Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

TỊNH TÔNG NHẬP MÔN - TẬP BỐN - CHƯỚNG NGẠI CỦA HÀNH GIẢ

TỊNH TÔNG NHẬP MÔN

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP BỐN

CHƯỚNG NGẠI CỦA HÀNH GIẢ
 

Người hiện nay tạo tội nghiệp có thể nói là rất phổ biến, tất cả đều đem việc này coi thành việc thông thường, cho nên riết rồi không ai để ý và quan tâm đến, mà  không biết quả báo rất đáng sợ.

Không kể xuất gia hay tại gia, có mấy người học Phật đã thiệt giác ngộ, thiệt hối cải rồi?

Trong Kinh, Phật cũng nói những người này rất hiếm, rất ít có, nhưng không thể nói không có, chỉ nói là rất hiếm mà thôi. Chúng ta tự hỏi mình có phải là một trong thiểu số những người Đức Phật nói ở trên. Ðây là điều chúng ta nên giác ngộ, nên thức tỉnh, phải thành thật mà phản tỉnh và kiểm điểm lại.

Lúc Đức Phật còn tại thế, đã có một số Bồ Tát tỏ ra rất ngu xuẩn không có trí huệ, tạo ra rất nhiều tội nghiệp, cho dù muốn tu hành nhưng chướng ngại quá nhiều.

Họ có phải thiệt là như vậy không?

Chúng ta có thể suy nghĩ xem những việc đó chưa chắc đã là thiệt. Vì Thế tôn năm xưa xuất hiện tại thế gian này, có rất nhiều vị Cổ Phật hoặc Đại Bồ Tát trở lại giúp đỡ cho Phật để hoằng pháp độ sanh. Họ thị hiện trong chúng Tỳ Kheo, chúng Bồ Tát, và người hộ pháp, không kể họ có hành vi thuận hoặc nghịch đều là cố ý làm ra.

Tại sao phải làm như vậy?

Vì muốn dạy cho tất cả chúng sanh, đây thiệt là đại từ đại bi. Nếu không có những sự tiêu biểu thị hiện này, rất nhiều pháp Đức Phật không thể nói ra được. Tại vì Đức Phật nói pháp đều là tùy cơ mà nói. Những sự thị hiện của các vị nói trên đều là thay mặt chúng sanh mà thỉnh pháp. Có người thì trực tiếp hỏi, đây gọi là ngôn ngữ thỉnh pháp.

Có người cố ý tạo ra những ác hạnh, để cho Phật thấy được mà lại khai đạo dạy giáo huấn, đây là dùng thân nghiệp để thỉnh pháp. Ngoại trừ dùng thân nghiệp và khẩu nghiệp để thỉnh pháp, ý nghiệp cũng có thể thỉnh pháp. Chúng ta cũng thường thấy được trong Kinh Điển Ðại Thừa, chúng đệ tử vừa khởi tâm động niệm, tuy là chưa nói ra Phật đã biết được.

Giống như trong Kinh Vô Lượng Thọ, đoạn nói về Vua A Xà Thế, họ dùng niệm để thỉnh pháp. Trong tâm có niệm như vậy, chưa nói ra Phật đã kể lại nhân duyên của họ trong đời quá khứ. Do đây có thể biết thân, ngữ, ý ba nghiệp đều có thể thỉnh pháp.

Cho nên khi chúng ta biết được điểm này, chúng ta không thể dùng tâm khinh mạn để xem xét những mật hạnh của hàng Tỳ Kheo, Bồ Tát. Nhất định phải biết họ là vì đại từ đại bi thay thế chúng ta để thỉnh pháp. Những gì họ biểu hiện ra đều là những ý ác, khẩu ác, hành ác của chúng ta hiện nay.

Nếu không có sự thỉnh cầu của họ thì sẽ không có sự giảng dạy của Phật, chúng ta làm sao có thể biết được là mình đã phạm lỗi lầm?

Biết được mình đã phạm lỗi lầm rất nghiêm trọng?

Chúng ta sơ lược cử ra một thí dụ trong Kinh, chuyện này chúng ta rất thường nhắc lại trong những buổi giảng Kinh. Tuy là thường nhắc lại nhưng nhiều khi cũng bị mọi người quên mất. Ðó là tùy tâm vui vẻ của mình hoặc tùy tâm ưa thích của mình mà chửi mắng, phỉ báng, sỉ nhục người khác, mà không biết sự đáng sợ của nghiệp tội này.

Trong Kinh, Phật đã kể lại chuyện của một người xuất gia lúc Phật còn tại thế, chứ không phải thời mạt pháp hiện giờ. Người xuất gia này ỷ là mình học rộng, thường nghe Phật giảng Kinh thuyết pháp, nghe nhiều nên sanh tâm kiêu ngạo cũng giống như người hiện nay thường nói điều này đáng được hãnh diện.

Lúc Phật còn tại thế, vị này tu học rất tốt, trì giới thanh tịnh, nghe Kinh rất nhiều, cho nên rất kiêu ngạo. Kiêu ngạo là phiền não, bạn thấy vị này không sanh trí huệ mà lại sanh phiền não, vậy là sai rồi.

Còn một loại người tu hành, tuy là không có tâm kiêu mạn, họ tu khổ hạnh, muốn ít, biết đủ, điều này rất quý. Cũng giống như đời sau này những người ẩn tu trong núi, trong túp lều tranh. So với những người khác những người tu hành này quả thật thân tâm thanh tịnh hơn nhiều. Tuy nhiên họ lại chấp tướng, chấp tướng thì sai rồi.

Trong Kinh Kim Cang nói rất hay: Nếu Bồ Tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì không phải Bồ Tát. Phật không thừa nhận người như vậy là Bồ Tát. Chúng ta nghĩ coi lúc Đức Phật còn tại thế đã như vậy huống gì là thời mạt pháp bây giờ, đã hai ngàn năm trăm năm qua rồi.

Lúc Thế Tôn còn tại thế, có thể nói cả đời đều dùng để giảng Kinh thuyết pháp, Ngài thuyết pháp hết bốn mươi chín năm. Lúc đó khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển, cách xa nơi Phật thuyết pháp thì không thể nghe pháp, vì vậy cơ hội nghe pháp thiệt là rất hiếm hoi.

Cho nên Thế Tôn thường phái những đệ tử xuất gia và tại gia biết giảng Kinh thuyết pháp đi khắp nơi để thay thế Phật hoằng pháp lợi sanh. Có thể nói là những vị này trong lớp học của Phật dạy đã tốt nghiệp ra trường. Họ có thể giảng Kinh, biết phương pháp tu hành, cũng tu được rất tốt, cho nên được phái đi khắp nơi để giảng Kinh thuyết pháp.

Trí huệ và phước đức của Đức Phật đều viên mãn đương nhiên sẽ được tất cả mọi người cung kính. Những học trò của Đức Phật được phái đi giảng Kinh đa số cũng được quần chúng tôn kính, nhưng cũng có một số ít không được như vậy, mà còn bị người ta khinh khi và phỉ báng nữa.

Chúng ta biết phiền não tập khí của chúng sanh trong lục đạo rất nặng. Những thứ phiền não như tham, sân, si, mạn, đố kỵ không cần học cũng có vì những thứ này đều là phiền não tích lũy từ nhiều đời trước. Khi thấy người khác xuất sắc hơn mình, trong tâm liền không phục, từ đó liền kiếm mọi cách đi phá hoại.

Những chuyện như vậy trong đời mạt pháp hiện nay còn nhiều hơn hồi trước rất nhiều, bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào chúng ta đều có thể thấy được.

Hoằng Pháp lợi sanh là chuyện tốt. Tuy nhiên chuyện tốt thì sẽ gặp nhiều ma chướng. Ma chướng là những chuyện rắc rối, tuy là làm chuyện tốt nhưng bạn sẽ gặp rất nhiều chuyện cản trở, chuyện rắc rối xảy ra. Phật nói thời bấy giờ có hai vị Tỳ Kheo được Phật phái đi thuyết pháp. Nếu Pháp Sư có đức hạnh, có biện tài, có thiện xảo, tự nhiên sẽ được tín chúng ưa chuộng.

Pháp Duyên của hai vị Pháp Sư này rất thù thắng, tín chúng rất đông, đương nhiên cúng dường cũng rất nhiều. Những vị Pháp Sư khác nhìn thấy thì trong tâm không mấy gì vui, sanh tâm đố kỵ và tìm đủ mọi cách để gây chướng ngại cho hai vị này. Cho nên họ mới bịa chuyện nói là hai vị đó phá giới, nói họ chỉ biết nói mà không biết làm, nói họ đã phạm bốn trọng giới bốn giới chính là sát sanh, trộm cắp, dâm dục, và nói dối.

Có người đi dèm pha bịa chuyện rồi nói cho người khác nghe. Có người phỉ báng, đi nói xấu hai vị này khiến cho người nghe sanh tâm hoài nghi, mất lòng tin đối với Pháp Sư. Từ đó pháp duyên của hai vị này dần dần giảm bớt, người nghe cũng bớt đi không ít. Những người đố kỵ đã đạt được mục đích, đã thành công trong việc phá hoại và gây chướng ngại cho hai vị Pháp Sư kể trên.

Tuy nhiên Phật nói ác nghiệp của người đố kỵ, phỉ báng, phá hoại hai vị Pháp Sư kể trên quá nặng, quả báo của người đó là đọa địa ngục a tỳ sáu triệu năm, sáu triệu năm này là dùng thời gian của chúng ta mà tính.

Người Trung Quốc có năm ngàn năm lịch sử, các vị thử nghĩ xem năm ngàn năm chỉ là một nửa của một vạn năm. Thời gian đọa địa ngục của người đó là gấp một ngàn hai trăn lần nhiều hơn năm ngàn năm của lịch sử Trung Quốc.

Sau sáu triệu năm trong địa ngục a tỳ hết rồi, tội của người đó cũng chưa tiêu hết, tội nặng báo hết nhưng còn tội nhẹ còn lại, cho nên chuyển đến địa ngục Ðẳng hoạt chịu tội thêm bốn triệu năm nữa. Sau đó sanh đến địa ngục Hắc thằng chịu hai triệu năm.

Tiếp theo lại chuyển đến địa ngục Thiêu Nhiệt, sự trừng phạt ở đây nhẹ hơn chịu thêm sáu triệu năm. Tổng cộng là mười tám triệu năm. Câu chuyện này là do Phật thuật lại.

Kinh Kim Cang có nói: Như Lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả.

Tạm dịch: Như Lai là người nói lời chân thật, lời đúng như thế, người không nói lời lừa gạt, không nói lời khác biệt. Phật tuyệt đối không nói một lời giả dối.

Chúng ta thử nghĩ coi tạo những thứ nghiệp này rất dễ dàng, tại sao lại mắc phải tội nặng như vậy?

Ðiều này thiệt làm cho chúng ta suy nghĩ không ra, hình như chịu tội như vậy là quá nặng, không hợp lý tí nào. Thật ra nếu chư vị đọc kỹ giới Kinh thì sẽ hiểu, trong Phật Pháp Sự định tội không phải do một người nào đó đặt ra, không như trong thế gian có pháp luật, có quan tòa xử án.

Trong Phật Pháp không có, Chư Phật Bồ Tát không làm quan tòa, không làm thẩm phán. Trong Phật Pháp không giống như pháp luật trong thế gian, không có định ra phải trừng phạt tội nhân như thế nào. Chư Phật Bồ Tát đều rất từ bi.

Nếu thế thì tại sao lại có những thứ nghiệp tội như vậy?

Tội này được gọi là tánh tội, thật là tự làm tự chịu.

Ðịa ngục ở đâu?

Ðịa ngục là tội báo của người ta tự nhiên biến hiện ra chứ không phải có ai tạo ra một cái địa ngục để cho người ta vào chịu tội. Chư Phật Bồ Tát không làm những chuyện như vậy, Chư Thiên, Quỷ, Thần cũng không làm những chuyện này, Diêm La Vương cũng không làm những chuyện này.

Lão Cư Sĩ Châu Kính Trụ có thuật lại một câu chuyện và sau này cũng có viết trong một quyển sách, hình như tựa là Bát Ðại Nhân Giác Kinh Giảng Ký. Nội dung của câu chuyện nói đến nhạc phụ của ông là ông Chương Thái Diệm.

Ông Chương giữ chức Quốc Học Ðại Sư vào thời Dân Quốc và trước đó đã làm phán quan của Ðông Ngục. Ðông Ngục Ðại Ðế Vua của Ðông Ngục là Ðại Quỷ Vương, quyền lực của ông Vua này chỉ thua Diêm La Vương một bậc. Chức phán quan cũng tương tợ như chức bí thư trưởng hiện nay, địa vị này cũng rất cao.

Ông Chương là người học Phật, nghe nói trong địa ngục có hình phạt gọi là bào lạc, bào lạc là đem cột sắt đốt đỏ rực lên rồi bắt tội nhân đi ôm cột sắt nóng đó. Ông Chương nói hình phạt này quá tàn nhẫn và đề nghị Quỷ Vương của Ðông Ngục nên bải bỏ hình phạt này. Ông Vua Ðông Ngục không trả lời, mỉm cười và sai hai chú tiểu quỷ dẫn ông Chương đi đến chỗ tội nhân bị hành hình để xem.

Hai chú tiểu quỷ này bèn dẫn ông Chương đi một nơi rất xa rồi chỉ về một phía và nói: Ở phía trước kìa. Nhưng ông lại nhìn không thấy gì hết. Từ đó ông mới hiểu hình phạt đó không phải do người nào lập nên mà từ trong tự tánh biến hiện ra, chuyện này hoàn toàn phù hợp với những gì nói trong Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện.

Trong Kinh nói địa ngục chỉ có hai loại người có thể thấy được, một là người tạo tội đi chịu trừng phạt biến hiện ra. Còn loại thứ hai là Bồ Tát đi vào địa ngục để cứu chúng sanh.

Không phải hai loại này, địa ngục ở ngay trước mặt bạn cũng không thấy được, cho nên ông Chương nhìn không thấy. Như vậy mới nói rằng đây không phải vấn đề tàn khốc và nhân từ, mà là tội tánh biến hiện ra quả báo.

Cũng giống như một người thường ngày hay làm ác, ban đêm thường có ác mộng.

Ai làm cho họ có những ác mộng như vậy?

Là tự tánh của họ biến hiện ra, tuyệt đối không phải là người khác tạo ra ác mộng để cho người đó chịu, là tự người đó biến hiện ra.

Tội từ đâu hình thành nặng như vậy?

Phật nói với chúng ta, đối tượng của tội mà người kể ở trên tạo ra không phải là đối với hai vị Pháp Sư. Nếu bạn phỉ báng hai người này, thật tình mà nói không phải là tội nặng lắm.

Tội là từ chỗ nào mà tính?

Là từ chỗ tất cả những tín đồ thính chúng ở trong khu vực này tại vì những lời phỉ báng đó mà không tin Phật, không chịu nghe Phật Pháp nữa, không chịu noi theo Phật Pháp mà tu hành. Họ đem thiện căn của những người trong khu vực này đoạn mất, đem Pháp Thân huệ mạng của những chúng sanh này đoạn dứt. Tội là từ chỗ này mà tính, vì thế nên tội này rất nặng.

Trong Kinh Phật nói giết người đoạt mất thân mạng người là chuyện nhỏ. Bạn giết đi một người, bốn mươi chín ngày sau họ đi đầu thai trở lại. Một người bị giết đi rất dễ lấy được thân người trở lại, tại vì bị giết không có tội, chỉ có người đi giết người mới có tội.

Trong đời này tôi được thân người, nhờ tôi còn một chút phước thừa, tuy là bị người khác giết đi, bốn mươi chín ngày sau đầu thai cũng có thể làm người trở lại. Ðời sau còn có thể tiếp tục hưởng phước. Cho nên giết người lấy mạng người thì tội nhẹ, tội làm mất huệ mạng của người mới nặng. Nghe được Phật Pháp không phải dễ, cơ duyên này thật là rất khó được, rất khó gặp.

Trong Kinh có nói: Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn, nghĩa là thân người khó được, Phật Pháp khó được nghe. Nghe được Phật Pháp còn khó hơn được thân người, điều này là thật không phải giả đâu.

Một người trong đời này có thể nghe được Phật Pháp, nếu có thể giác ngộ tỉnh thức được, người đó trong đời này sẽ làm Phật. Họ thành Phật, bạn thử nghĩ xem, Chư Phật Như Lai sẽ không ngớt lời khen ngợi công đức của người đó.

Nếu bạn hôm nay đem cái cơ duyên này cắt đứt mất, tội của bạn nặng bao nhiêu?

Tội là từ chỗ này mà tính. Cho nên Phật nói phạm tội này phải đọa địa ngục a tỳ mười tám triệu năm, từ địa ngục ra vẫn còn quả báo thừa. Từ địa ngục ra mới được làm người. Phật nói trong vòng năm trăm đời, khi sanh ra bị mù không có mắt.

Phải chịu đui mù ngay từ lúc lọt lòng. Sau năm trăm đời tội đó từ từ nhẹ đi, nhưng vẫn thường sanh ở biên địa. Trong Phật Pháp biên địa nghĩa là những địa phương mà tiêu chuẩn văn hóa rất lạc hậu, người thường rất ngu dốt, không được học hành, nghèo nàn, thường bị người khác chê bai, trêu chọc, ức hiếp. Tất cả những thứ này đều là do nghiệp báo đời quá khứ tạo ra.

Người này lúc trước cũng từng xuất gia, cũng là người tu hành, nhưng vì chướng ngại của sự đố kỵ mà tạo ra tội nặng như vậy, cho nên họ có lúc cũng sẽ có một niệm tỉnh ngộ muốn tu hành, tuy nhiên ý niệm này vừa mới khởi lên, nhưng vì nghiệp chướng quá nặng ý niệm này rất mau lại tiêu mất, như thế mới biết khó dường nào.

Chúng ta phải khẳng định rằng, trong đời quá khứ chúng ta cũng đã từng trải qua. Phật không phải nói người khác, thật là đang nói chúng ta đó. Chúng ta hôm nay được thân người, được nghe Phật Pháp, nên biết trong đó đã trải qua quá trình dài như thế nào, đã chịu đựng qua những tội báo rất nặng.

Phật nói những lời này, người hiện nay có mấy ai tiếp nhận và có thể tin đuợc?

Ðọc Kinh Phật và nghe giảng pháp dường như nghe kể chuyện thần thoại, dường như những chuyện thần thoại Phật kể ra không có chút gì dính líu với chúng ta, nào ngờ đâu những chuyện này chính là chuyện của cá nhân chúng ta.

Phật nói tương lai nghiệp chướng tiêu diệt hết, họ sẽ sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, sẽ thấy Đức Phật A Di Ðà, A Di Ðà Phật sẽ thọ ký cho họ.

Chuyện này có thật không?

Là thật đó.

Tại sao vậy?

Khi chúng ta đã nghe qua một danh hiệu A Di Ðà Phật, đã thấy qua tranh ảnh hoặc là hình tượng của Phật A Di Ðà, trong A lại da thức đã có hột giống của Phật A Di Ðà, giống như câu nói nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng nghĩa là một phen lọt vào tai, hột giống của đạo đã được gieo vĩnh viễn rồi.

***