằng lúc mấy tuổi?

Vua thưa: Ba tuổi. Mẹ dẫn Vua đến một nơi cũng là một Thần Miếu, Miếu thờ Thần, lúc tới chiêm bái thần miếu, có đi trên bờ Sông Hằng hà, biết đó là dòng Sông Hằng, nhìn thấy sông.

Đức Phật nói: Lúc đại vương mười ba tuổi, mười năm sau đó, đại vương cảm thấy thân thể già hơn lúc ba tuổi rất nhiều, bị lão hóa hay chăng. Đúng vậy. Khi hai mươi ba tuổi, lại già hơn lúc mười ba tuổi mười năm, năm nay sáu mươi hai tuổi, thân thể biến hóa không ngừng.

Đức Phật hỏi Nhà Vua: Cái thấy của đại vương đối với nước Sông Hằng có biến hóa hay chăng?

Ba tuổi ta thấy nước Sông Hằng, mười ba tuổi ta cũng thấy, lúc hai mươi ba tuổi ta cũng trông thấy.

Tới sáu mươi hai tuổi, đại vương cũng thấy, cái thấy của đại vương có biến hóa hay chăng?

Vua thưa: Chẳng biến hóa.

Đức Phật bèn nói: Chẳng có biến hóa là bất sanh, bất diệt. Bị biến hóa là cái thân hư giả của đại vương. Cái thân hư giả của đại vương có sanh tử, còn cái chẳng sanh chẳng diệt sẽ chẳng sanh tử. Vua Ba Tư Nặc do vậy giác ngộ, rất vui vẻ, vốn là thân đã chết, nhưng linh tánh của ta trọn chẳng thật sự chết.

Thân là gì?

Thân chẳng phải là ngã, thân là sở hữu của ngã, là công cụ, giống như y phục, là quần áo của ta, thân để ta sử dụng, dùng vài chục năm chẳng còn thuận tiện sử dụng nữa bèn thay bộ khác, thay đổi thân thể. Nhưng trong đây có mê hay ngộ. Lúc mê gọi là linh hồn, lúc ngộ gọi là linh tánh.

Lúc mê, phạm vi hoạt động của linh hồn là lục đạo, không thoát lìa lục đạo luân hồi. Tình hình trong lục đạo đã được con người phát hiện rất sớm, cần biết là hơn một vạn năm trước, điều này đã được các Tôn giáo và học phái xa xưa của Ấn Độ nhận biết. Lịch sử của họ lâu hơn chúng ta.

Tôi có qua lại với họ, các trưởng lão Ấn Độ bảo tôi: Tôn giáo của họ tương truyền đã lâu hơn một vạn năm, chúng ta có thể tin tưởng chuyện này. Người Ấn Độ không chú trọng lịch sử, chẳng giống người Trung Quốc đời đời truyền thừa.

Nhưng hiện tại cả thế giới thừa nhận họ người Ấn Độ có tám ngàn năm trăm năm lịch sử, cũng là sớm hơn Phật Giáo năm ngàn năm, trên thực tế không phải chỉ có vậy.

Thích Ca Mâu Ni Phật đã học những thứ của họ, điểm đặc sắc nhất trong sự tu học của họ là tứ thiền bát định, Kinh Phật nói tứ thiền bát định là Bà La Môn giáo.

Nếu tu môn định này thành công, trong định có thể đột phá các chiều không gian, cũng có nghĩa là: Quý vị nhập định này, trong định, quý vị đi lên, sẽ thấy hai mươi tám tầng Trời, đi xuống, có thể thấy địa ngục. Chỉ cần quý vị tu định này, đều có thể thấy được.

Tầng lớp sâu cạn khác biệt trong định này, nói chung gồm bốn thứ: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Bát Định là tầng cao nhất, tức là nói đến Vô Sắc Giới Thiên. Tứ thiền thấy tới Sắc Giới Thiên.

Đạt đến Đệ bát định, sẽ thấy Vô Sắc Giới Thiên, hai mươi tám tầng trời đều trông thấy. A La Hán chẳng phải chỉ như vậy, A La Hán tu cửu thứ đệ định, đột phá lục đạo luân hồi, đạt tới một Thế giới khác.

Quý vị chân tu, sẽ thật sự thấy, chẳng giả tí nào, nhưng Đức Phật nói đấy vẫn chưa phải là rốt ráo, rốt ráo thì còn phải tiến lên cao hơn nữa.

Quý vị thấy: A La Hán vẫn chưa thấy A lại da. Bồ Tát cũng chẳng thấy, Phật trong mười pháp giới vẫn chưa thấy.

Phải buông khởi tâm động niệm xuống, cái tâm ấy thật sự định, định là gì?

Đó là chân tâm.

Chân tâm vốn bất động, quý vị thấy Huệ Năng Đại Sư nói: Hà kỳ tự tánh, bổn vô dao động nào ngờ tự tánh, vốn không lay động, trước nay chưa hề động. Bất động là chân tâm, bị động là vọng tâm, vọng tâm là ý niệm, khởi tâm động niệm.

Niệm có tịnh, có nhiễm. Tịnh bèn ra khỏi lục đạo luân hồi, nhiễm sẽ chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi. Trong nhiễm có thiện, có ác. Thiện niệm cảm ba thiện đạo, ác niệm cảm ba ác đạo. Trong nhiễm có thiện, ác. Trong tịnh chẳng có thiện, ác. Đó là Tứ Thánh pháp giới, vẫn chưa phải là chân.

Chân thì sao?

Nhiễm, tịnh, thiện, ác, thảy đều chẳng có, đó là chân, bèn vượt thoát mười pháp giới. Chư huyễn tận diệt, giác tâm bất động, kiến văn giác tri sẵn có trong tự tánh bèn hiện tiền, chúng bất động, kiến văn giác tri bất động.

Lúc mê biến thành A lại da thức. Trong A lại da thức, kiến văn giác tri biến thành thọ, tưởng, hành, thức. Thọ là quý vị có cảm nhận, tức là có cảm nhận khổ, lạc, ưu, hỷ, xả.

Tưởng là quý vị có suy nghĩ. Hành là ý niệm chẳng trụ, niệm trước vừa diệt, niệm sau bèn sanh, đó là hành. Nay chúng ta nói một cách rất dễ hiểu thì thức là ký ức, những gì quý vị đã từng trải qua đều có thể ghi nhớ, đó là tác dụng của thức.

Hôm qua, tôi nghe một đồng học cho biết: Họ thấy trên Internet, đại khái là ở Mỹ, một số khoa học gia trong khi nghiên cứu, đã phát hiện nước có ký ức.

Thí nghiệm của tiến sĩ Giang Bổn Thắng cho chúng ta biết: Nước có thể nghe, thấy, hiểu ý nghĩ của con người. Họ còn tiến hơn bước nữa là phát hiện nước còn có ký ức. Đây là khoáng vật, trong Kinh Phật đã sớm nói đến rồi.

Kinh Phật dạy chúng ta: Tâm và vật cùng một thể, vĩnh viễn chẳng tách rời. Trong vật có tâm, trong tâm có vật. Bất luận vật chất gì đều có thọ, tưởng, hành, thức.

Sau khi tiến sĩ Giang Bổn Thắng làm thí nghiệm này thành công, một đồng học phát hiện tin ấy trên Internet, in ra thành bốn trang đưa cho tôi xem. Sau khi tôi xem xong, vô cùng vui vẻ, khoa học gia đã chứng tỏ tất cả hết thảy hiện tượng vật chất đều có năng lực ấy, đó là bản năng năng lực sẵn có.

Nước có thọ, tưởng, hành, thức bùn đất có hay không?

Đương nhiên là có.

Đá có hay không?

Đương nhiên là có. Một hạt cát, một hạt bụi cũng có, theo Phật Pháp nói, một cọng lông, một sợi lông cũng trọn đủ các năng lực ấy. Thoạt nghe thì rất thần kỳ, nhưng là sự thật.

Chúng ta thấy cuộc đối đáp giữa Thích Ca Mâu Ni Phật và Di Lặc Bồ Tát, cuộc đối đáp ấy là khoa học cao cấp. Thuở ấy, thầy Phương giới thiệu Phật Giáo với tôi, đã nói Phật Giáo là triết học cao cấp. Tôi hiểu, tôi cũng phát hiện Phật Giáo là khoa học bậc cao.

Nhỏ như vi trần, khoa học hiện thời gọi vi trần là nguyên tử, điện tử, lạp tử, hạt cơ bản là khoa khắc quark, nhục nhãn chẳng thấy được. Đó là vật chất. Trong các vật chất như vậy cũng có thọ, tưởng, hành, thức.

Vì vậy, chúng có sanh mạng, chúng sống động. Theo như Phật Pháp giảng, cả vũ trụ là một thể hữu cơ organism, chẳng phải là chết cứng, mà sống động.

Chứng minh bằng cách nào?

Dùng phương pháp thiền định để chứng minh. Không giống như khoa học, khoa học dùng các máy móc, máy móc đôi khi còn có lầm lẫn, sai lệch. Thiền định chẳng sai lạc. Từ trong thiền định rất sâu, đột phá từng tầng chướng ngại, quý vị sẽ thấy được.

Người đời còn có một phương pháp, nhưng rất hữu hạn, chỉ có thể chứng minh chuyện này là có thể xảy ra, chẳng giả, đó là thuật thôi miên rất thịnh hành ở phương Tây trong vòng nửa thế kỷ trở lại đây.

Trong lúc được thôi miên rất sâu, quý vị có thể trở lại đời quá khứ, thậm chí trở lại nhiều đời trong quá khứ. Tôi đọc báo cáo của Bác Sĩ Ngụy Tư Brian L. Weiss nước Mỹ, đã có một người được thôi miên đã quay lại gần như mấy chục đời, không chỉ mấy chục đời, mà gần như bảy tám mươi đời, tức là hơn bốn ngàn năm trước.

Hoàn cảnh lúc ấy là còn sống trong hang động, con người chưa biết ở trong nhà cửa, mà sống trong hang động. Người ấy có thể nói ra tình trạng sống lúc ấy, tuyệt đối chẳng phải là bịa đặt. Vì vậy, từ thôi miên có thể chứng thực. Thiền định chứng thực con người thật sự có thể trở lại quá khứ, cũng thật sự có thể thấy được vị lai.

Vì sao?

Thời gian và không gian là giả.

Đại Thừa Phật Pháp dạy chúng ta: Chẳng có thời gian. Chẳng có thời gian, sẽ chẳng có trước sau. Chẳng có không gian, sẽ chẳng có khoảng cách. Tây Phương Cực Lạc Thế Giới cách chúng ta mười vạn ức Cõi Phật.

Nếu không gian bị đột phá, Thế Giới Cực Lạc ở đâu?

Thế Giới Cực Lạc ở ngay nơi đây. Các nhà khoa học đã thừa nhận thời gian và không gian chẳng có thật, nhưng dùng phương pháp gì để đột phá họ không biết.

Các chiều không gian không gian duy thứ: Spatial dimensions do đâu mà có chúng ta đều biết, Kinh Phật đã giảng rất rõ ràng chúng do đâu mà có?

Từ vọng tưởng, chấp trước mà ra. Quý vị chẳng có vọng tưởng, chấp trước, các chiều không gian sẽ chẳng còn nữa. Đều phải tu định, phải tu tâm thanh tịnh, phải tu tâm bình đẳng. Thanh tịnh có thể đột phá lục đạo, bình đẳng có thể đột phá mười pháp giới, giác tâm có thể đột phá toàn thể vũ trụ, ba tầng lớp như vậy.

Phải có công phu như thế nào?

Buông xuống. Quý vị chẳng buông xuống sẽ chẳng được, phải thật sự buông xuống. Vì vậy, tôi rất cảm tạ thầy tôi.

Người xuất gia tôi gặp mặt đầu tiên là Chương Gia Đại Sư, tôi hướng về Ngài thỉnh giáo, tôi nói: Thầy Phương giới thiệu Phật Pháp cho tôi, tôi biết Phật Pháp đúng là một môn đại học vấn, có phương pháp gì để có thể khế nhập cảnh giới hay chăng?

Tôi nêu câu hỏi như thế, nêu câu hỏi xong, Lão nhân gia không trả lời tôi. Ngài nhìn tôi, tôi cũng nhìn Ngài, chúng tôi ở trong căn phòng khách nhỏ ấy nhìn nhau nửa giờ.

Tôi đợi nửa giờ, đợi đến khi Ngài nói một chữ: Có! Có! Tinh Thần Chúng tôi phấn chấn, chú ý nghe, Ngài lại chẳng nói năng gì, lại đợi sáu, bảy phút, Ngài mới lại nói: Thấy thấu suốt, buông xuống.

Mấy chục năm sau, tôi mới nghĩ ra: Khi ấy, vì lẽ nào Ngài nhìn tôi nửa giờ chẳng nói gì?

Tôi tuổi trẻ, bộp chộp, nóng vội, nhất định phải đợi cho tâm tình lắng xuống, vọng niệm chẳng còn, lúc ấy nói với quý vị thì mới có ích, quý vị mới thật sự nghe lọt. Nói một chữ có, tâm tư chúng tôi lại xáo động, lại chuyển động, không được rồi, vẫn phải chờ cho tâm tình lắng xuống.

Nay tôi nhìn vào nhiều trường học, ấn tượng sâu nhất là khi tôi ở Luân Đôn, đến thăm trường Đại học Kiếm Kiều Cambridge tại Luân Đôn, tôi thấy sinh viên ở đấy kể ra còn khá, tốt hơn những trường khác, vẫn chẳng khác lắm so với lúc tôi trẻ tuổi.

Gặp Chương Gia Đại Sư, Ngài chẳng nói gì, cứ trừng mắt nhìn, khi nào quý vị có thể định được tâm thái bồng bột, Ngài mới nói với quý vị. Từ điểm này, chúng tôi hiểu được sự giáo học của cổ nhân.

Bởi lẽ, thời cổ, trẻ nhỏ được bồi dưỡng sự ổn trọng từ nhỏ, nhất cử, nhất động đều giống như một người trưởng thành thu nhỏ, nên nó có thể tiếp nhận giáo dục đạo đức.

Còn như những trẻ nhỏ của phương Tây, chẳng có cách nào tiếp nhận, tiếp nhận khoa học kỹ thuật thì được, chứ chúng chẳng có năng lực tiếp nhận loại học vấn như của Trung Quốc.

Vì vậy, học gì cũng đều cần tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, thật sự là cơ sở để học theo Cổ Thánh Tiên Hiền. Thiếu cơ sở này, chúng ta chỉ nghe những kiến thức thông thường bề ngoài, chẳng có cách nào khế nhập cảnh giới.

Trong đoạn tiếp theo, vẫn là điều được nói trong Kinh Viên Giác: Huyễn diệt diệt cố, phi huyễn bất diệt cái huyễn diệt bị diệt, nhưng cái chẳng huyễn bất diệt.

Huyễn là giả, chẳng thật, quý vị chẳng thể nói nó chẳng có tướng, nay tất cả các hiện tượng đều hiện tiền, làm sao quý vị có thể nói là không có tướng?

Tuy hiện tượng hiện tiền, chẳng thể nói là nó có, vì sao chẳng thể nói là nó có?

Tướng ấy là huyễn tướng, thật vậy, giống như những tấm phim trong máy chiếu phim. Chúng ta coi phim, phim hiện thời dùng kỹ thuật mã hóa digitalized, chẳng dễ gì thấy được chúng là huyễn tướng.

Trước đây, điện ảnh dùng phim nhựa. Ở đây, tôi vẫn có vài cuộn phim, phim xi nê. Đây là cuốn phim nhựa, đây là máy chiếu. Quý vị thấy mỗi tấm ảnh trong cuộn phim là một tướng cảnh giới, là một huyễn tướng.

Ống kính của máy chiếu phim mở ra, tấm phim này được chiếu lên màn bạc. Ống kính đóng lại, lại đổi sang tấm phim thứ hai, tấm phim thứ nhất chẳng còn, lại đổi sang tấm phim thứ ba, tấm phim thứ hai chẳng còn.

Nó thay đổi nhanh chóng, trong một giây thay đổi hai mươi bốn tấm, chúng ta bèn bị gạt, chúng ta coi phim giống như bị nó mê hoặc, dường như là thật, thật ra tốc độ là một phần hai mươi bốn phần giây.

Hiện tượng trong vũ trụ hiện tại của chúng ta nhanh hơn tướng được hiện trên màn ảnh bao nhiêu?

Phật hỏi Di Lặc Bồ Tát, thật ra, hai Ngài một hỏi một đáp cho chúng ta nghe, song tấu cho chúng ta nghe hòng giác ngộ. Phật hỏi, Di Lặc Bồ Tát đáp.

Đức Phật nói tâm có niệm, đây là nói về những kẻ bình phàm giống như chúng ta trong tâm khởi lên ý niệm, trong một niệm có bao nhiêu tế niệm?

Có mấy niệm?

Đó là ý niệm vô cùng vi tế, giống như chúng ta trong một giây nhìn các hình ảnh hiện trên màn bạc, hình ảnh trong phim, thấy một giây là hai mươi bốn niệm, hai mươi bốn niệm sanh diệt, chúng ta coi mỗi niệm là một giây. Còn Di Lặc Bồ Tát nói tới một cái khảy ngón tay, một cái khảy ngón tay chưa đầy một giây.

Nếu chúng ta khảy nhanh, trong một giây có thể khảy bốn lần. Khảy nhanh hơn sẽ có thể khảy năm lần.

Ngài nói một cái khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, trăm ngàn là mười vạn, ba mươi hai ức nhân với mười vạn, trong một cái khảy ngón tay có bao nhiêu niệm?

Ba mươi hai ức nhân với mười vạn là ba trăm hai mươi triệu, chúng ta làm sao có thể biết nó là giả được.

Nếu một giây chúng ta khảy năm lần, trong một giây có bao nhiêu tế niệm?

Một ngàn sáu trăm triệu.

Trên màn bạc điện ảnh, một giây mới là hai mươi bốn lần, hai mươi bốn niệm sanh diệt, còn hoàn cảnh hiện thực là trong một giây có một ngàn sáu trăm triệu, ai có thể thấy được?

***