Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

TỊNH TÔNG NHẬP MÔN - TẬP NĂM - TIÊU TRỪ CHƯỚNG NGẠI

TỊNH TÔNG NHẬP MÔN

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP NĂM

TIÊU TRỪ CHƯỚNG NGẠI

 

Trong đời này nếu chúng ta không cố gắng tu học, không tiêu trừ những chướng ngại này, chúng ta sẽ không vãng sanh được, cho dù không tạo ra tội nặng cũng không thể vãng sanh.

Nếu như tiếp tục tạo những tội nặng như phỉ báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, thì chuyện rắc rối này rất lớn, còn phải đi vào địa ngục, biến thành súc sanh, làm người ngu si, phải trải qua vô lượng kiếp như vậy thật là quá khổ.

Cho nên chúng ta phải biết sám hối, phải thành thật mà ăn năn. Ăn năn trên căn bản là phải thay đổi quan niệm của chúng ta, từ trong tâm sửa đổi, từ trong sinh hoạt hàng ngày khi đối xử với người và tiếp xúc với sự việc mà làm. Chúng ta nhất quyết phải thay đổi trên sự tướng mới có kết quả.

Ðức Phật đã vì chúng ta nêu ra vài thí dụ nhưng vì sự việc quá phức tạp nói ra không hết. Chúng ta phải có khả năng nghe một hiểu mười, nghe Phật nói đến một trường hợp thì có thể liên tưởng đến những trường hợp khác tương tự, những thứ này đều phải sửa đổi.


1. BẤT CẦU THA QUÁ


Không để ý đến lỗi của người khác. Trước hết, từ nay về sau đối với những thiện tri thức hoằng pháp, không kể người đó là tại gia hay xuất gia, khi nhìn thấy hoặc là nghe nói họ phạm lỗi lầm, tuyệt đối không nói, phải thật là làm được nhìn mà không thấy, nghe mà không biết.

Chúng ta là phàm phu, họ ở trong cảnh giới gì, chúng ta làm sao biết được?

Nếu họ là phàm phu họ tạo ra tội lỗi, họ sẽ chịu lấy quả báo. Nếu chúng ta đi đến đâu đều kể lại, đến đâu cũng phân biệt chấp trước, chúng ta tự mình phải chịu quả báo, điều này thật không đáng tí nào. Ðây là tuyệt không gây chướng ngại cho việc hoằng pháp lợi sanh, tuyệt không gây chướng ngại cơ duyên nghe pháp của đại chúng trong vùng này.

Bất cứ lúc nào cũng không nên tìm khuyết điểm của người khác. Giữ ý niệm này đã là không tốt huống chi là làm những việc như vậy. Ðiều đó đối với chuyện tu hành của mình đã sanh ra chướng ngại rất lớn.

Vậy thì chúng ta đang tu cái gì?

Ðiều này không thể không biết.

Ðiều chúng ta đang tu là: Giác, chánh, và tịnh. Giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Trong ba điều này Tịnh Tông đặc biệt chú trọng tâm thanh tịnh, tâm tịnh thì Cõi Phật Tịnh.

Cứ thường đi gây rắc rối cho người khác, tâm của bạn làm sao có thể thanh tịnh?

Nếu muốn có tâm thanh tịnh, chuyện của  người khác chúng ta không cần biết đến, như thế tâm của chúng ta mới được thanh tịnh. Cố ý gây rắc rối cho người khác tuyệt đối sẽ không có tâm thanh tịnh. Những người như vậy nhất quyết không đắc được định. Nếu không có định thì sẽ không có trí huệ, không có định và huệ thì người đó nhất định sẽ bị vô minh phiền não che lấp.

Một người từ sáng đến tối đều bị vô minh che lấp thì làm sao không tạo tội được?

Không thế nào được mà. Ðây là điều chúng ta phải ghi nhớ.


2. KHÔNG NÊN TỰ KHEN MÌNH,

MÀ CHÊ BAI KẺ KHÁC


Thứ hai, cho dù chúng ta tu hành rất đàng hoàng đi nữa, hôm qua tôi có nói, cho dù công phu của chúng ta đã được đắc lực, đã đạt được sự thọ dụng chân thật của Phật Pháp, cũng không được tự khen mình mà chê người khác.

Ðây là căn bệnh thường có của mọi người, thường tán thán khen ngợi pháp môn của mình, và còn nói mình tu tập được rất tốt, người khác đều không bằng, điều này không được. Ðây cũng là vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước.

Nếu bạn nói mình tu hành rất tốt, đem so sánh với A La Hán thì sao?

So sánh với Bồ Tát thì sao?

Thua xa mà.

Có một chút này mà ăn thua gì?

Tuyệt đối không được tự mình khen mình, tuyệt đối không được phỉ báng kẻ khác. Chuyện này đời xưa có, ngày nay đặc biệt còn nhiều hơn, quá nhiều, không biết nghiệp tội này nặng.

Chúng ta Tu Tịnh Ðộ niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, khi gặp người tham thiền hoặc người học Mật thì cũng như gặp oan gia kẻ thù.

Như vậy làm sao được?

Thiền là do Phật truyền ra, Mật cũng là do Phật truyền ra mà, nếu bạn phỉ báng những pháp môn này, như vậy không phải là phỉ báng Phật rồi sao?

Phỉ báng những pháp mà Phật dạy rồi sao?

Người y theo Thiền, Mật tu hành thành công rất nhiều, ngày nay tuy là ít đi rồi, lúc trước rất nhiều, như vậy không phải là bạn đã phỉ báng Tăng rồi sao?

Cho nên không hay không biết chúng ta đã phạm những lỗi lầm này, tự khen mình mà nói xấu chê bai kẻ khác, phỉ báng Tam Bảo, điều này phải đọa địa ngục A tỳ, từ nay về sau đừng làm chuyện ngu xuẩn này nữa.

Phải nên có thái độ như thế nào mới đúng?

Khi thấy người khác Tham Thiền, người khác Trì Chú, chúng ta phải cung kính đối xử với họ, cung kính một cách hoan hỷ, tán thán mà không thể hủy báng.

Vào năm một ngàn chín trăm bảy mươi bảy khi tôi ở Hương Cảng giảng Kinh Lăng Nghiêm, Pháp Sư Thánh Nhất có lại thăm và dự ba ngày giảng Kinh nữa. Ngài rất hoan hỷ và còn khuyên tín đồ của Ngài đến nghe tôi giảng Kinh.

Pháp Sư tu theo Thiền Tông, một hôm có mời tôi đến tham quan Tự Viện của ngài, tôi cũng rất hoan hỷ nhận lời. Pháp Sư Trụ Trì tại Chùa Bảo Liên ở phía sau của Ðại Di Sơn. Đường lên núi rất nhỏ hẹp, xe chạy lên không được, phải đi bộ khoảng ba bốn mươi phút mới lên đến một ngôi Chùa nhỏ. Pháp Sư nói với tôi rằng mục đích không mở rộng đường lên núi là để tạo một chút khó khăn khi lên Chùa.

Nếu bạn không phải thật đi đến Chùa để học hỏi thì đừng đến Chùa, cho nên không mở rộng đường ra, mục đích này rất hay!

Tôi đi đến đó tham quan và rất khâm phục họ. Từ trước đến nay tôi chưa thấy qua một Đạo tràng nào trang nghiêm như vậy. Tăng Chúng trong Chùa có khoảng bốn mươi mấy vị, mỗi ngày đều đúng giờ tọa hương Tham Thiền.

Pháp Sư mời tôi giảng khai thị tại Thiền Đường, tôi không thể nói Tham Thiền không thể thành tựu, niệm Phật mới thành tựu được.

Như vậy không phải là phá hoại Đạo tràng của người khác rồi sao?

Ðiều này nhất định không thể làm. Hên là lúc trước tôi có giảng Kinh Kim Cang, Lục Tổ Ðàn Kinh, Vĩnh Gia Thiền Tông Tập Chứng Ðạo Ca, chuyện trong Thiền Tông tôi có giảng qua một ít, cho nên Khẩu Ðầu Thiền cũng không đến nỗi tệ.

Tôi khen ngợi họ, khâm phục, tán thán Đạo tràng, khen ngợi Pháp Sư, khen ngợi đại chúng tham học Thiền tại đó, đây đều là những điều phải làm hết.

Sau khi ra về, những vị đồng tu cùng tôi lên thăm Chùa mới hỏi: Pháp Sư tán thán Thiền Tông như vậy, tại sao lại niệm A Di Ðà Phật?

Tôi mới nói với họ vì căn tánh của tôi không lanh lợi, không bì được với người Tham Thiền, đừng nói tôi không thể khai ngộ, cả việc có thể được thiền định hay không cũng không chắc nữa. Còn niệm Phật, nương nhờ A Di Ðà Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thì tôi vững tâm hơn.

Tôi nói những lời này đều là thật, cho nên nhà Phật có nói nếu muốn Phật Pháp hưng thạnh, chỉ cần Tăng khen ngợi Tăng. Tán thán khen ngợi lẫn nhau, Phật Pháp mới có thể phục hưng lại, mới có thể phát triển rộng ra. Nếu người nào cũng phỉ báng chê bai lẫn nhau thì không tốt, tất cả đều phải đọa địa ngục A tỳ.

Chúng ta phải hiểu đạo lý này, căn tánh của tất cả chúng sanh không giống nhau cho nên Phật mới mở ra vô lượng pháp môn. Tất cả pháp môn đều ứng cơ tùy theo căn cơ và điều kiện của chúng sanh mà thuyết pháp. Bạn thích pháp môn nào, y theo pháp môn đó tu học đều có thể thành tựu.

Cho nên pháp môn bình đẳng, không có cao thấp, vậy thì làm sao có thể phỉ báng được?

Không những không thể phỉ báng những pháp môn trong Phật Pháp mà cũng không thể phỉ báng những Tôn giáo khác trong thế gian. Hai ngàn năm trở lại Tôn giáo tín ngưỡng là yếu tố duy trì trật tự trong xã hội của những quốc gia Tây Phương, làm cho người ta khi khởi tâm động niệm đều nghĩ đến Thượng Ðế, cho nên ít nhiều gì cũng phải dè dặt thu liễm một chút.

Ðây là thiện pháp của thế gian, bạn làm sao có thể phá hoại nó được chứ?

Bạn làm sao có thể nói không có Thần, không có Thượng Ðế được chứ?

Nếu người ta mất đi tín ngưỡng của Tôn giáo, tùy thuận theo phiền não, thì không có chuyện ác gì mà không làm, như vậy làm sao được?

Cho nên đối với những thiện pháp trong thế gian cũng phải tán thán. Phật dạy chúng ta trong sáu niệm, ngoài niệm Phật, Pháp, Tăng còn phải niệm Thiên nữa.

Thiên này là đại diện cho Tôn giáo, đây là một quan điểm đạo đức căn bản, thường thường vì hạnh phúc của tất cả chúng sanh mà mưu cầu, vì sự hòa bình an lạc của tất cả chúng sanh mà suy nghĩ. Tất cả những thiện pháp trong thế gian và xuất thế gian, chúng ta đều phải tôn kính, phải tán thán.

Chúng ta sanh trưởng trong thời đại hôm nay vô cùng đau khổ, đừng thấy khoa học kỹ thuật của thời đại hiện nay phát triển, văn minh vật chất tiến bộ, đời sống vật chất của chúng ta so với trước tiến bộ rất nhiều, nhưng những thứ hưởng thụ mà chúng ta có được ngày nay, chư vị hãy bình tĩnh và suy nghĩ, chúng ta phải trả bằng một giá rất đắt.

Thử tính toán kỹ một chút, phần được không đủ bù đắp lại phần mất đi, chúng ta mất đi quá nhiều mà đạt được rất ít. Bài toán này có mấy người biết tính, người biết tính càng ngày càng ít.

Chúng ta tổn thất đi những gì?

Luân lý, đạo đức bị tổn hại. Phần cảm tình đạo nghĩa giữa người và người đã mất, chân tình đã mất. Không kể là khoa học kỹ thuật hôm nay có phát triển đến đâu đi nữa đều không thể bù đắp lại được, cho nên mới nói là chỗ được không bù nổi chỗ mất.

Tu hành trong thời đại bây giờ nếu thành công thì Chư Phật Bồ Tát đều tán thán và khâm phục.

Tu hành thất bại mắc đọa vào địa ngục A tỳ, Chư Phật Bồ Tát cũng gật đầu và nói: Ðúng rồi! Chắc chắn phải như vậy mà.

Tại sao vậy?

Phía trong có phiền não, phía ngoài có dụ dỗ mê hoặc, bạn có định lực bao lớn để có thể đối phó và giữ vững được?

Bạn có trí huệ bao lớn mà có thể đem chân tướng của sự thật này xem xét một cách rõ ràng?

Như vậy mới biết thật là không đơn giản. Không giống như hồi trước, hồi trước phong khí xã hội tốt, nhân tâm lương thiện, người người đều giữ lễ, tuân theo pháp luật, không dám làm điều xằng bậy, đều tôn trọng lời dạy của Thánh Hiền nên tu học rất dễ dàng.

Khó tin nhưng có thể tin, khó tu nhưng chịu tu, đây là những người hào kiệt xuất chúng, là người mà Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền đều tán thán, chúng ta có phải là một phần tử trong nhóm người này không?

Trong thời đại hôm nay, mỗi câu Phật dạy cho chúng ta, chúng ta thử suy nghĩ kỹ càng, ý nghĩa sự lý đều rất sâu rộng.

Tỉ dụ Phật dạy chúng ta: Ðối với tất cả chúng sanh không để ý đến lỗi lầm của họ. Ðừng nên nhìn khuyết điểm của người khác, đừng nêu lên lỗi lầm của người khác, ý nghĩa của câu này rất sâu rộng.

Ðiểm thứ nhất là có thể thành tựu được định huệ và tâm thanh tịnh của mình. Tâm thanh tịnh phát khởi tác dụng là trí huệ. Tham, sân, si, mạn là ô nhiễm, tâm ô nhiễm khởi tác dụng là phiền não, là tạo nghiệp.

Chúng ta không để ý đến lỗi của người khác. Người trong thế gian tạo tội, tạo nghiệp thì mình cũng không màn đến, như vậy tâm dễ thanh tịnh hơn, đây là một ý nghĩa trong đó.

Ý nghĩa thứ hai, khi bạn gây rắc rối cho người khác, bạn nói ra lỗi lầm của người khác, người đó cam tâm hay không?

Có chịu không?

Nếu không cam tâm, không nhận chịu thì bạn đã kết oán thù với người đó. Kết oán thù thì nhất định phải có sự báo phục. Cho dù bạn làm được hoàn toàn khéo léo, người khác cũng không biết là bạn gây ra, bạn có thể che đậy được hoàn toàn, tuy là họ không biết ai gây ra nhưng nhớ và hận ở trong tâm.

Chết rồi đi làm quỷ, quỷ có ngũ thông cho nên có thể tìm ra người hại họ lúc trước. Tìm ra rồi oan oan tương báo không bao giờ dứt được.

Ðời này bạn hại họ, đời sau họ báo thù rồi hại bạn lại, đời sau nữa bạn lại báo thù họ thêm lần nữa, vĩnh viễn rối rùi. Con đường bồ đề phát sanh ra nhiều chướng ngại đều phát sanh từ chỗ này.

Cho nên chúng ta phải giải quyết vấn đề này, nhất định phải từ căn bản mà hạ thủ. Căn bản là bất kiến thế gian quá, bất kiến nhân thị phi nghĩa là đừng nhìn lỗi lầm của người trong thế gian, đừng nhìn chuyện thị phi của thiên hạ. Cho dù là trong thời quá khứ có tạo ra nghiệp nhân này, hôm nay bạn đã đem cái duyên này đoạn dứt.

Duyên cắt đứt rồi, tốt lắm. Tuy là có nhân mà không có duyên nên không có thể kết trái. Chúng ta niệm Phật vãng sanh cũng đem chướng ngại giảm đi không ít.

***