Thuaàn tònh thuaàn thieän
Phöôùc hueä song tu

hoathuongtinhkhong.vn

TU TÂM THANH TỊNH

TU TÂM THANH TỊNH

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không

 

Trước đây, thầy Lý ở Đài Trung từng dạy học trò: Sanh tử tự tại tôi có thể làm được, các vị cũng có thể làm được.

Ngài tự thị hiện để thuyết pháp, chứng minh cho chúng ta thấy, chứng minh những lời Phật dạy chúng ta trong Kinh câu nào cũng chân thật, tuyệt đối chẳng giả dối.

Nhưng vấn đề là chính chúng ta có buông xuống vạn duyên được hay không?

Ai có thể bỏ được, người ấy sẽ làm được. Quyền làm được hay không làm được hoàn toàn nằm trong tay mình, chẳng phải trong tay ai khác hoặc trong tay Phật, Bồ Tát. Càng bỏ sạch được thì càng hay, càng bỏ sạch sẽ càng chuyên, càng tinh, cơ hội thành công càng lớn.

Đối với pháp môn tu học, sau khi chọn lựa xong rồi, tuyệt đối về sau chẳng hối hận. Chọn lựa pháp môn niệm Phật là quyết định chọn một câu A Di Đà Phật, tuyệt đối chẳng cần đến pháp môn nào khác nữa.

Giả sử có ai bảo quý vị: Còn có một pháp môn hay hơn pháp môn này, thành tựu còn lớn lao hơn.

Ngay lúc đó, quý vị hạ quyết tâm bảo họ: Tôi đã quyết định chọn pháp môn này, các pháp môn khác dù có hay hơn, tôi cũng chẳng màng. Phải có tín tâm và quyết tâm như thế mới hòng quyết định thành công.

Thông thường khi mình nói đến tu hành, tức là sửa đổi những hành vi sai trái. Trong quá khứ chúng ta chẳng chọn lựa, hiện tại chúng ta học cách chọn lựa, đó là trạch pháp.

Tiến hơn nữa là theo đúng giáo pháp sửa đổi những cách nghĩ, cách nhìn, cách làm sai lầm, đó gọi là tu. Từ rày về sau cứ chiếu theo những cách nghĩ, cách nhìn, cách làm chánh xác mà thực hành thì gọi là hành.

Đọc tụng Kinh Điển đại thừa là yêu cầu trọng yếu đối với người học sơ cơ. Bởi lẽ chúng ta không biết những căn bệnh nơi thân mình, có đọc Kinh Phật mới phát hiện những lầm lạc của bản thân, đó là khai ngộ. Có thể hiểu ra những chứng bệnh, những lầm lỗi nơi thân mình mới gọi là chân khai ngộ.

Đó mới là Phật Tử chân chánh. Biết sai liền sửa, sửa là sửa đổi hành vi cho đúng. Sau khi đã sửa đúng bèn gìn giữ chẳng tái phạm lầm lỗi nữa, đó gọi là tu tập. Tu tập và tu trì ý nghĩa hoàn toàn tương đồng.

Đức Phật đem phương pháp tu tâm thanh tịnh dạy cho chúng ta là: Các ông lắng nghe. Nếu các Thanh Văn tu tập chánh hạnh, muốn đạt được tâm thanh tịnh, nên dứt năm pháp, nên tu tập bảy pháp sao cho viên mãn. Một là tham dục. Hai là nóng giận. Ba là hôn trầm say ngủ. Bốn là lao chao, hối hận. Năm là ngờ vực. Năm thứ cái chướng này phải nên trừ dứt.

Những gì là bảy pháp?

Một là trạch pháp giác chi, hai là niệm giác chi, ba là tinh tấn giác chi, bốn là hỷ giác chi, năm là khinh an giác chi, sáu là định giác chi, bảy là xả giác chi. Hãy nên tu tập bảy pháp như thế.

Này các Tỳ Kheo! Nên biết tâm thanh tịnh vừa nói đó chính là nói tâm giải thoát tăng trưởng, huệ giải thoát tăng trưởng.

Trong đoạn Kinh này, Đức Phật dạy chúng ta: Thế nào là tâm thanh tịnh?

Hai câu cuối này dùng những lời đơn giản nhất, thiểu cận nhất để giải thích. Thanh tịnh tâm tức là tâm được giải thoát. Tâm giải thoát thì huệ cũng sẽ giải thoát.

Vậy thì cái tâm này giải thoát như thế nào?

Giải thoát là cách nói hình dung, tỷ dụ. Chẳng hạn như một người bị dây rợ trói chặt, chẳng tự tại, chẳng tự do, giờ đây có ai tháo gỡ cho, ngay lập tức bèn tự tại.

Hiện thời tâm chúng ta chẳng tự tại, rất giống như người bị dây thừng trói chặt. Những dây thừng đó chính là vọng tưởng, phiền não, ưu lự, vướng mắc, trói buộc tâm ta chẳng được tự tại, mà huệ chính là tác dụng của tâm. Tâm chẳng tự tại, bèn chẳng có huệ. Tâm được tự tại, huệ bèn hiện tiền.

Trong Kinh đại thừa, Đức Phật thường nói ngũ trược ác thế. Đích thực, trong xã hội hiện tại, có thể nói là trược ác đến mức cùng cực. Kinh Vô Lượng Thọ nói kịch ác cực khổ cũng là nói về tình cảnh của xã hội hiện tại. Trược là ô nhiễm.

Nói thật ra, những điều tâm chúng ta tiếp xúc hiện tại là những thứ nhiễm trược nghiêm trọng nhất từ xưa đến nay. Tâm lý ô nhiễm, tinh thần ô nhiễm, tư tưởng ô nhiễm, kiến giải ô nhiễm, thậm chí thân thể, thức ăn cũng bị ô nhiễm. Thế giới này há còn lạc thú gì để nói nữa cơ chứ.

Hiện tại, ai cũng nói đến chuyện bảo vệ môi trường, nhưng nói đến môi trường là vĩnh viễn chẳng đạt được mục tiêu.

Trong Kinh Đức Phật dạy: Y báo chuyển theo chánh báo. Hoàn cảnh là y báo, nhân tâm là chánh báo.

Nhân tâm chẳng thanh tịnh thì hoàn cảnh làm sao thanh tịnh được?

Muốn cho hoàn cảnh thanh tịnh thì tâm phải cầu thanh tịnh trước đã. Nhưng tâm con người muốn đạt thanh tịnh thì phương pháp tối hiệu quả duy nhất là Phật Pháp. Đích xác là Phật Pháp có thể thanh tịnh thân tâm, khiến cho tâm chúng ta được giải thoát. Tâm thanh tịnh là tâm giải thoát, tâm thanh tịnh khởi tác dụng là trí huệ chân thật.

Tôi đã giới thiệu, đề cao pháp môn niệm Phật cùng các đồng tu, là vì niệm một câu Phật hiệu, không chỉ đoạn trừ năm thứ cái chướng, mà còn đồng thời phá được vô minh.

Lúc chuyên tâm niệm một câu Phật hiệu, năm thứ cái chướng đều chẳng hiện tiền, nhưng một câu Phật hiệu rành rành rẽ rẽ, minh minh bạch bạch, nên chẳng đọa vô minh. Bởi thế, niệm danh hiệu Phật có công đức chẳng thể nghĩ bàn.

***